Thứ 3, 21/05/2024, 16:59[GMT+7]

Vũ Hòa lại lo khi mùa mưa bão đến

Thứ 6, 01/06/2018 | 09:15:59
1,462 lượt xem
Đã gần một năm trôi qua kể từ khi xảy ra sự cố nước lũ tràn qua đê gây thiệt hại cho sản xuất vùng bãi, người dân xã Vũ Hòa (Kiến Xương) vẫn còn ám ảnh và lo sợ khi bước vào mùa mưa, lũ, bão năm nay.

Hàng rào tre đắp hàn khẩu đê bối vỡ cũng đang xuống cấp.

Anh Phạm Xuân Chúng, thôn 5, xã Vũ Hòa vẫn nhớ như in cơn bão số 10 hồi giữa tháng 9/2017 và nước lũ sông Hồng dâng cao do hồ thủy điện thượng nguồn xả khiến cho nước tràn qua mặt đê  và gây vỡ khoảng 10m dài đê. Nước lũ ào vào quá nhanh tàn phá toàn bộ vườn hòe đang cho thu hoạch, cây ăn quả và khoảng 3 tấn cá của gia đình anh. Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và nhân dân nên gia đình anh kịp thời chuyển hơn 5 tấn thức ăn chăn nuôi, 15 con bò, 30 con lợn và 1.100 con gia cầm ra khỏi trang trại trước khi lũ cuốn trôi không thì cũng mất trắng. 

Anh Chúng chia sẻ: Mỗi lần nhớ lại trận bão, lũ đó mà giật mình; lũ đi qua rồi, gia đình đã cố gắng khôi phục lại sản xuất nhưng quả thực không yên tâm đầu tư vì lo đê yếu không chống đỡ được nước lũ.

Cũng giống như anh Chúng, 13 hộ dân khác hàng ngày sinh hoạt và sản xuất, chăn nuôi tại gia trại, trang trại vùng thủy sản tập trung thuộc thôn 5, xã Vũ Hòa luôn lo lắng khi mùa mưa, lũ, bão đến. 

Bà Bùi Thị Sâm cho biết: Gia đình đấu thầu và dồn đổi diện tích ruộng để làm trang trại chăn nuôi tổng hợp với diện tích 3,7 mẫu ở vùng bãi. Sau khi xảy ra sự cố nước lũ tràn và vỡ đê, gia đình rất lo sự an toàn tính mạng và không dám đầu tư lớn vào chăn nuôi thủy sản nữa, chỉ duy trì đàn bò, gia cầm và một ít thủy cầm, vì không biết sự cố tương tự có diễn ra nữa hay không?

Video: de_vu_hoa_web_010618.mp4

Nỗi lo lắng của người dân Vũ Hòa là có cơ sở bởi tuyến đê chống lũ dài 1,4km bảo vệ toàn bộ diện tích 20,5ha đất canh tác đang xuống cấp nghiêm trọng. Khi chúng tôi trực tiếp cùng lãnh đạo địa phương đi kiểm tra các vị trí nước lũ tràn và đoạn đê vỡ ngày 15/9/2017 thì thấy tiềm ẩn nhiều rủi ro. Toàn bộ con trạch được đắp chống tràn bằng bao tải đất, cát đã bị rách và lở không đủ độ vững chắc khi có mưa, lũ. Tại vị trí bị vỡ, các bao cát cũng bị mục, phần đất đắp bị co tạo ra những khe nhỏ cả trên mặt đê và hai bên mái đê. Từ sau khi hàn khẩu đê vỡ, cho đến nay địa phương chưa gia cố, nâng cấp nên vị trí này vẫn là điểm xung yếu nhất trên toàn tuyến đê. Ở một số vị trí khác dọc đê xã Vũ Hòa đang có hiện tượng sạt lở mái đê phía sông, nhiều chỗ không còn mái đê dẫn tới nguy cơ mất an toàn khi có lũ.

Ông Phạm Văn Trưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa cho biết: Để tổ chức hàn khẩu đoạn đê vỡ, đắp cơ đê chống tràn, hậu cần cho các lực lượng phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trong đợt lũ và bão số 10 năm 2017 địa phương đã phải chi hơn 200 triệu đồng. Dẫu biết hệ thống đê đang xuống cấp, xung yếu nhưng do nguồn ngân sách của xã hạn chế nên chúng tôi không đủ kinh phí để đầu tư tu bổ, nâng cấp tuyến đê này. UBND xã đã hai lần làm tờ trình xin hỗ trợ kinh phí của cấp trên nhưng đến nay chưa được giải quyết. Trước mắt, để thực hiện công tác phòng, chống thiên tai năm 2018, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác trước thiên tai của nhân dân; huy động vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống bão, lũ. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã phân công lực lượng thường xuyên kiểm tra đê trong suốt mùa lũ, bão, khi phát hiện đê có diễn biến xấu kịp thời báo cáo để chính quyền xã chỉ đạo sơ tán người, di dời tài sản của nhân dân ở vùng bãi đến nơi an toàn. 

Tuy nhiên, để bảo vệ tính mạng của người dân và giúp bà con yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài, Vũ Hòa đang mong chờ các cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí nâng cấp tuyến đê  này.

Hà Thanh