Thứ 6, 03/05/2024, 13:23[GMT+7]

Ông Vinh bà Dậu tuổi cao gương sáng

Thứ 2, 04/01/2016 | 15:51:14
3,434 lượt xem
Tần tảo, chắt chiu cả đời kiếm sống và tiết kiệm từng đồng con cháu gửi biếu thế nhưng vợ chồng ông Nguyễn Kim Vinh bà Nguyễn Thị Dậu ở thôn Trung Hòa, xã Bách Thuận (Vũ Thư) không để dành dưỡng già lúc tuổi xế chiều mà sẵn sàng ủng hộ toàn bộ số tiền hơn 250 triệu đồng giúp thôn xóm xây dựng đường giao thông nông thôn mới. Ngoài ý nghĩa vật chất, ông bà mong muốn giáo dục cháu con tình yêu, sự sẻ chia, trách nhiệm với bà con lối xóm, với quê hương mình...

Mặc dù tuổi đã ngoài 80 nhưng ông Vinh bà Dậu vẫn cùng nhau chăm sóc con cháu, làm việc nhẹ trong gia đình.

 

Gạt chân chống dựng chiếc xe đạp “cọc cạch” ở đầu sân, ông Vinh vồn vã khoe với chúng tôi chiếc xe được ông bà mua từ 40 năm trước, giờ cũ lắm rồi nhưng vẫn sử dụng tốt. Đỡ lời ông, bà Dậu bảo, cuộc sống giờ khấm khá, con cháu ngỏ ý muốn mua cho ông bà cái xe khác nhưng ông bà quen lối sống giản dị nên muốn tiết kiệm tiền làm việc có ích hơn… Bà kể lại: Những năm 1960 - 1970, đất nước còn chiến tranh, cũng giống bao gia đình khác, ông bà rất nghèo. Lương giáo viên của ông chỉ đủ nuôi thân. Hàng ngày bà đi làm cho hợp tác xã lấy công điểm, 8 đứa con chẳng khi nào biết đến ăn no. Nghèo đói là thế nhưng các con bà ai cũng ham học, tự giác. Thương con, ngoài làm cho hợp tác xã, bà chạy chợ buôn bán ngược xuôi và trồng dâu nuôi tằm cho con có tiền ăn học. Ngày ấy, gia đình bà Dậu từng là điển hình nuôi tằm giỏi của huyện với sản lượng 450kg kén/năm. Dường như thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, hy sinh của bố mẹ, 6 con trai và 2 con gái của ông bà đều chăm chỉ học tập. Nhà nghèo nhưng 6 người con trai đều được học THPT và tự rèn luyện, phấn đấu trưởng thành ở nhiều cương vị công tác khác nhau. Thương cha mẹ vất vả, nghèo khổ nên mặc dù rất ham học nhưng hai người con gái học xong cấp II tự nguyện xin nghỉ học ở nhà làm giúp bố mẹ kiếm tiền nuôi các anh, các em.

 

Từ ngày gia đình cơ cực, bần hàn, dù nhà chẳng đủ gạo ăn nhưng bà con lối xóm ai cần ông Vinh, bà Dậu vẫn bảo con cái ăn khoai, ăn ráy, chừa lại một phần gạo để dành giúp hộ khó khăn hơn. Người nhớ trả, có người không có để trả, ông bà cũng không hỏi lại. Có lẽ vì thế, họ hàng, làng xóm ai cũng yêu quý, nể phục ông bà. Giờ đây, con cái ông bà đều đã đỗ đạt trưởng thành, người đã được phong quân hàm đại tá, thượng tá Quân đội nhân dân Việt Nam, người làm giám đốc doanh nghiệp hay lãnh đạo xã… Cuộc sống các con đều no đủ, ông bà vẫn luôn quan tâm, răn dạy con cái những điều hay lẽ phải. Nhất là thời buổi kinh tế thị trường, ông bà càng lo lắng, khuyên bảo các con có tính hướng thiện, trọng đạo làm người. Trong mỗi hành động, ông bà đều làm gương để con cháu noi theo.

 

Năm 2013 - 2014, xã Bách Thuận vận động nhân dân cứng hóa đường giao thông nông thôn mới. Địa hình địa phương thổ mô, đường cao, ao sâu, làm đường rất tốn kém nên ban đầu không ít gia đình ngần ngại. Đúng ngày thôn Trung Hòa tổ chức phát động bà con đóng góp kinh phí, ngày công để làm đường giao thông, ông Vinh bà Dậu là hộ đầu tiên mang 20 triệu đồng đến ủng hộ, tạo động lực để bà con thôn xóm vượt qua khó khăn, quyết tâm đăng ký xi măng hỗ trợ, tiến hành cứng hóa tuyến đường giao thông thôn. Tuyến đường nhánh qua cụm dân cư của gia đình ông bà đến đoạn đường trục thôn dài 340m và phải kè ao, trong khi chỉ có 12 hộ dân, nếu để các hộ đóng góp thì kinh phí lớn không thể thực hiện được. Ông bà quyết định rút số tiền tiết kiệm vừa do ông bà lao động vừa do con cháu biếu, chắt chiu nhiều năm qua để hỗ trợ 250 triệu đồng để cùng với xi măng hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của bà con cứng hóa tuyến đường. Suốt quá trình thi công tuyến đường, ông bà còn tích cực tham gia đóng góp ngày công. Hầu hết các tuyến đường còn lại của thôn và một số tuyến đường khác ở xã, gia đình bà Dậu đều ủng hộ từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng/tuyến. Bà Dậu chia sẻ: Ban đầu có người chưa hiểu hết, nói nhà tôi ra oai, khoe của, có người lại hỏi tôi sao không để tiền ấy tiến cúng vào chùa sau này con cái có “lộc” hơn. Tôi chỉ nghĩ thế này, nếu làm được con đường khang trang, to đẹp thì người già, con trẻ ai ai cũng đi lại thuận lợi hơn, không lo bị tai nạn, ngã xuống ao vì đường nhỏ hẹp như trước, vì thế mà ủng hộ hết số tiền vợ chồng tôi chắt chiu nhiều năm cũng không hề tiếc. Hơn nữa, tôi muốn giáo dục con cháu về tình yêu, sự sẻ chia, trách nhiệm với bà con lối xóm, với quê hương mình.

 

Có lẽ, những nghĩa cử đẹp của ông bà cứ lặng lẽ thấm dần và lan tỏa đến con cháu trong gia đình. Đến nay, dù ở xa và mỗi người mỗi ngả nhưng cứ dịp lễ, tết, khai giảng năm học mới, con cháu trong gia đình ông bà lại tự giác bảo nhau gửi kinh phí từ 5 - 10 triệu đồng/lượt mua quà tặng hộ nghèo, học sinh quê hương có hoàn cảnh khó khăn hoặc ủng hộ kinh phí tổ chức các hoạt động, phong trào của thôn, xã. Điều đáng quý nhất là dù ở chức vụ nào và bận mải với công việc ra sao nhưng chưa khi nào các con của ông bà bê trễ việc chăm sóc mẹ cha. Tranh thủ những ngày cuối tuần, lễ, tết họ lại cùng gia đình, con cái về trông nom, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho ông bà. Đi khắp bốn phương trời nhưng mỗi khi trở về ngôi nhà cũ, họ lại thấy mình trở nên bé nhỏ dưới sự chở che, tình yêu thương của bố mẹ. Đạo lý truyền thống, tình yêu thương và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam vẫn luôn bền vững ở ngôi nhà nhỏ nơi làng vườn Bách Thuận.

 

Năm 2015, bà Nguyễn Thị Dậu vinh dự là một trong hai phụ nữ tiêu biểu của Thái Bình được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ III, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc giai đoạn 2010 - 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

 

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày