Thứ 2, 20/05/2024, 07:54[GMT+7]

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Thứ 4, 26/03/2014 | 08:19:08
4,576 lượt xem
Không chỉ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, Mai Tất Thát, Hoàng Quốc Toản, Nguyễn Văn Mạnh còn là những cán bộ Đoàn năng động, nhiệt tình với phong trào. Riêng Thát và Mạnh đã được nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ tiêu biểu. Toản là một trong những thanh niên công giáo tiêu biểu được các cấp bộ Đoàn biểu dương.

Mai Tất Thát giới thiệu về mô hình nuôi thỏ.

Mai Tất Thát sinh năm 1987, ở thôn Bảo Châu (xã Đông La, Đông Hưng) được người dân quanh vùng gọi bằng cái tên thân mật: “Thát thỏ”.

Gần 30 tuổi, có bằng tốt nghiệp cao đẳng cơ khí luyện kim Thái Nguyên nhưng anh lại được biết đến với vai trò là một chủ gia trại nuôi thỏ với doanh thu hàng năm hơn 600 triệu đồng. Sau khi ra trường, từng làm việc tại các xí nghiệp cơ khí trong và ngoài tỉnh, đi xuất khẩu lao động nhưng cái “máu” chăn nuôi đã thôi thúc anh về quê lập nghiệp.

Bằng sự năng động, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh tự tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, sách báo, tự tìm đến các trung tâm chăn nuôi trong và ngoài tỉnh để tìm hướng đi riêng cho mình. Với những kiến thức đã tích lũy được, năm 2010, Thát mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đông Hưng và người thân để đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi thỏ khép kín.

Từ 70m2 chuồng trại ban đầu, đến nay gia trại của anh đã mở rộng ra trên 200m2, trung bình mỗi năm xuất ra thị trường hơn 2.000 con thỏ giống, hơn 3 tấn thỏ thịt, doanh thu đạt hơn 600 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, Thát còn hướng dẫn các hộ gia đình và đoàn viên thanh niên địa phương nhân rộng mô hình.

Hiện nay, anh đang cung cấp thỏ giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và nhận bao tiêu sản phẩm cho hơn 30 hộ ở trong và ngoài tỉnh; nhận chế biến thịt thỏ phục vụ hội nghị, đám cưới và nhu cầu của người dân trong và ngoài xã.

Về hướng phát triển trong thời gian tới, Thát cho biết, quy mô gia trại sẽ được mở rộng để cung cấp thỏ giống cũng như thỏ thương phẩm cho thị trường. Lúc chia tay, Thát nhờ chúng tôi nếu thấy mô hình nuôi thỏ ở đâu đạt hiệu quả cao nhớ xin giúp số điện thoại để anh liên hệ học hỏi kinh nghiệm.

Hoàng Quốc Toản phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi và làm đại lý thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Cũng như Mai Tất Thát, Hoàng Quốc Toản, sinh năm 1986, đoàn viên thanh niên công giáo ở thôn Vĩnh Bảo (xã Minh Hòa, Hưng Hà) dám nghĩ, dám làm để hiện thực hóa khát vọng làm giàu trên chính đồng ruộng quê mình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Toản đã thử sức mình tại nhiều công ty thức ăn chăn nuôi. Ở đâu, chàng trai trẻ này cũng được đánh giá cao về năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm. Thế nhưng, ước mơ được làm giàu trên chính quê hương mình đã thôi thúc anh từ bỏ đô thị phồn hoa.

Hơn 3 năm sau ngày nhận tấm bằng cử nhân, tích lũy được “kha khá” kỹ thuật, phương pháp phòng chống bệnh, cách chọn lựa cám, thuốc thú y hiệu quả, chàng trai trẻ “kéo” vợ (cũng tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên) về quê, quyết tâm làm giàu.

Năm 2011, hai vợ chồng Toản đầu tư hơn 300 triệu đồng đấu thầu gần 9 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao thả cá và xây dựng chuồng trại chăn nuôi tổng hợp (lợn, gà, vịt), làm đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Với vốn kiến thức cơ bản và kinh nghiệm tích lũy từ thực tế, cùng với ý chí vươn lên của tuổi trẻ, trang trại của anh ngày càng phát triển, lúc nào cũng có từ 6 - 8 lợn nái, 60 - 70 lợn thịt, 1.000 gà, 300 vịt đẻ. Từ  chăn nuôi và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, mỗi năm, gia đình Toản thu về hơn 100 triệu đồng.

Ông chủ trẻ Nguyễn Văn Mạnh (xã Quỳnh Châu, Quỳnh Phụ).

Ở Quỳnh Phụ có nhiều mô hình thanh niên xung kích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao, trong đó có mô hình VAC với doanh thu hàng năm từ 500 - 700 triệu đồng của đoàn viên Nguyễn Văn Mạnh (xã Quỳnh Châu). Sinh năm 1989, với mong muốn được lập nghiệp tại quê hương, Mạnh đã đăng ký nhận 1,4 mẫu đất cấy lúa kém hiệu quả của xã để phát triển mô hình chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Với số vốn vay từ tổ chức Đoàn và người thân, Mạnh đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt, đào ao thả cá... Mỗi năm gia trại của anh xuất 2 lứa lợn, mỗi lứa khoảng 100 con, thu hoạch 2 lứa cá, mỗi lứa 37 tấn, ngoài ra còn bán ra gà, vịt, rau các loại. Nhẩm tính sơ sơ, với giá cả như hiện nay thì gia trại của Mạnh có doanh thu khoảng 700 triệu đồng/năm.

Không chỉ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, Mai Tất Thát, Hoàng Quốc Toản, Nguyễn Văn Mạnh còn là những cán bộ Đoàn năng động, nhiệt tình với phong trào, riêng Thát và Mạnh đã được nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ tiêu biểu còn Toản là một trong những thanh niên công giáo tiêu biểu được các cấp bộ Đoàn biểu dương.

Trong lúc nhiều nông dân bỏ ruộng đi tìm việc ở thành phố thì những người như Thát, Toản, Mạnh - bằng sức trẻ, tài năng, bản lĩnh, vẫn tìm ra cách làm hiệu quả trên những vùng đất khó, những mảnh ruộng khô cằn, mang lại cái nhìn mới về phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương. Các anh là những tấm gương sáng cho đoàn viên thanh niên địa phương về ý chí và khát vọng vươn lên làm giàu, đẩy nghèo khó vào quá khứ.

Xuân Phương


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày