Chủ nhật, 19/05/2024, 06:44[GMT+7]

Gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm

Thứ 4, 24/10/2018 | 08:13:41
595 lượt xem
Cùng với sự gia tăng chung các bệnh dịch truyền nhiễm trên địa bàn cả nước, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, các bệnh truyền nhiễm cũng đang có chiều hướng gia tăng.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi khám bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh sởi.

Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Thái Bình những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh tăng cao so với những tháng trước. 

Bác sĩ Trần Thị Nhẫn, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết: Số bệnh nhân tăng cao hơn nhưng chủ yếu là bệnh nhân đến khám do mắc các bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, tay chân miệng, sốt phát ban, hô hấp... Đối với những bệnh nhân nặng, các bác sĩ chỉ định nhập viện theo dõi, điều trị phòng biến chứng. Còn lại đa số là bệnh nhân nhẹ được kê đơn điều trị ngoại trú và hướng dẫn gia đình chăm sóc chu đáo tại nhà. 

Bác sĩ Vũ Thị Phương, Trưởng khoa Truyền nhiễm cũng cho biết: Số ca mắc cúm và tay chân miệng phải nhập điều trị nhiều hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Nếu như tháng 7 chỉ có 2 ca mắc cúm; tháng 8 có 8 ca mắc cúm phải nhập khoa điều trị, thì sang tháng 9 đã tăng lên 31 ca. Tính đến ngày 20/10, đã có gần 70 ca mắc cúm phải nhập viện điều trị. Đối với bệnh tay chân miệng, số ca bệnh nặng phải nhập viện điều trị gia tăng bắt đầu từ tháng 6 với 80 ca, tháng 9 có 110 ca. Nửa đầu tháng 10 số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị đã tăng bằng cả tháng 9. Do được phát hiện và điều trị kịp thời nên không có bệnh nhân tử vong, không có bệnh nhân nặng để lại di chứng. 

Tuy nhiên, bác sĩ Phương cho biết, có tới trên 50% số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng dương tính với vi rút EV71, là tuýp vi rút có độc tính mạnh và có khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương, gây ra những bệnh cảnh lâm sàng nặng. Bệnh nhân tay chân miệng dương tính với vi rút EV71 nếu không được điều trị kịp thời, có nguy cơ để lại biến chứng và hậu quả nặng nề, đặc biệt là đối với bệnh nhi dưới 2 tuổi do thể trạng và sức đề kháng yếu. Ngoài hai bệnh truyền nhiễm trên, gần đây rải rác xuất hiện một số ca bệnh sởi và ho gà nhập khoa điều trị. Trong số ca mắc sởi có 90% trẻ dưới 9 tháng, là lứa tuổi chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tuy bệnh dịch truyền nhiễm gia tăng, song chủ yếu xuất hiện ở trẻ em. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số ca nhập viện vì bệnh truyền nhiễm gia tăng không đáng kể. 

Bác sĩ Nguyễn Trung Tuyến, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Một số mặt bệnh như cúm, sốt phát ban nghi sởi và sốt xuất huyết xuất hiện rải rác ở người lớn nhưng đều ở thể nhẹ. Riêng số ca sốt xuất huyết giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017, song ngoài các ca bệnh ngoại lai đã xuất hiện một số ca bệnh nội sinh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch lớn nếu không được quây vùng, dập dịch kịp thời.

Theo tổng hợp từ Sở Y tế, trong 9 tháng năm 2018, toàn tỉnh có 36 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 5 trường hợp mắc bệnh hô hấp cấp tính nghi do vi rút, có 4 trường hợp đã tử vong. Có 15 trường hợp viêm não vi rút, trong đó có 1 ca dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản. Có 37 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 3 trường hợp xét nghiệm dương tính. Đặc biệt có 346 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng hơn so với cùng kỳ 192 ca... Các bệnh truyền nhiễm trên đều xuất hiện nhiều ở những tháng gần đây, song đều trong tầm kiểm soát. 

Theo bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế: Thời điểm thời tiết giao mùa, chuyển lạnh là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, có nguy cơ gia tăng, bùng phát. Sở Y tế đã chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng tăng cường các biện pháp giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Đồng thời chú trọng phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ngay từ cộng đồng như phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, vận động người dân diệt muỗi, bọ gậy, ngủ màn phòng muỗi đốt... 

Ngành Y tế cũng tăng cường truyền thông, vận động người dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, quan tâm tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ đối với các bệnh đã có vắc-xin phòng bệnh. Đối với các bệnh truyền nhiễm chưa có vắc-xin phòng bệnh như tay chân miệng, nhất là trong thời điểm gia tăng bệnh nhân như hiện nay thì tăng cường các biện pháp phòng, chống như tích cực vệ sinh tay, bảo đảm dinh dưỡng, tăng đề kháng cho trẻ. Nếu phát hiện trẻ bị bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan, đồng thời đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách. Khi được chỉ định điều trị tại nhà, phụ huynh cần chú ý thực hiện lời dặn của bác sĩ, cho trẻ uống nước đầy đủ, hạ nhiệt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ...

Hà Dung 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày