Thứ 5, 02/05/2024, 21:03[GMT+7]

Tấm lòng cha con người lính cựu

Thứ 2, 17/08/2015 | 08:43:06
1,185 lượt xem
Đây là công trình tâm đức có một không hai của cha con cựu chiến binh Đinh Văn Đình. Sau gần 4 năm trùng tu, tôn tạo, nghĩa trang liệt sĩ 4 xã Hòa Bình, Đình Phùng, Quang Minh, Quang Bình (huyện Kiến Xương) đã được khoác lên một tấm áo mới.

Cựu chiến binh Đinh Văn Đình cùng con trai Đinh Quốc Vương.

Một gia đình Bộ đội Cụ Hồ
Cựu chiến binh, thương binh Đinh Văn Đình quê ở xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương. Gia đình ông có 3 anh em tham gia quân ngũ. Ông Đình là lính thông tin. Ông có một vinh dự để đời, là một trong 12 chiến sĩ được đi đón Bác Hồ. Sau gần 2 năm chiến đấu giúp nước bạn Lào, ông xuất ngũ, rồi lại tái ngũ tham gia làm đường chiến lược suốt từ Bắc vào Nam. Người em trai là Đinh Văn Đĩnh chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, mưu trí, dũng cảm, có những trận đánh không kém gì trận chiến đấu trên “Đồi không tên” của dũng sĩ Bùi Ngọc Đủ. Người em trai út là Đinh Đăng Định - một tay lái xe quân đội cừ khôi đêm ngày chở hàng ra tiền tuyến. 

Còn Đinh Quốc Vương là con trai thứ hai của cựu chiến binh Đinh Văn Đình.  Vương chỉ có một ý nguyện tham gia quân ngũ tiếp bước cha anh. Nhưng khổ nỗi, người đèo đẹt chưa nổi 42kg nên trượt ngay vòng đầu. Cuối cùng Vương phải phấn đấu rèn luyện mới trở thành chiến sĩ Hải quân. Cũng như người cha, trong huấn luyện, Vương hoàn thành xuất sắc, được thưởng phép và được gặp Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê. 

Vương tiếc là mình không đủ điều kiện để được gắn bó lâu dài với quân đội. 3 năm dãi dầu cùng sóng gió Trường Sa, Vương càng hiểu thêm sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh cũng như tinh thần vượt qua khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, con sóng của người chiến sĩ hải quân.

Bắt đầu từ việc đưa người thân là liệt sĩ trở về
Ngày 10/10/2010, hai cha con ông Đinh Văn Đình đưa người em ruột là liệt sĩ Đinh Đăng Định hy sinh ở đèo Đá Đẽo, xã Hòa Tiến, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình về nghĩa trang của 4 xã Hòa Bình, Đình Phùng, Quang Minh, Quang Bình, thuộc huyện Kiến Xương. Thấy cảnh nghĩa trang giữa mưa nắng lâu ngày tường dậu nứt vỡ, cỏ mọc ngút mộ, ao làng lở đến chân tường…, hai cha con đều cảm thấy xót xa.

Ý định công đức tu sửa lại nghĩa trang chợt đến và Vương liền bày tỏ với người cha. Ông  Đình không một giây chần chừ, đồng ý ngay.

Đồng ý rồi, con đi rồi, đêm nằm ông mới cồn cào lo lắng. Một cá nhân đứng ra nâng cấp một nghĩa trang liệt sĩ, hơn nữa đây lại là nghĩa trang của 4 xã với hàng trăm gia đình thân nhân liệt sĩ không hề đơn giản. Hay việc trông nom quản lý công trình, tuổi ông đã cao, nhà lại xa nghĩa trang... Tuy vậy, những việc này ông có thể thay con được. Nhưng còn tiền bạc thế nào…

Qua thực địa, ông cùng con trai gạch đầu dòng những hạng mục của nghĩa trang phải sửa chữa, nâng cấp: nâng cao mặt sân rồi lát gạch; xây bệ và lát gạch xung quanh đài Tổ quốc ghi công; xây cổng mới cùng hệ thống tường bao quanh; kè ao, đổ cát, làm con đường trước nghĩa trang; lắp hệ thống điện bảo vệ, điện trang trí...  gần như là xây mới lại nên sơ sơ cũng phải tới 600 triệu đồng.

Ông Đình đem trăn trở này trao đổi với con trai. Nghe lo lắng của bố, Vương bộc bạch: “Nhiều tiền thì mình sẽ làm dần, có đến đâu làm đến đó, một năm, hai năm, ba năm. Con sẽ cố gắng dành dụm để cùng bố hoàn thành công trình tâm linh này”.

Thực hiện tâm nguyện này, cuối năm 2011, ông Đình cùng con trai bắt đầu thực hiện giai đoạn 1: cắt cỏ, nâng cốt và đổ bê tông bề mặt nghĩa trang, xây dựng bệ tượng đài liệt sĩ, đặt lọ hoa tất cả 108 mộ liệt sĩ. Mới xong ngần ấy công việc, diện mạo nghĩa trang và phần mộ các liệt sĩ đã khang trang, sáng sủa hẳn lên.

Năm 2012, hai cha con thực hiện giai đoạn 2: tát ao, kè bờ, bơm cát làm con đường rộng 4m chạy dài trước mặt nghĩa trang. Vương kể, đây là công việc rất phức tạp, đòi hỏi quyết tâm lớn nhưng cuối cùng cũng đã hoàn thành.

Tháng 3/2014, hai cha con thực hiện giai đoạn 3 tổng lực, hoàn thành các hạng mục công trình chính như lát gạch toàn bộ mặt sân quanh các phần mộ liệt sĩ; đổ bê tông con đường phía trước nghĩa trang; xây cổng và gần 250m tường bao quanh cùng 32 cột đèn; dựng cột cờ, đặt lư hương, bàn thờ đá. Và cuối cùng là lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí. Và tin vui đã đến, công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2014. 

Được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền, đoàn thể, người thân, bà con làng xóm, hai cha con ông Đình đã chuẩn bị chu đáo cho buổi lễ. Ngày thứ nhất tổ chức lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. 108 học sinh Trường THCS xã Hòa Bình thắp nến tri ân. Hàng nghìn thân nhân liệt sĩ, đại diện chính quyền, đoàn thể của huyện, của 4 xã, các tăng ni, Phật tử và nhân dân trong vùng tới dự. Ngày thứ hai cắt băng khánh thành công trình. Đoàn văn nghệ của cựu chiến binh, đoàn ca múa của tỉnh, đội kèn đồng trong vùng mang những bản nhạc, những bài ca về người chiến sĩ, về quê hương đất nước tới phục vụ.

Những câu chuyện cảm động
Trong gần 4 năm với 3 đợt sửa chữa, tôn tạo, xây dựng lại nghĩa trang liệt sĩ giữa cánh đồng, có đợt kéo dài tới hơn 2 tháng, biết bao khó khăn, vất vả nhưng hai cha con (một là thương binh tuổi 80, một đang bươn chải kinh doanh) đã không quản nắng mưa, đêm sớm chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện.

Trong cả 3 đợt xây dựng, buổi sáng Vương đưa con đến trường rồi tự lái xe từ Hà Nội về, chiều tối lại lên Hà Nội. Công việc kinh doanh chỉ đạo qua Email, điện thoại và giao cho các cộng sự. Vương cho biết: “Hơn 2 tháng trong đợt xây dựng lần 3, riêng chiếc ô tô của Vương đã đi hơn 5.000 cây số”.

Tôi còn được thân nhân một liệt sĩ kể lại việc làm cảm động nữa của cha con cựu chiến binh Đinh Văn Đình. Trong lễ cầu siêu, hai cha con ông đã sắm cho 108 liệt sĩ mỗi người ba bộ quân phục theo phong tục dân gian cùng đầy đủ tư trang của người lính. Riêng ba liệt sĩ nữ mỗi người còn có thêm 3 bộ quần áo thường.

Xây cho đẹp nơi yên nghỉ của các liệt sĩ
Tôi đã có những cuộc trò chuyện với thân nhân các liệt sĩ, ai cũng cảm kích và trân trọng việc làm của hai cha con ông Đình. Một thân nhân đã khóc và nói: “Sao gia đình ông ấy tốt, chu đáo thế. Gia đình chúng tôi rất vui mừng vì từ nay người thân của chúng tôi đã được ở trong “ngôi nhà mới” khang trang, sạch sẽ, cây xanh, điện sáng. Có một vị tướng cảm nhận: “Tôi chưa thấy một nghĩa trang nào đẹp như nghĩa trang này”. Còn người dân trong vùng đều tấm tắc khen “nghĩa trang mà sạch đẹp hơn cả công viên”, nhất là vào các buổi tối khi hệ thống đèn bật sáng.       

Một cựu chiến binh phát biểu: “Tiền bạc bỏ ra đã rất quý rồi nhưng tâm huyết, tình cảm, công sức của bố con ông Đình càng làm cho bà con kính nể”. Được biết, trong 3 năm, cha con ông Đình đã dành 670 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo nghĩa trang này. 

Khi được hỏi về tâm sự của mình, Đinh Quốc Vương bày tỏ: “Các liệt sĩ đã hy sinh rồi, chẳng thể sống lại mà ở trong ngôi nhà đẹp được nữa nên cha con tôi muốn xây dựng lại cho đẹp nơi yên nghỉ vĩnh hằng của chú tôi cùng các anh hùng liệt sĩ quê nhà”.

Lã Quý Hưng
(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày