Thứ 6, 03/05/2024, 17:32[GMT+7]

Lặng thầm ngày tết

Thứ 6, 05/02/2016 | 16:03:14
2,629 lượt xem
Trong giây phút thiêng liêng của đêm giao thừa, ai cũng muốn mình được sum vầy bên gia đình. Thế nhưng, ở đâu đó giữa lòng thành phố, thời khắc ấy vẫn có những người đang thầm lặng làm đẹp cho đời.

17 giờ 30 phút, khi dòng người ngược xuôi vội vã trở về nhà để chuẩn bị cho bữa cơm tất niên và đón giao thừa cùng gia đình thì chị Đào Thị Hoa, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình vẫn đang miệt mài với công việc quét rác của mình. Được giao phụ trách tuyến đường Hai Bà Trưng với chiều dài gần 2km, từ ngày 27 - 28 tháng Chạp, chị Hoa cùng hai đồng nghiệp phải "gồng mình" tăng ca mới hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt là ngày 30 tết, các chị phải đi làm từ sáng đến gần giao thừa mới được về nhà. Ấy thế mà "Chúng tôi còn may mắn được đón giao thừa cùng gia đình, nhiều đồng nghiệp khác của chúng tôi, nhất là đồng nghiệp nam thì chuyện đón giao thừa ở ngoài đường đã trở nên quen thuộc" - chị Hoa, người có thâm niên gần 25 năm trong nghề ngậm ngùi tâm sự.

Đã bao năm nay, trong thời khắc đón chào năm mới, những người công nhân quét rác của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình vẫn cặm cụi với công việc của mình để mang lại cho thành phố một môi trường xanh, sạch, đẹp trong những ngày đầu năm mới. Chị Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: Nhớ ngày 30 tết năm ngoái, do phải hoàn thành việc thu gom lượng rác thải tăng gấp hai, gấp ba lần ngày thường mà đồng hồ chỉ 12 giờ kém 5 phút chúng tôi vẫn còn ngoài bãi rác và khi trở về đến nhà thì mình trở thành người "xông nhà". Ngày bình thường, một tuyến đường như đường Hai Bà Trưng chúng tôi chở 6 chuyến rác đến nơi tập kết, còn ngày 30 tết chúng tôi phải chở từ 10 chuyến trở lên. Rác thì đủ loại vì nhà nào cũng dọn dẹp đón tết nên đủ thứ bị bỏ ra đường và công việc của chúng tôi vì thế cũng vất vả hơn rất nhiều. Cũng mong làm xong sớm để về nhà lắm chứ, tết mà, ai chẳng muốn được sum họp với gia đình đón giao thừa, thế nhưng...

Câu nói bỏ nửa chừng của chị Thúy khiến người nghe thấy nao lòng. Đúng là tết ai cũng mong được ở bên gia đình. Ước mong ấy với nhiều người là điều bình thường nhưng với các anh, các chị công nhân quét rác thì ước mong ấy thật khó với bởi thời gian mấy ngày tết họ thường phải ở ngoài đường nhiều hơn là ở nhà. Chị Đặng Thị Oanh, Đội trưởng Đội môi trường số 2 cho biết: Đội môi trường số 2 có 39 công nhân, phụ trách hơn 20 tuyến phố trên địa bàn thành phố Thái Bình. Hàng năm, cứ vào dịp tết là toàn Đội huy động 100% quân số để bảo đảm công việc vệ sinh môi trường. Dù có chút tủi thân, có chút chạnh lòng khi nhìn người ta tung tăng dạo phố song những công nhân của chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình. Họ vẫn miệt mài trên những tuyến đường như những người lính trên mặt trận để giữ gìn thành phố sạch, đẹp. Ông Vũ Đình Hành, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình cho biết thêm: Bình quân một ngày, lượng rác thải của toàn thành phố khoảng 120 tấn thì những ngày tết lên đến 200 - 300 tấn, thậm chí là 400 tấn. Đây là thời điểm công nhân quét rác vất vả nhất, họ phải làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường. Nếu may mắn thời tiết không có mưa thì đỡ chứ gặp phải mưa phùn gió bấc, rác thải, lá cây đầy đường thì công nhân vệ sinh vẫn phải đội mưa đi làm. Còn chuyện đêm 30 tết nhiều công nhân phải đón giao thừa ngoài đường, phải ngồi chờ đến gần sáng để chuyển hết lượng rác do mình thu gom lên xe ô tô vận chuyển đến nhà máy xử lý là chuyện bình thường.

Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình trang trí và chăm sóc hoa chuẩn bị đón xuân. Ảnh: Thành Tâm

Làm công nhân quét rác còn gặp không ít rủi ro khi phải thức khuya, dậy sớm, phải đối mặt với những căn bệnh nghề nghiệp, thế nhưng đồng lương của một người làm lâu năm như chị Hoa cũng chỉ được gần 5 triệu đồng/tháng. Làm công nhân quét rác hầu như không có ngày nghỉ, bởi nếu họ chỉ nghỉ một buổi thôi là rác lại ngập đường, ngập phố. Vì thế, ngày lại ngày, những chiếc xe vẫn kẽo kẹt chở rác và những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn với cây chổi, chiếc xẻng trong tay làm cho những nơi mình đi qua không còn "bóng dáng" của rác. Và hàng ngày, trên mọi ngả đường của thành phố vẫn quen thuộc bóng dáng những người công nhân vệ sinh môi trường âm thầm vượt lên mọi khó khăn để làm việc, góp sức mình làm đẹp thêm cho cuộc sống.

Ngọc Hân 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày