Thứ 2, 13/05/2024, 17:59[GMT+7]

Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới

Thứ 6, 12/10/2018 | 10:09:40
558 lượt xem
Cách đây 88 năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và Nghị quyết về: Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản thanh niên vận động, Phụ nữ vận động, Quân đội vận động, vấn đề cứu tế và Hội phản đế đồng minh.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy thăm mô hình nông dân sản xuất giỏi tại xã An Bình (Kiến Xương). Ảnh: Nguyễn Hình

Đây là những tổ chức tiền thân, đặt nền móng toàn diện và hoàn chỉnh cho công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị sau này. Đặc biệt, ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật, số 120 đề cập những vấn đề căn bản, trở thành kim chỉ nam trong đường lối lãnh đạo của Đảng, hoạt động của chính quyền, của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về dân vận và công tác dân vận. 

Xuất phát từ thực tế lịch sử có ý nghĩa chính trị to lớn đó, năm 1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết bài báo “Dân vận”, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm là ngày Dân vận của cả nước. Năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10 là một trong những ngày diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất là ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.

88 năm qua, gắn liền với những chặng đường vẻ vang của Đảng, công tác dân vận đã góp phần quan trọng trong vận động đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân tạo nên sức mạnh to lớn trong công tác đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng nhân dân sau khi Đảng ta được thành lập và lãnh đạo đã để lại nhiều bài học quý báu về phát động quần chúng đấu tranh cách mạng, về nghệ thuật vận động quần chúng khi Đảng biết dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, giác ngộ, tổ chức, tập hợp và lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cùng với cả nước, ở Thái Bình, lịch sử công tác dân vận luôn gắn liền với lịch sử cách mạng của Đảng bộ tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, với truyền thống yêu nước và ý chí tự lực, tự cường, quân và dân Thái Bình đã đoàn kết góp sức cùng nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trong những năm qua, các cấp ủy đảng trong tỉnh luôn quan tâm, kịp thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận. Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, công tác dân vận của tỉnh được tăng cường và từng bước đổi mới một cách cơ bản về nhận thức, quan điểm và tổ chức thực hiện. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh đã quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện công tác dân vận đạt được nhiều kết quả tích cực. Tập trung vào nhiệm vụ tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước được quan tâm và đổi mới hơn với nhiều việc làm cụ thể, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đạo đức công vụ, nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập trung hướng về cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân hưởng ứng thực hiện có hiệu quả; đã xuất hiện hàng trăm mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong xây dựng nông thôn mới, với phương châm: nhân dân là chủ thể, dựa vào dân để xây dựng nông thôn mới, hệ thống dân vận đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, huy động được các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Cùng với đầu tư ngân sách của tỉnh và đóng góp của người dân, đã cứng hóa 1.142km kênh mương cấp 1, xây dựng và nâng cấp 3.539km đường giao thông nội đồng, 1.053,47km đường trục xã, 1.887,03km đường trục thôn, 2.976,35km đường nhánh cấp 1 trục thôn, 2.141km đường ngõ xóm, 28 trạm bơm, 35 nhà văn hóa xã, 926 nhà văn hóa thôn, 178 trạm y tế, 126 chợ, 206 khu xử lý rác thải và lò đốt rác, 62 sân thể thao xã, 88 sân thể thao thôn. Trong 10 năm qua (2008 - 2017)  đã vận động con em xa quê đóng góp 181,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp tiền mặt và hiện vật quy thành tiền 9.677,6 tỷ đồng; ngoài ra, nhân dân còn đóng góp trên 100 triệu ngày công lao động, tự nguyện hiến trên 2.200ha đất để dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông và xây dựng công trình phúc lợi. Công tác dân vận đã góp phần quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Phát huy truyền thống và thành tựu đạt được trong 88 năm qua, trước những yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, công tác dân vận của Đảng càng cần phải tiếp tục đổi mới và tăng cường. Thời gian tới, hệ thống dân vận của tỉnh cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, làm tốt công tác dự báo, chủ động nắm chắc tình hình nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cơ chế, chính sách của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); quán triệt, triển khai thực hiện tốt công văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”; thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới.

Hai là, tăng cường và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác dân vận chính quyền; tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa ban dân vận với UBND về công tác dân vận; trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải cách chế độ công vụ, công chức và tinh giản biên chế, trong đó chú trọng cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch; hiện đại hóa dịch vụ công, thực hiện hiệu quả  cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện đổi mới phong cách làm việc theo hướng “trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân”. Tăng cường đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân.

Ba là, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; đổi mới các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở. Thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Bốn là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” trở thành việc làm thường xuyên của mỗi tổ chức, cá nhân; tạo tính lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Năm là, xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu giúp cấp ủy có chủ trương, biện pháp phù hợp lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; theo dõi, nắm chắc tình hình nhân dân, nhất là những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc, vấn đề liên quan đến công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận phù hợp với từng địa bàn, hướng mạnh về cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong công tác dân vận. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình phối hợp đã được ký kết nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận của Đảng.

Nguyễn Tiến Thành

(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày