Chủ nhật, 19/05/2024, 14:02[GMT+7]

Chấn chỉnh trong cho vay vốn ưu đãi: Bài học rút ra từ sự việc ở phường Lê Hồng Phong

Thứ 2, 05/11/2018 | 10:37:35
6,659 lượt xem
Sự việc một số cán bộ, công chức của phường Lê Hồng Phong được bình xét vay vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo như “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến cho nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được giải ngân sai đối tượng thụ hưởng.

Hoạt động giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh ở xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình).

Thời gian qua, dư luận xã hội nổi cộm lên sự việc một số cán bộ, công chức của phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) được xét duyệt vay vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh trong khi đó các hộ này đều là những hộ có thu nhập ổn định, nhà cửa khang trang. Trong đó, đặc biệt là trường hợp của bà Đặng Thị Kim Thoa, Phó Bí thư Đảng ủy phường và Hoàng Thị Ánh Nguyệt - vợ của Chủ tịch UBND phường Đặng Xuân Hậu cũng được xét duyệt vay vốn đã gây nhiều bất bình trong dư luận xã hội, bởi nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ “đã bị” giải ngân sai đối tượng thụ hưởng.

Phường Lê Hồng Phong hiện có 2 tổ chức chính trị - xã hội là Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ với 5 tổ tiết kiệm và vay vốn nhận ủy thác 4/9 chương trình tín dụng với Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, trong đó Hội Cựu chiến binh quản lý 3 tổ và Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý 2 tổ. Đến ngày 15/10, tổng dư nợ cho vay ưu đãi trên địa bàn phường đạt 4,33 tỷ đồng với 126 hộ đang vay vốn; trong đó dư nợ do Hội Cựu chiến binh quản lý 2,592 tỷ đồng với 74 hộ đang vay vốn và dư nợ do Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý 1,738 tỷ đồng với 52 hộ đang vay vốn. 

Nhận được thông tin có tình trạng cho vay vốn tín dụng chính sách sai đối tượng ở phường Lê Hồng Phong, sáng ngày 15/10, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo Phòng Kiểm tra, kiểm soát nội bộ phối hợp cùng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng tiến hành sao kê các khách hàng vay vốn của Ngân hàng CSXH trên địa bàn phường và thực hiện đối chiếu công khai đến từng khách hàng có dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách. 

Qua kiểm tra, đối chiếu 114 hộ vay vốn với tổng số tiền 3,897 tỷ đồng (còn 12 hộ với số tiền vay 433 triệu đồng Ngân hàng chưa đối chiếu được do các hộ đang đi làm ăn), Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã phát hiện 6 hộ vay sử dụng vốn sai mục đích ghi trong giấy đề nghị vay vốn với tổng số tiền 295 triệu đồng, gồm các hộ: Đặng Thị Kim Thoa (dư nợ 48 triệu đồng), bà Vũ Thị Thắm (dư nợ 50 triệu đồng), Đặng Thị Hồng Nhung (dư nợ 50 triệu đồng), Vũ Thị Hoài Thu (dư nợ 50 triệu đồng), Nguyễn Thị Thanh Phương (dư nợ 47 triệu đồng) và Bùi Thị Phương (dư nợ 50 triệu đồng). 

Ngay sau buổi kiểm tra, đối chiếu, chiều ngày 15/10, đã có 7 hộ trả nợ gốc với tổng số tiền 325 triệu đồng, trong đó có 2 hộ Ngân hàng chưa thực hiện kiểm tra, đối chiếu đó là Hoàng Thị Ánh Nguyệt (trả nợ 30 triệu đồng) và Phạm Thị Huyền (trả nợ 50 triệu đồng). Đến ngày 18/10, bà Bùi Thị Phương cũng thực hiện việc trả nợ vốn vay cho Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh với số tiền 50 triệu đồng.

Theo quy trình cho vay, Ngân hàng CSXH thực hiện ký hợp đồng ủy thác (có trả phí ủy thác) đối với các tổ chức chính trị - xã hội và hợp đồng ủy nhiệm (có trả hoa hồng) đối với các tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện một số công việc như: tổ chức họp các thành viên trong tổ để thực hiện bình xét công khai, dân chủ, lập danh sách các hộ gia đình đề nghị vay vốn Ngân hàng CSXH, trình hồ sơ đề nghị vay vốn cho UBND xã, phường, thị trấn phê duyệt, tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát… Trên cơ sở hồ sơ đã được UBND xã, phường, thị trấn phê duyệt, Ngân hàng CSXH sẽ xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và phê duyệt cho vay, đồng thời thực hiện giải ngân có sự chứng kiến của tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Các hộ vay vốn trên địa bàn phường Lê Hồng Phong cũng được giải ngân nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi theo đúng quy trình trên, trên cơ sở dựa hoàn toàn vào xác nhận của UBND phường. 

Rút kinh nghiệm từ sự việc của phường Lê Hồng Phong, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH thành phố Thái Bình đã ban hành công văn chỉ đạo các thành viên đặc biệt là trưởng ban giảm nghèo các xã, phường tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát từ cơ sở; thực hiện bình xét công khai, dân chủ, đúng đối tượng, đúng chương trình; rà soát các hộ gia đình đang vay vốn Ngân hàng CSXH, trường hợp phát hiện hộ vay vốn sử dụng vốn sai mục đích hoặc không đúng đối tượng thụ hưởng đặc biệt hộ vay là đối tượng cán bộ, công chức, viên chức ở các xã, phường phải lập biên bản làm việc và yêu cầu hộ vay trả nợ trước hạn theo quy định. 

Về phía thành phố, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã vào cuộc xác minh sai phạm cũng như trách nhiệm của các cá nhân liên quan, trên cơ sở đó có hình thức xử lý phù hợp, đúng pháp luật. Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cũng tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo ban đại diện các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác giám sát hoạt động của Ngân hàng CSXH; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt và cùng giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại nơi cư trú; thực hiện công khai các chính sách tín dụng và danh sách hộ vay vốn tại các điểm trực giao dịch xã, phường, thị trấn.

Không thể phủ nhận nỗ lực, vai trò của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh trong việc khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, cụ thể là: nguồn vốn đó đã giúp hơn 87.000 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho hơn 82.000 lao động; giúp cho trên 91.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng, cải tạo hơn 268.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 4.500 ngôi nhà cho hộ nghèo. Tuy nhiên, sự việc một số cán bộ, công chức của phường Lê Hồng Phong được bình xét vay vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo như “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến cho nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được giải ngân sai đối tượng thụ hưởng. 

Từ sự việc trên đã rút ra nhiều bài học cho cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác trong toàn tỉnh đặc biệt là Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ đó là cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa nhất là đối với khâu bình xét cho vay, bảo đảm đúng đối tượng và đúng mục đích sử dụng.

Nhóm phóng viên