Thứ 6, 03/05/2024, 17:37[GMT+7]

Người mang sức sống mới cho vùng đất bãi

Thứ 5, 21/01/2016 | 15:17:13
3,078 lượt xem
Vùng đất bãi ven sông thuộc xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) trước kia được canh tác ít vụ, cho hiệu quả kinh tế thấp nhưng hai năm trở lại đây như có sức sống mới, xanh tươi và trù phú. Những vụ rau màu, cà rốt cứ nối tiếp nhau sinh sôi, phát triển. Vượt qua con sông Luộc, chàng thanh niên Đoàn Trường Vinh mang theo kinh nghiệm, khát khao làm giàu từ vùng đất Hải Dương gieo mầm hiện thực hóa ước mơ trên vùng đất bãi nơi đất khách quê người.

Vùng đất bãi trồng cà rốt của anh Đoàn Trường Vinh chuẩn bị cho thu hoạch phục vụ thị trường tết.

Từ nhiều năm nay, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) là vùng đất nổi tiếng thâm canh cây cà rốt. Cà rốt đã mang lại cuộc sống sung túc cho hàng nghìn gia đình nơi đây. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, qua quá trình thâm canh, người dân Cẩm Giàng đã đưa giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất với quy mô lớn, nhờ đó nâng cao giá trị kinh tế trên mỗi đơn vị canh tác. Do quỹ đất của địa phương không đủ nhu cầu, nhiều hộ dân đã tìm đến các bãi sông để thuê đất trồng cà rốt vụ đông. Với bề dày kinh nghiệm sản xuất, nhanh nhạy nắm bắt thị trường cùng khát vọng làm giàu, những người thuê đất ở Cẩm Giàng đã khai phá, mở mang nhiều vùng đất mới, đưa cây cà rốt đến những miền xa. Trồng cà rốt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây truyền thống.

Dọc theo bờ đê sông Luộc, tôi xuống một vùng đất bãi ven sông, nơi phủ kín một màu xanh mướt, những người nông dân đang cần mẫn chăm sóc từng luống cà rốt. Anh Đoàn Trường Vinh chân đi ủng còn lấm lem bùn đất tiếp chúng tôi ngoài hiên căn nhà dựng tạm, cũng là nơi vợ chồng anh bắt đầu khởi nghiệp. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Việt Hòa (Cẩm Giàng), gắn bó với cây cà rốt từ nhỏ, mong muốn làm giàu ngay trên chính quê hương mình nhưng vì quỹ đất hạn hẹp nên anh tính chuyện đi xa thuê đất. Nghĩ là làm, cà rốt thích hợp với đất phù sa bãi bồi ven sông, vì thế anh nghĩ ngay tới việc vượt sông thuê đất làm giàu. Năm 2014, anh cùng với ông Nguyễn Đức Sơn (thôn An Trực, xã Quỳnh Hoàng) thuê lại 5ha đất bãi trước đây vốn canh tác ít, hiệu quả kinh tế thấp để cải tạo sản xuất. Tiền thuê đất là 350.000 đồng/sào/năm. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, sau khi thuê đất, anh đầu tư 250 triệu đồng để quy hoạch, mắc điện, làm hệ thống tưới nước, trang bị máy móc, mua hạt gieo trồng. Anh Vinh cho biết: Trước đây, bãi bồi này cho hiệu quả kinh tế thấp, cây trồng thường xuyên bị sâu, bệnh phá hoại, vì thế ít được canh tác. Ngay khi tiếp nhận đất, để thuận lợi cho sản xuất, tôi đã đầu tư mua máy làm đất, máy lên luống, lắp đặt hệ thống điện, đường ống tưới, tiêu rải khắp vùng. Thời điểm gieo hạt, tỉa dặm, làm cỏ, thu hoạch, gia đình tôi phải thuê thêm hơn 10 lao động tại địa phương. Những ngày bình thường, chỉ cần lắp đặt ống tưới, bật công tắc điện, hệ thống sẽ phun tưới tự động. Vụ cà rốt đầu tiên, vì chưa quen với thổ nhưỡng, năng suất cà rốt còn thấp nhưng hiệu quả kinh tế so với các cây trồng khác cao hơn hẳn. Trên diện tích 5ha, anh Vinh trồng 3 vụ trong năm: ngô - khoai lang - cà rốt đông, trong đó cà rốt đông là nguồn thu nhập chính. Anh Vinh cho biết thêm: Cà rốt thích hợp trồng trên đất phù sa, bãi bồi cao. Để có củ cà rốt to, mẫu mã đẹp, năng suất cao, ngoài yếu tố về giống thì khâu xử lý đất trước khi gieo trồng là rất quan trọng. Đất gieo trồng phải bảo đảm khô, tơi xốp và đặc biệt phải được xử lý mầm bệnh, tránh sâu bệnh hại củ sau này. Năng suất trung bình của cà rốt đạt 1,5 tấn/sào, canh tác tốt có thể cho 3 tấn/sào. Với giá bán từ 4.000 - 5.000 đồng/kg là người trồng có lãi. Vì có sẵn kinh nghiệm, nắm bắt được thị trường tiêu thụ nên vợ chồng anh không quản ngại dốc hết vốn liếng đầu tư trồng cà rốt. Thị trường tiêu thụ cà rốt rộng, đến thời điểm thu hoạch, công ty và thương lái đến thu mua tận ruộng.

Khâm phục ý chí cải tạo vùng đất bãi hoang hóa của chàng trai trẻ, ông Trần Quang Cai, Chủ nhiệm HTX DVNN Tân An (Quỳnh Hoàng) cho biết: Quỳnh Hoàng có 32ha đất bãi trồng các loại cây truyền thống: đậu tương, ngô. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún nên hiệu quả kinh tế thấp. Mô hình trồng cà rốt của anh Vinh mở đường cho sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn mà địa phương đang hướng tới. Tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa với quy mô lớn đang xuất hiện ở một vài địa phương nhưng đã khẳng định những tích cực. Cách làm hay, ý tưởng sáng tạo của những người nông dân dám nghĩ, dám làm rất cần được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ hơn nữa nhằm góp phần phát triển vùng nông nghiệp hàng hóa, hướng tới mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hiệu quả.

" Khi đi thuê đất, tôi xác định phải tích cực thâm canh cây trồng, "vắt" đất để ra tiền. Mỗi năm, từ 5ha cà rốt và cây màu, tôi lãi khoảng hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, với những người nông dân như tôi, để nâng cao hiệu quả canh tác phải sản xuất với quy mô lớn, đầu tư chi phí cao, do vậy, mong muốn duy nhất của tôi là được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tôi được thuê đất trong thời gian dài."

(Anh Đoàn Trường Vinh, xã Việt Hòa, Cẩm Giàng, Hải Dương)

Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày