Thứ 6, 03/05/2024, 15:40[GMT+7]

Chị Mỵ sống tốt đời, đẹp đạo

Thứ 3, 01/03/2016 | 08:42:52
3,007 lượt xem
Nếu ai đến xã Minh Khai (Vũ Thư) hỏi về gương người tốt việc tốt sẽ được bà con Giáo xứ Nguyệt Lãng kể ngay về chị Trần Thị Mỵ.

Làng quê Minh Khai (Vũ Thư). Ảnh: Thành Tâm.

 

Chuông nhà thờ điểm 4 giờ hàng ngày, chị Mỵ có mặt cùng bà con xứ đạo cầu kinh. Chị thường bỏ tiền của mình ra mua giấy bìa đóng thành sách in kinh về những điều răn của Chúa làm việc thiện, những bài hát dân ca, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước để các chị em đều thuộc và hát như chị. Chị cũng là thành viên tích cực trong Hội từ thiện của Giáo xứ từ nhiều năm nay. Chỉ tính riêng năm 2015, Hội từ thiện đã giúp đỡ 19 trường hợp với số tiền 1,2 triệu đồng. Khu dân cư xóm 2 của chị thường có 50 cháu thiếu niên, nhi đồng vui tết Trung thu hàng năm. Từ năm 2010 đến nay, năm nào chị cũng ủng hộ gạo, tự nấu cơm mang đến trại cho các cháu liên hoan. 5 năm qua, năm nào chị cũng ủng hộ 30 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở khu dân cư mỗi người 12.000 đồng góp quỹ xây dựng hội, số tiền chị ủng hộ chị em đến nay là 1,8 triệu đồng. Chị em phấn khởi, tích cực tham gia sinh hoạt hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ Hội đề ra, Chi hội Phụ nữ là đơn vị khá của xã, góp phần xây dựng Nguyệt Lãng trở thành làng văn hóa năm 2015.

 

Chị Mỵ còn làm một việc cứu sinh hiếm có người làm được: nuôi một người già cô đơn không họ hàng thân cận là bà Phạm Thị Gái. Bà Gái sinh năm 1938, quê thôn Mỹ Lộc, xã Việt Hùng (Vũ Thư), bị mù hai mắt từ năm 13 tuổi, theo cha di cư đến Nguyệt Lãng để tránh sự kìm kẹp của giặc Pháp từ năm 1951. Hòa bình lập lại (năm 1954), bố qua đời, anh em họ hàng không có ai, bà Gái sống đơn côi không nơi nương tựa nơi đất khách quê người, khi ở nhờ kho HTX, khi ở tạm trạm bơm, đi hành khất để sống qua ngày. Chị Mỵ đã đón bà về nuôi, may quần áo cho bà từ tháng 1/1992. Từ đấy, mọi người trong nhà phải phục vụ bà, bữa ăn thiếu thốn hàng ngày của gia đình phải san sẻ. Kinh tế còn nghèo, dù phải lam lũ nuôi con ăn học nhưng chị đã khéo léo dàn xếp để giữ ổn định gia đình. Thấy chị bền bỉ, vất vả lại quyết tâm nên chồng con, người thân thông cảm, thương chị rồi chung tay để nuôi bà Gái. Hàng ngày, chị cho bà ăn uống như mọi người trong gia đình. Năm 1998, chị làm nhà riêng cho bà Gái trên đất nhà mình. Có sự trợ giúp của bà con lối xóm, ngôi nhà 20m2 lợp ngói được chia thành 2 gian, nền lát gạch hoa, có công trình phụ tự hoại, có điện sáng và được chị Mỵ sắp đặt giường nằm, bàn ghế gọn gàng, ngăn nắp nên trong nhà thường xuyên sạch sẽ, ấm cúng và đồ dùng đơn giản cũng đủ để bà Gái sinh hoạt, hàng ngày mọi người trong nhà ra vào như ở chung với bà. Từ khi có nhà riêng, các bữa ăn hàng ngày chị Mỵ mang đến cho bà. Khi chị đi vắng, chồng con làm thay, thu mâm bát đi rửa. Mãi đến cuối năm 1998, bà Gái mới có chế độ trợ cấp của Nhà nước cho người khuyết tật là 80.000 đồng/tháng, hiện giờ là 360.000 đồng/ tháng. Bà Gái giữ lại một số để ăn sáng, còn lại giao cho chị Mỵ để có thêm điều kiện nuôi bà.

 

Nay bà Gái đã gần 80 tuổi. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, trong đó có sự cưu mang, đùm bọc của bà con Giáo xứ Nguyệt Lãng nên bà Gái còn khỏe. Xuân Bính Thân 2016, tôi đến thăm bà Gái trong ngôi nhà tình nghĩa ấy, bà vui vẻ nói với tôi: Nếu không có gia đình bác Mỵ thì tôi chết đói, chết rét lâu rồi anh ạ. Cả nhà bác Mỵ coi tôi như mẹ, chẳng có ai nói nặng nhẹ gì với tôi bao giờ, của ngon vật lạ gia đình có tôi đều được ăn. Tôi không biết lấy gì đền ơn các bác ấy, tôi cũng cảm ơn chính quyền và dân làng nhiều lắm.

 

Bận mải với gia đình, xã hội, với bà Gái là thế, chị Mỵ còn gắn với việc dạy con đi đôi với việc làm cụ thể, nhất là việc trông nom bà Gái nên các con chị đều ngoan ngoãn, có 3 con tốt nghiệp đại học, trong đó có 2 cháu hoàn thành nghĩa vụ quân sự, các cháu đều có việc làm ổn định.

 

Gặp chị Mỵ không dễ, chỉ khi làm việc từ thiện, hoạt động công tác hội thì mới ở trong làng còn chị thường ở ngoài đồng, lúc thì bón lúa dưới đồng xa, thoáng đã thấy vun ngô, hoa màu trên đồng nội, mùa nào thức ấy. Chồng chị là anh Trần Quyết Định, một thương binh chống Mỹ thường đau yếu luôn nên mọi việc đổ dồn vào chị với công việc trồng cấy 1 mẫu ruộng của nhà. Ba năm gần đây, chị nhận thêm 2 mẫu ruộng của 6 gia đình đi làm công ty không cấy, chị đã tái sản xuất vất vả trên những mảnh ruộng này nên có nguồn thu bằng thóc hơn chục tấn/năm. Có lương thực, chị tích cực phát triển chăn nuôi. Trong hệ thống chuồng trại nhà chị thường có 4 đàn lợn nái, mỗi năm thu tiền bán lợn con đã được 20 triệu đồng, không kể tiền bán lợn cấn và các gia cầm khác. Thổ cư nhà chị trước đây chỉ có 6 miếng, còn lại là ao hoang dã, cả làng chưa ai nghĩ lấp ao làm vườn thì cách đây hơn chục năm chị đã vay tiền lấp ao làm vườn nên bây giờ mới có vườn rộng. Chị luân canh 2 sào vườn trồng 60 cây hòe, 50 cây chè xanh và các loại cây ăn quả như chuối, đu đủ, táo, rau các loại… Dưới gốc cây, chị ương dây khoai lang làm thức ăn cho lợn. Tất cả các loại cây trong vườn đều sum suê hoa trái và có thu hoạch. Trước đây, gia đình chị nghèo khó, nay có một cơ nghiệp đồ sộ với nhà xây kiên cố, đẹp, nhiều gian, thiết bị tiện nghi trong nhà đàng hoàng, đời sống khá giả.

 

Chị Trần Thị Mỵ vinh dự được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư về  thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và công tác hội phụ nữ năm 2015, góp phần xứng đáng vào thành tích Giáo xứ Nguyệt Lãng đạt danh hiệu “Xứ, họ đạo bốn gương mẫu”.

 

Minh Lệ

(Minh Khai, Vũ Thư)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày