Chủ nhật, 12/05/2024, 13:35[GMT+7]

Lễ hội đền Tiên La: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ 3, 24/04/2018 | 14:08:28
3,997 lượt xem
Những ngày này, cùng với sự thành kính hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương, nhân dân địa phương và du khách thập phương tề tựu tại vùng đất Đa Cương xưa (Hưng Hà ngày nay), nơi có đền Tiên La để dâng hương tưởng niệm Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục - nữ anh hùng dân tộc có công cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách đô hộ của quân Đông Hán.

Thi làm bánh giầy.

Trong nhiều năm qua, truyền thống văn hiến, văn hóa luôn được huyện Hưng Hà khai thác, bảo vệ và phát huy, trong đó có lễ hội đền Tiên La. Sử cũ ghi, thời Đông Hán, tại quận Giao Chỉ, Phượng Lâu thuộc châu Bạch Hạc có nàng Thục Nương (Vũ Thị Thục) không chỉ đẹp người đẹp nết, văn võ song toàn mà còn giàu lòng nhân ái, yêu nước thương dân. Năm 18 tuổi, Thục Nương đính hôn với Phạm Danh Hương - Quận trưởng Nam Chân. Đôi trai tài gái sắc đang chờ ngày hôn lễ thì tai họa ập xuống. Thái thú Tô Định hám sắc, bạo tàn đã ép Thục Nương làm vợ. Bị từ chối, hắn giết cha và chồng chưa cưới của Thục Nương rồi cho quân lùng bắt Thục Nương. Không để mình rơi vào tay Tô Định, Thục Nương đã một mình giao chiến với kẻ thù, phá vòng vây, vượt sông về vùng Đa Cương, nương nhờ nơi cửa Phật. Tại đây, bà đã chiêu tập binh mã, dựng cờ mang 4 chữ “Bát Nạn tướng quân”, lập đàn tế trời đất, dấy binh chống quân xâm lược.

Thục Nương cũng cho xây dựng cứ địa ở quanh vùng Tiên La, xây dựng kho lương ở hữu ngạn sông, nay là làng Lương Ngọc, cho nhân dân phát lau đốt cỏ làm ruộng ở phía Nam tả ngạn sông, sau có tên là làng Rẫy (nay là làng An Nhân, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà). Năm 39 sau công nguyên, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, kêu gọi hào kiệt cả nước tụ nghĩa, Bát Nạn tướng quân cùng quân sĩ vùng Đa Cương theo về để hợp sức chống quân Đông Hán. 

Mùa xuân năm 40, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng toàn thắng. Sau khi lên ngôi, Trưng Vương ban phong Bát Nạn tướng quân là “Thục Trinh công chúa, Đông Nhung Đại tướng quân”, đứng đầu các tướng. Năm 42 sau công nguyên, vua Đông Hán sai Mã Viện đem quân sang tái chiếm nước ta. Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục thống lĩnh quân tiên phong cùng Hai Bà Trưng đánh trả song do thế giặc rất mạnh, Hai Bà Trưng rút quân về Hát Môn, Phú Thọ. Trong một trận quyết chiến, Hai Bà đã anh dũng hy sinh vào ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão. Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục cùng quân sĩ lui về vùng Đa Cương tiếp tục kháng chiến. Tại đây, quân Đông Hán đã tập trung toàn bộ lực lượng bao vây. Sau 39 ngày đêm giao chiến ác liệt, quân lương cạn kiệt, Bát Nạn tướng quân cùng quân sĩ đã anh dũng hy sinh tại gò Kim Quy. Cảm kích trước công đức và ý chí quật cường của nữ tướng, nhân dân đã lập đền thờ bà.

Đền Tiên La được xây dựng từ thời Lê, đến thời Nguyễn được xây dựng lại bằng đá trên một gò đất rộng gần 4.000m2. Trong đền còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao như đôi chóe chất liệu gốm thời Lê, các thần tích và sắc phong thần thời Lê đến thời Nguyễn. Đền thờ Thánh mẫu Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục tọa lạc bên bờ sông Tiên Hưng với kiến trúc uy nghi, trở thành một trong những điểm nhấn du lịch văn hóa tâm linh của huyện Hưng Hà, của tỉnh Thái Bình nói riêng, của cả nước nói chung. 

Theo phong tục cổ truyền, hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch là ngày khai mạc lễ hội đền Tiên La. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân địa phương cũng như đồng bào, du khách thập phương về thắp nén tâm nhang, tỏ lòng tri ân nữ anh hùng dân tộc. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm anh dũng, kiên cường. 

Tại lễ hội, nhiều lễ thức cùng các trò chơi dân gian đã được phục dựng như múa rối nước, thi giã bánh giầy, thi pháo đất, thi vật… Trong lễ hội còn bảo tồn hai loại hình nghệ thuật đặc sắc là hát ca trù và hát văn. 

Ngày 15/4/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa lễ hội đền Tiên La vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là điểm nhấn quan trọng, là nguồn cổ vũ lớn lao để Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị của quần thể khu di tích thờ Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục cho muôn đời sau.


Ông Đặng Vũ Trần Nhã, thủ nhang đền Tiên La

Thời đại Trưng Vương đã để lại những trang sử vàng oanh liệt gắn liền với chiến công hiển hách của các nữ anh hùng dân tộc. Trong đó nổi bật là Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục. Đây là hình ảnh tiêu biểu, góp phần làm rạng rỡ nòi giống Tiên Rồng. Đến với lễ hội đền Tiên La, du khách thập phương sẽ được thưởng thức, tham gia nhiều hoạt động văn hóa phong phú, đặc sắc. Lễ hội cũng là dịp để các tầng lớp nhân dân về thắp hương tưởng nhớ người nữ anh hùng dân tộc đồng thời thông qua đó giáo dục thế hệ trẻ niềm tự hào về truyền thống dân tộc, lòng yêu nước, sự bất khuất, kiên cường trong xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thượng tá Hà Văn Ba, Phó Trưởng Công an huyện Hưng Hà

Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong dịp diễn ra lễ hội đền Tiên La, Công an huyện Hưng Hà đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch, tích cực phối hợp với công an hai xã Đoan Hùng, Tân Tiến tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất an toàn giao thông. Thành lập các chốt kiểm soát giao thông, phối hợp tổ chức phân luồng giao thông, thường xuyên tổ chức tuần tra lưu động trên các tuyến đường xung quanh khu vực lễ hội. Chủ động nắm tình hình, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Ông Nguyễn Ngọc Ngừng, xã Hồng Việt (Đông Hưng)


Năm nào tôi cũng cùng gia đình tham dự lễ hội đền Tiên La. Đến đây chúng tôi ngoài được ngắm vẻ đẹp của đền Tiên La còn được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa. Hoạt động của lễ hội thể hiện sâu sắc ý nghĩa thành kính, sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân, góp phần gìn giữ, tôn vinh truyền thống cao đẹp của dân tộc, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của quê hương.

Ngọc Mai - Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày