Thứ 4, 08/05/2024, 18:28[GMT+7]

Những cựu chiến binh, cựu quân nhân trên mặt trận mới

Thứ 5, 09/06/2016 | 08:09:44
3,302 lượt xem
Phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, với tất cả ý chí, nỗ lực vươn lên, họ đã trở thành những người đi tiên phong trên mặt trận xóa bỏ đói nghèo, xây dựng nông thôn mới.

CCB Phạm Văn Chiến giám sát quá trình thi công công trình do Công ty Cổ phần Thành Đạt đảm nhận.

Cựu chiến binh Phạm Văn Chiến: Luôn coi trọng chữ tín trong kinh doanh

Chân thành, cởi mở, quyết đoán, tận tâm trong kinh doanh, hết lòng với người lao động, trách nhiệm vì cộng đồng - đó là những gì chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện với CCB Phạm Văn Chiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Thành Đạt (Cụm công nghiệp Đông La, Đông Hưng).

Năm 1980, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Chiến nhập ngũ. Năm 1985, ông rời quân ngũ với chiếc ba lô chứa đựng những kỷ vật của thời trai trẻ. Quãng thời gian 5 năm trong quân ngũ đã tôi luyện cho ông bản lĩnh can trường, ý chí vươn lên quyết tâm chiến thắng đói nghèo. Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, ông bắt đầu bằng việc kinh doanh lương thực. Năm 2002, ông tập hợp một số anh em, bạn bè là đồng đội có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng đứng ra thành lập Công ty Cổ phần Thành Đạt chuyên xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, sản xuất tấm đan, bê tông, cọc nhồi… Ban đầu, Công ty có khoảng 40 người nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm, máy móc thiết bị chưa đồng bộ, nguồn vốn khó khăn nên hoạt động chủ yếu trên địa bàn huyện Đông Hưng. Không khuất phục trước khó khăn, CCB Phạm Văn Chiến đã chủ động tăng nguồn vốn cổ phần và huy động vốn vay để đầu tư mở rộng thị trường xây dựng, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đầu tư các loại máy móc hiện đại phục vụ thi công các công trình phức tạp, đẩy nhanh tiến độ thi công và nâng cao chất lượng các công trình. Từ hướng đột phá đó cộng với sự kiên trì phấn đấu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lắng nghe phản hồi từ khách hàng của Giám đốc Phạm Văn Chiến, Công ty đã tạo dựng được thương hiệu, uy tín, mở rộng địa bàn hoạt động, được chủ đầu tư tin tưởng, đánh giá cao. Trung bình mỗi năm, Công ty đảm nhận thi công từ 20 - 25 công trình trường mầm non, trạm y tế, hội trường, trung tâm hội nghị, đường giao thông, đê, kè, cầu, cống… Mục tiêu hàng đầu của Công ty là giữ vững chữ tín, phát triển phải gắn với nâng cao năng suất, hiệu quả, an toàn. Hiện tại, Công ty tạo việc làm cho khoảng 300 lao động thường xuyên và lao động thời vụ với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, trong đó khoảng 50% lao động là CCB và con em CCB. Ba năm trở lại đây, bình quân doanh thu của Công ty đạt từ 50 - 70 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước 1,8 tỷ đồng/năm.

Mặc dù bận rộn với công việc nhưng CCB Phạm Văn Chiến vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân CCB huyện Đông Hưng, hàng năm, ông đã đứng ra vận động các doanh nghiệp và trực tiếp trích lợi nhuận của Công ty tặng quà các gia đình, đối tượng chính sách nhân dịp lễ, tết; quyên góp ủng hộ xây dựng 3 ngôi nhà tình nghĩa trị giá gần 200 triệu đồng cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình nạn nhân chất độc da cam và cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp 200 triệu đồng xây dựng Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Trương Công Man tại Thanh Hóa. Bản thân ông ủng hộ 602 triệu đồng cho các địa phương xây dựng nông thôn mới và ủng hộ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa 30 triệu đồng.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Văn: Vững niềm tin, bền ý chí

CCB Nguyễn Quang Văn trao đổi công việc với nhân viên Công ty.

"Đã là CCB thì làm gì, ở bất kỳ lĩnh vực nào nếu có lợi cho quê hương thì dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng phải cố gắng khắc phục, phấn đấu vươn lên để xứng đáng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ" - đó là tâm sự của CCB Nguyễn Quang Văn, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải sông biển Hưng Hà (thôn Việt Yên, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà).

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương năm 1982, trải qua nhiều nghề khác nhau nhưng không mang lại hiệu quả, năm 2003, CCB Nguyễn Quang Văn đứng ra thành lập Công ty Cổ phần Vận tải sông biển Hưng Hà chuyên kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy, xăng dầu... Xác định "Thương trường như chiến trường" nên lúc khó khăn, thậm chí thất bại, CCB Nguyễn Quang Văn luôn cùng tập thể Công ty kịp thời rút kinh nghiệm, đề ra mục tiêu kinh doanh sát thực, hiệu quả, xây dựng Công ty không ngừng phát triển, giúp đỡ các CCB và con em CCB có việc làm ổn định. Dưới sự chỉ đạo, điều hành của ông, cán bộ, công nhân viên Công ty luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tích cực giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

Nhờ tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, xác định đúng phương hướng hoạt động, phục vụ khách hàng chu đáo nên Công ty của CCB Nguyễn Quang Văn kinh doanh ngày càng có lãi, là điểm sáng trong phong trào CCB thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Sau hơn 12 năm đi vào hoạt động, đến nay, Công ty có 10 xe chở hàng, 25 xe chở khách tuyến cố định Thái Bình - Quảng Ninh và Thái Bình - Hà Nội, 9 tàu, xà lan trọng tải từ 900 - 2.000 tấn, 1 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 6 bến bãi kinh doanh than, cát, xi măng... phục vụ nhu cầu dân sinh và vận chuyển than, vật liệu xây dựng đến các công trình, nhà máy trong và ngoài tỉnh, đạt doanh thu từ 70 - 80 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 300 lao động là CCB và con em CCB với thu nhập bình quân từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Công ty thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước, bình quân hơn 1 tỷ đồng/năm. Cá nhân CCB Nguyễn Quang Văn luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện: ủng hộ hơn 2,2 tỷ đồng cho xã Điệp Nông xây dựng chùa làng và đường giao thông nông thôn; nhận đỡ đầu, tặng quà và thăm hỏi thường xuyên 11 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; ủng hộ 200 triệu đồng xóa nhà dột nát cho hộ nghèo; ủng hộ 100 triệu đồng xây dựng 2 ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình hội viên CCB và gia đình liệt sĩ... Ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Kỷ niệm chương "Vì chủ quyền an ninh biên giới"; Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tặng Bảng vàng doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, bằng ghi công vì những đóng góp trong xây dựng nông thôn mới...

Cựu quân nhân Lê Thị Lệ: Nặng lòng với dân

Cựu quân nhân Lê Thị Lệ kiểm tra thiết bị bảo đảm cung cấp nước có chất lượng cho nhân dân.

Một mình chèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển và chăm lo đời sống 12 lao động, người phụ nữ can trường và sống rất có tâm được mọi người yêu quý, nể trọng đó là cựu quân nhân Lê Thị Lệ, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thương Trường Thảo chuyên sản xuất, kinh doanh nước sạch ở xã Quang Trung (Kiến Xương).

Cựu quân nhân Lê Thị Lệ sinh năm 1959, quê ở Hà Nam, nhập ngũ năm 1978, là chiến sĩ quân y Lữ đoàn 45, Quân đoàn 1 đóng quân ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa). 4 năm trong quân ngũ, chị đã gặp và kết duyên với anh Nguyễn Trung Tính - người cùng đơn vị. Năm 1982, hai vợ chồng chị xuất ngũ về quê chồng (xã Quang Trung, huyện Kiến Xương) lập nghiệp. Với hai bàn tay trắng, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, chị cùng chồng lăn lộn làm đủ mọi nghề để kiếm sống, từ chạy chợ, cấy lúa, chăn nuôi đến nung vôi, sản xuất gạch, làm trang trại… rồi cuối cùng là xây dựng trạm cấp nước sạch.

Chị Lệ bảo, cái tuổi Kỷ Hợi của chị nó cứ lận đận và gặp nhiều sóng gió. Khi trạm cấp nước sạch vừa khánh thành đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì chồng chị qua đời. Sự mất mát về tinh thần cộng với khoản nợ ngân hàng khiến nhiều người ái ngại, lo chị có đủ sức một mình chèo lái doanh nghiệp đi tiếp hay không? Với bản lĩnh của người lính, chị ngày đêm trăn trở suy nghĩ tìm mọi cách duy trì hoạt động trạm cấp nước sạch - công trình mang nặng tâm huyết của hai vợ chồng.

Từ chỗ trạm chỉ có công suất 2.000m3/ngày đêm, đến nay đã nâng công suất lên 5.970m3/ngày đêm, không chỉ phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 3.000 hộ dân của hai xã Quang Trung và Quang Hưng (Kiến Xương) mà còn vươn ra phục vụ gần 1.000 hộ dân của hai thôn Nam Trạch và Nam Trại, xã Bắc Hải (Tiền Hải). Mỗi tháng, chị lo đủ 37 triệu đồng tiền lãi ngân hàng, 48 triệu đồng tiền lương trả cho 12 công nhân, hơn 70 triệu đồng chi phí cho hoạt động xử lý nước, vận hành hệ thống cấp nước. Không chỉ cung cấp nước sinh hoạt nông thôn, chị Lệ còn đầu tư dây chuyền sản xuất nước sạch đóng bình bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài huyện. Nhiều người trước đây lo cho chị nay đã thở phào vì doanh nghiệp của chị đã đứng vững với doanh thu gần 2 tỷ đồng mỗi năm. Hàng nghìn hộ dân đang sử dụng nước sạch từ trạm cấp nước sạch của chị đều khâm phục ý chí, nghị lực của chị, đồng cảm với những thăng trầm của chị, tôn trọng, yêu quý chị bởi tấm lòng luôn biết sẻ chia khó khăn với người dân. Đây là lý do vì sao khi chúng tôi tìm đường, hỏi thăm về chị Lê Thị Lệ, mọi người dân đều nhiệt tình hướng dẫn và dành những lời tốt đẹp để nói về nữ cựu quân nhân này.

Cựu chiến binh Phạm Văn Trọng: Lấy con trâu để phát triển kinh tế lâu dài

Nuôi trâu giúp CCB Phạm Văn Trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình.

Nhìn người đàn ông ngoài 60 tuổi, mặc chiếc áo bay, đầu đội nón lá đang lùa đàn trâu ngoài bãi, người dân thôn Thanh Đông, xã Đông Lâm (Tiền Hải) ai cũng biết đó là CCB Phạm Văn Trọng. Ông là người đầu tiên trong xã thành công với mô hình nuôi trâu. Từ một cặp trâu giống, sau 8 năm ông đã có đàn trâu sinh sản và trâu giống hơn 20 con, mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng.

Ông Trọng tâm sự: Người xưa có câu tục ngữ: "Con trâu là đầu cơ nghiệp". Cái thời cơ giới hóa chưa đến được với đồng ruộng thì nhà nào có con trâu là quý lắm. Thậm chí mấy anh em chung nhau một con trâu để cày cấy. Giờ trâu được nghỉ ngơi vì có máy móc thay thế thì sao mình không nuôi trâu để phát triển kinh tế gia đình. Chỉ tay về phía đàn trâu nhà mình, ông cho biết: Gần chục năm rồi, đàn trâu cứ sinh sôi nảy nở, mỗi năm một lứa. Mỗi con nghé 1 năm tuổi bán được 20 triệu đồng. Dịp cuối năm 2015, tôi bán liền lúc cả 7 con, trừ chi phí còn thu về hơn 120 triệu đồng.

Là hội viên Hội CCB xã, CCB Phạm Văn Trọng luôn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận bỏ đói nghèo. Nhận thấy mô hình nuôi trâu cho hiệu quả kinh tế cao, ông còn vận động hội viên CCB và bà con trong xã tham gia nuôi. Giờ đây, ở xã Đông Lâm đã có 6 - 7 hộ nuôi từ 2 - 5 cặp trâu sinh sản. Ông Trọng chia sẻ: Trước khi nuôi trâu, tôi có thời gian gần 5 năm nuôi bò. Tuy nhiên, nhận thấy việc nuôi bò kém hiệu quả hơn nuôi trâu nên tôi quyết định lấy con trâu để phát triển kinh tế lâu dài. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn trâu của CCB Phạm Văn Trọng phát triển tốt, chưa năm nào bị dịch bệnh. Mỗi năm, gia đình ông xuất chuồng từ 7 - 10 con trâu giống và trâu thịt. Không chỉ nuôi trâu để bán giống và bán thương phẩm, ông Trọng còn chọn những con trâu khỏe để phục vụ việc cày bừa ao đầm cho người nuôi tôm, nuôi ngao ở các xã Nam Thịnh, Nam Cường, Đông Minh (Tiền Hải). Vào vụ làm đầm, có ngày ông kiếm tiền triệu.

Ngoài nuôi trâu, CCB Phạm Văn Trọng còn phát triển mô hình ao - chuồng, chăn nuôi thêm gà, lợn, vịt, cá trên diện tích 3.600m2 đất 5% thuê của xã, thu về gần 20 triệu đồng/năm. Thời gian tới, ông tiếp tục duy trì đàn trâu sinh sản từ 10 - 20 con. Hiện nay, hai con trai của ông đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, theo nghề nuôi trâu của bố.

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày