Thứ 7, 18/05/2024, 20:00[GMT+7]

Việt Nam đề xuất sáng kiến giảm rác thải nhựa tại các biển Đông Á

Thứ 4, 27/06/2018 | 14:46:21
460 lượt xem
Trong khuôn khổ Kỳ họp Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6), tối 26/6, tại sự kiện bên lề “Rác thải biển” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với GEF tổ chức, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đề xuất sáng kiến “Thành lập Đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất sáng kiến của Việt Nam về giảm rác thải biển. Ảnh: VGP/Thu Cúc

Sáng kiến có mục tiêu tổng thể, tăng cường phối hợp khu vực trong giảm rác thải nhựa cho khu vực các biển Đông Á, tạo động lực cho việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng tái chế và tái sử dụng.

Chủ tịch kiêm Giám đốc GEF- bà Naoko Ishii; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Tổng Giám đốc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc- ông Erik Solheim; Trưởng phái đoàn Liên Hợp Quốc về đại dương- ông Peter Thomson đồng chủ trì Hội nghị về rác thải biển.

Biển và đại dương chiếm 2/3 diện tích của Trái đất, trên 90% không gian sinh tồn của các loài sinh vật trên hành tinh. Đại dương tạo ra hơn 50% lượng oxy chúng ta hít thở hằng ngày, đồng thời, cung cấp nguồn thực phẩm, thuốc chữa bệnh cũng như là nguồn năng lượng sạch cho chúng ta và các thế hệ mai sau.

Tuy nhiên, hiện nay, biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, trong đó, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải, mà chủ yếu là rác thải nhựa, từ các hoạt động kinh tế-xã hội diễn ra trên đất liền và trên biển. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hằng năm, có 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương, trong khi đó, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển.Việt Nam đứng thứ 4 trong 20 quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi rác thải nhựa đại dương với sản lượng trung bình là 0.5 tấn/mỗi năm. Ô nhiễm rác thải biển không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển mà còn tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thông qua những cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như các hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa đại dương, khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này. Đặc biệt, Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến với các nước G7 thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa

“Việt Nam mong muốn thông qua sự kiện này sẽ thúc đẩy sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy và thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương; đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết và trách nhiệm của các nước, cộng đồng quốc tế trong nỗ lực chung vì một đại dương khỏe mạnh. Việt Nam sẵn sàng tham gia với tinh thần trách nhiệm cao để đóng góp chung vào những nỗ lực đó”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Tại Kỳ họp Đại hội đồng GEF 6, Việt Nam đề xuất sáng kiến “Thành lập Đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”. Sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức toàn cầu và địa phương; chuyển hóa mô hình tăng trưởng từ nền kinh tế tiêu thụ nhiên liệu sang tái chế, huy động sự tham gia của các cấp, các nhà sản xuất; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin và kiến thức về quản lý rác thải đại dương giữa các quốc gia trong khu vực; tăng cường năng lực và đào tạo về mặt chiến lược.

“Việt Nam muốn tạo ra một cơ chế về quản lý rác thải nhựa ở cấp khu vực để nâng cao nhận thực của người dân; thiết lập một mô hình mang tính thực tế giữa các quốc gia tham gia. Việt Nam rất mong muốn các quốc gia đưa ra những chia sẻ, góp ý để hoàn thiện những sáng kiến trong giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”, ông Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết.

Hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thiểu chất thải nhựa đại dương, ông Erik Solheim, Tổng Giám đốc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho rằng: “Ở đây chúng ta có những bài học kinh nghiệm từ những việc làm cụ thể như hạn chế sử dụng những sản phẩm ống nhựa, sản phẩm dùng một lần, xây dựng hệ thống tái chế hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Ở cấp độ vĩ mô, chúng ta cần thực hiện được ba trụ cột chính phủ - công dân – đổi mới sáng tạo trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương thì sẽ tạo thành một sức mạnh vô địch cùng cùng nhau cứu hành tinh của chúng ta.”

Ông Peter Thomson, Phái đoàn Liên Hợp Quốc về đại dương cho rằng, Việt Nam cần ban hành các chính sách nghiêm ngặt quy định bảo vệ môi trường đối với các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch… để nâng cao nhận thức người dân có trách nhiệm với đại dương, tiến tới thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về nước sạch, làm sạch bờ biển”.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm quốc tế và khu vực hết sức hữu ích về quản lý rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là nguy cơ rất cao sự gia tăng ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đối với khu vực các biển Đông Á, các tác động tiềm tàng của rác thải nhựa, nhất là tác động của vi nhựa tới các hệ sinh thái biển và sức khỏe của con người.

Sáng kiến của Việt Nam đề xuất thiết lập mối quan hệ đối tác các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương có các mục tiêu rất tổng thể, bao trùm nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng cường phối hợp khu vực trong giảm rác thải nhựa cho khu vực các biển Đông Á. Điều này cũng tạo động lực cho việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng tái chế và tái sử dụng nhựa; thiết lập cơ sở tri thức về rác thải nhựa ở biển và đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.

Theo baochinhphu.vn