Thứ 2, 13/05/2024, 01:05[GMT+7]

Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Thứ 6, 07/09/2018 | 05:57:24
611 lượt xem
Ngày 6-9, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ QH khai mạc hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách, thảo luận hai dự án luật: Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, để trình tại kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIV. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG ĐỨC (TTXVN)

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Thời gian qua, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ các cơ quan soạn thảo, tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH tại kỳ họp thứ năm để chỉnh lý hai dự thảo luật nêu trên và đưa ra thảo luận tại hội nghị này, nhằm khẩn trương hoàn thiện trình QH khóa XIV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ sáu.

Chủ tịch QH nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và khắc phục các hạn chế, bất cập của luật hiện hành, giải quyết những vấn đề thực tiễn của công tác đấu tranh PCTN trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế. Với ý nghĩa quan trọng đó, dự thảo luật cần được tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng, nhất là những vấn đề về xử lý tài sản, thu nhập (TSTN) tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc, cơ quan kiểm soát TSTN, đối tượng có nghĩa vụ kê khai TSTN, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tự chủ của các trường đại học, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và thế giới. Vì vậy, cần thảo luận làm rõ những vấn đề về tăng cường trách nhiệm của Nhà nước đối với các loại hình cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở giáo dục đại học, phát triển hệ thống đại học tư thục, hợp tác giáo dục với nước ngoài, các vấn đề về học phí…

Chủ tịch QH đề nghị, các đại biểu QH phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia thảo luận, tranh luận làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của hai dự án luật để tạo sự thống nhất cao khi QH thông qua.

Tiếp đó, các đại biểu QH thảo luận về dự án Luật PCTN (sửa đổi). Trong dự thảo luật đề xuất hai phương án xử lý đối với TSTN tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc. Trong đó, về phương án “thu thuế” với mức thuế suất bằng 45% giá trị TSTN, nhiều ý kiến cho rằng, chưa thể hiện rõ thái độ, quan điểm mạnh mẽ của Nhà nước trong công tác đấu tranh PCTN, làm tăng nguy cơ phát sinh tiêu cực trong việc xử lý, thậm chí vô hình trung hợp lý hóa, công nhận tài sản bất minh, tạo kẽ hở cho hoạt động rửa tiền, dung túng tham nhũng…

Nhiều ý kiến tán thành phương án xem xét, giải quyết TSTN không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc tại Tòa án. Theo đó, cơ quan kiểm soát TSTN sẽ chuyển kết luận xác minh và các tài liệu liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình. Tòa án ra quyết định thu hồi TSTN tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát TSTN trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý. Phương án này giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát TSTN của Luật PCTN hiện hành và việc giao Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên. Quy trình, thủ tục giải quyết loại việc này tại Tòa án cũng nhanh chóng, hạn chế phát sinh thủ tục xử lý kéo dài.

Về đối tượng kê khai TSTN, nhiều đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng là phù hợp chủ trương của Đảng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu PCTN. Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong kiểm soát TSTN, dự thảo luật sửa đổi phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh TSTN là phù hợp.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến nhất trí việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp PCTN ra khu vực ngoài nhà nước. Bởi vì, hiện nay, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm giảm hiệu quả công tác PCTN khu vực công. Việc mở rộng này hoàn toàn phù hợp quan điểm của Đảng, đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định một số tội phạm tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, phù hợp Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày