Thứ 7, 11/05/2024, 02:36[GMT+7]

Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa 2018

Thứ 6, 24/08/2018 | 13:45:30
919 lượt xem
Ngày 22/8/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND về việc tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa 2018.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đến nay, hầu hết diện tích lúa mùa đang ở giai đoạn phân hóa đòng; dự kiến thời gian lúa trổ bông sẽ muộn hơn so với năm 2017 từ 7 - 10 ngày, trong đó các huyện phía Bắc lúa tập trung trổ bông từ ngày 5 đến ngày 15/9/2018, các huyện phía Nam lúa tập trung trổ bông từ ngày 10 đến ngày 25/9/2018. Mặt khác, tình hình sâu bệnh hại trên lúa mùa diễn biến rất phức tạp: bệnh lùn sọc đen, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân... phát sinh, gây hại ở cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ gia tăng mức độ gây hại, nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa mùa nếu không được phòng, trừ kịp thời.

Để chủ động phòng, trừ và ứng phó với diễn biến của sâu bệnh hại lúa mùa, bảo đảm kết quả sản xuất nông nghiệp vụ mùa năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:

- Tập trung chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, cụ thể và quyết liệt trong công tác phòng, trừ sâu bệnh, không để bất cứ diện tích lúa nào bị sâu bệnh gây hại, trước mắt tập trung chỉ đạo các địa phương huy động nông dân phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy lưng trắng theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phát động đợt trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy trên toàn bộ diện tích lúa mùa từ ngày 23/8 đến ngày 1/9/2018; đối tượng phòng, trừ, loại thuốc phun, liều lượng thuốc sử dụng, cách phun theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; đối với diện tích lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, phân hóa đòng cần áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen; một số xã thuộc các huyện: Vũ Thư, Hưng Hà, Thái Thụy, Quỳnh Phụ và Đông Hưng có nguồn sâu đục thân cao phải chủ động phòng, trừ vào thời điểm đầu tháng 9 theo chỉ đạo về lịch phòng, trừ, loại thuốc và liều lượng thuốc, tránh chủ quan gây thiệt hại đến năng suất lúa mùa;

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, chỉ đạo hệ thống phát thanh, truyền thanh của huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tăng thời lượng tuyên truyền các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh để nông dân nhận thức và thực hiện có hiệu quả;

- Rà soát diện tích lúa trổ bông trước ngày 10/9/2018, quỹ đất gieo trồng cây vụ đông ưa ấm, ưa lạnh; mở rộng các cây có giá trị cao, có thị trường tiêu thụ và lợi thế của địa phương; chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch và các cơ chế, chính sách hỗ trợ sớm, kịp thời cho nông dân gieo trồng cây vụ đông, bảo đảm diện tích cây vụ đông theo kế hoạch đã đăng ký;

- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn, các hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tăng cường kiểm tra, đôn đốc phòng, trừ sâu bệnh kịp thời; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, kiên quyết xử lý vi phạm, không để hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành;

- Tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ sản xuất vụ mùa năm 2018. Địa phương nào không chỉ đạo quyết liệt, để các loại sâu bệnh gây hại, ảnh hưởng đến năng suất lúa thì đồng chí Chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, trừ sâu bệnh; phân công lãnh đạo và huy động tối đa lực lượng kỹ thuật xuống các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy, sâu đục thân, bệnh lùn sọc đen,...; phát hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh đến các hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình xây dựng chương trình tuyên truyền các giải pháp kỹ thuật phòng, trừ bệnh lùn sọc đen, sâu cuốn lá nhỏ...; tiếp tục theo dõi diễn biến của sâu bệnh cuối vụ, đề xuất giải pháp phòng, trừ phù hợp với từng địa phương, từng trà lúa.

3. Sở Công Thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương tăng cường kiểm tra thị trường thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết không để thuốc bảo vệ thực vật giả hoặc kém phẩm chất lưu hành trên thị trường, ngăn chặn việc lợi dụng sự phát triển của sâu bệnh để nâng giá thuốc ảnh hưởng đến nông dân.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình: Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình cụ thể, tăng thời lượng phát sóng để tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh gây hại lúa mùa từ nay đến cuối vụ; chỉ đạo hệ thống truyền thanh, truyền hình các huyện, thành phố, hệ thống phát thanh của các xã, phường, thị trấn tăng thời lượng, tập trung tuyên truyền các biện pháp trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy, bệnh lùn sọc đen và phòng, trừ các loại sâu bệnh hại khác, bảo đảm an toàn sản xuất nông nghiệp vụ mùa năm 2018.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể: Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, bệnh lùn sọc đen và các đối tượng dịch hại khác bảo vệ an toàn sản xuất vụ mùa 2018.

6. Các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh, giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành được phân công phụ trách huyện, thành phố dành thời gian thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện nghiêm các biện pháp chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Nhận Chỉ thị này, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện; thường xuyên báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày