Thứ 6, 03/05/2024, 19:30[GMT+7]

Gương sáng ngành Y

Thứ 2, 29/02/2016 | 08:52:43
2,528 lượt xem
“Học ngành y không nhất thiết phải chữa bệnh mà quan trọng là biết dùng kiến thức đã học để phục vụ cho công việc của mình” - đó là tâm sự của bác sĩ Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Thái Thụy. Với 26 năm công tác, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi công việc được giao.

 

Sinh ra và lớn lên tại xã Thái Hưng (Thái Thụy), ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô nữ sinh Nguyễn Thị Huyền luôn mong muốn được trở thành bác sĩ. Với quyết tâm của bản thân, năm 1979, Nguyễn Thị Huyền thi đỗ Trường Đại học Y Hà Nội, chuyên ngành đa khoa ngoại sản. Sau 6 năm miệt mài học tập trên giảng đường, sau khi tốt nghiệp được một thời gian, đến năm 1990, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền được phân công về công tác tại Phòng Y tế huyện Thái Thụy. 16 năm công tác tại đây, bác sĩ Huyền luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng với công việc. Không ngại khó, ngại khổ, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn bác sĩ Huyền vừa hăng hái xuống cơ sở để tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người dân. Những đóng góp của chị được tập thể ghi nhận, đánh giá cao.

 

Năm 2006, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền được điều sang công tác tại Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em huyện. 8 năm làm Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Thái Thụy (trước là Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em), mặc dù công việc bận mải, vừa làm nhiệm vụ quản lý lại vừa thực hiện công tác chuyên môn nhưng hàng tháng, không kể ngày hay đêm, chị vẫn bố trí lịch xuống cơ sở phổ biến cho người dân kiến thức về lĩnh vực dân số - KHHGĐ. Những bài giảng của chị không rườm rà, không dựa nhiều vào sách vở, chủ yếu là những kiến thức được đúc kết trong nhiều năm công tác, được diễn đạt một cách thực tế, khoa học, đã tạo hứng thú cho bà con. Chị Nguyễn Thị Tình, cán bộ chuyên trách dân số xã Mỹ Lộc chia sẻ: Những lần bác sĩ Huyền về giảng tại xã, bà con đều đến nghe rất đông. Bác sĩ Huyền có phương pháp giảng dễ hiểu, cuốn hút, các kiến thức gắn với thực tế của địa phương nên người dân chăm chú lắng nghe.

 

Bằng sự tận tâm với công tác dân số, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân miền biển, góp phần đưa công tác dân số - KHHGĐ của huyện Thái Thụy có nhiều chuyển biến rõ rệt. Từ huyện có tỷ lệ sinh cao, đến năm 2015, số con trung bình trên một bà mẹ chỉ ở mức 1,71 con, thấp hơn bình quân chung của tỉnh (2,03 con); tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh đạt mức giới hạn cho phép (108 bé trai/100 bé gái); mỗi năm toàn huyện có từ 35 - 70 thôn, làng không có người sinh con thứ ba trở lên…

 

Với những đóng góp cho sự nghiệp y tế và công tác dân số - KHHGĐ, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền đã được Bộ Y tế, UBND tỉnh tặng bằng khen cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

Tại hội thi tuyên truyền, tư vấn, thực hành tiêm chủng giỏi toàn tỉnh năm 2015, xen giữa các phần thi có một bài hát trầm bổng cất lên. Bài hát được mọi người chú ý lắng nghe không chỉ bởi giọng nam trầm ấm, cuốn hút mà còn bởi nội dung rất đặc biệt, có ý nghĩa tuyên truyền về công tác tiêm chủng với tựa đề: “Niềm vui bé được tiêm phòng”. Điều đặc biệt hơn khi người trình bày bài hát không phải là một ca sĩ mà là Nguyễn Viết Thành - một y sĩ khoác áo blouse trắng có dáng người hơi lệch, đi lại khó khăn vì bị liệt một chân. Ấn tượng với những điều đặc biệt ấy, chúng tôi đã về Trạm Y tế xã Thụy Văn, nơi y sĩ Thành công tác để tìm hiểu về công việc của anh.

 

Nguyễn Viết Thành sinh năm 1980 ở xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy. Sinh ra là một đứa trẻ bình thường song do không được tiêm vắc-xin Sabin phòng bệnh bại liệt (khi đó vắc-xin chưa được phổ biến rộng rãi) anh đã mắc bệnh, để lại di chứng liệt một chân phải khiến anh trở thành người khuyết tật cho đến bây giờ. Nguyễn Viết Thành chia sẻ: Nhớ ngày bé, hàng ngày tôi không được tung tăng đến trường bằng đôi chân của mình như chúng bạn mà phải đến trường trên tấm lưng gầy của mẹ. Thấm thía nỗi đau của người khuyết tật, tôi luôn nuôi dưỡng ước mơ và quyết tâm học tập thật tốt để trở thành thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Năm 2001, Nguyễn Viết Thành tốt nghiệp khóa y sĩ K38, Trường Trung học y tế Thái Bình và thỏa ước mơ khi được về công tác tại Trạm Y tế xã Thụy Bình. Năm 2004, anh được biên chế chính thức và chuyển về công tác tại Trạm Y tế xã Thụy Ninh, sau đó năm 2007 được chuyển công tác về Trạm Y tế xã Thụy Văn cho đến nay.

 

 

Được giao làm công tác tiêm chủng, khám chữa bệnh và phụ trách các chương trình y tế có mục tiêu, Nguyễn Viết Thành luôn tích cực tư duy, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Với nguyện vọng mỗi trẻ em đều được chăm sóc y tế tốt, được lớn lên khỏe mạnh, không bị mắc bệnh và bị khuyết tật như mình, anh luôn tích cực truyền thông để mọi người hiểu rõ về vai trò của tiêm chủng, từ đó chú ý đưa con đi tiêm đầy đủ, đúng lịch, bảo đảm hiệu quả phòng bệnh cao nhất. Vốn thích sáng tác và làm thơ, sau nhiều đêm trăn trở, Thành quyết tâm sáng tác bài hát tuyên truyền về công tác tiêm chủng. Bài hát hoàn thành với nội dung chứa đựng những thông tin cần thiết như lịch tiêm phòng, giới thiệu các loại vắc-xin và tác dụng của nó, được nhiều người thích nghe, thích hát nên có sức lan tỏa và phát huy hiệu quả thiết thực. Đồng chí Bùi Trọng Thiệp, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thụy Văn cho biết: Dân số Thụy Văn hiện có 5.846 người, trong đó có 346 trẻ em dưới 5 tuổi, 123 trẻ trong diện tiêm chủng. Những năm gần đây, xã có tỷ lệ trẻ em tiêm chủng đủ mũi luôn đạt 100%. Nhiều năm liền xã không có trẻ em mắc các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Có được kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, sự nỗ lực vào cuộc của ngành Y tế và các đoàn thể còn phải kể đến vai trò, đóng góp quan trọng của y sĩ Nguyễn Viết Thành. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, trong hoạt động khám chữa bệnh, y sĩ Nguyễn Viết Thành cũng luôn năng động, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Trong hoạt động phong trào, Thành là “cây văn nghệ” xuất sắc của Trạm Y tế xã, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu, quý mến. Đồng chí Đào Trọng Bích, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy cũng đánh giá: Y sĩ Nguyễn Viết Thành là một trong những tấm gương tiêu biểu của ngành Y tế Thái Thụy. Với những đóng góp không nhỏ của anh, Thụy Văn luôn là xã điểm trong công tác tiêm chủng. Năm 2014, Thụy Văn được Bộ Y tế tặng bằng khen là xã dẫn đầu công tác tiêm chủng của tỉnh. Trong chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella năm 2014 - 2015, Trạm Y tế xã Thụy Văn được Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy chọn là đơn vị làm điểm và trình diễn tiêm chủng cho các xã trong huyện đến học tập.

 

Mặc dù bản thân cũng là người khuyết tật song y sĩ Nguyễn Viết Thành đã khắc phục khó khăn, vươn lên trở thành cán bộ y tế, giúp mọi người phòng, chống bệnh tật, được nhiều người nể trọng vì nghị lực và tâm huyết của anh. Anh còn được nhiều người yêu mến bởi lòng nhân ái, luôn quan tâm tới công tác xã hội, từ thiện, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Nguyễn Viết Thành đã được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng bằng khen, Huyện đoàn Thái Thụy và Trung tâm Y tế huyện tặng nhiều giấy khen.

 

Nguyễn Cường - Hà Anh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày