Thứ 6, 26/04/2024, 11:42[GMT+7]

Thể thao Việt Nam hoàn thành "mục tiêu kép"

Thứ 5, 31/08/2017 | 08:32:28
1,185 lượt xem
SEA Games 29 là kỳ SEA Games giàu kịch tính và thành công với thể thao Việt Nam. Đoàn Việt Nam đã hoàn thành “mục tiêu kép” là giành vị trí thứ ba toàn đoàn và nhiều đội tuyển thuộc nhóm môn Olympic vào tốp dẫn đầu. Tất nhiên, vẫn còn những tiếc nuối...

Quang cảnh lễ bế mạc SEA Games 29. Ảnh: Tiến Tuấn

Những điểm sáng khó quên

Dù xác định SEA Games không còn là sân chơi quan trọng nhất, nhưng ngành Thể thao Việt Nam vẫn đầu tư đáng kể để các vận động viên đạt thành tích tốt nhất. Để phù hợp với định hướng phát triển, ngành đặt ra 2 nhiệm vụ quan trọng là giành vị trí thứ ba toàn đoàn và nhiều đội tuyển thuộc các môn cơ bản trong chương trình thi đấu Olympic vào nhóm dẫn đầu tại SEA Games 29.

Cả hai nhiệm vụ đều khó khăn. Phải đến ngày thi đấu cuối, Việt Nam mới chắc chắn xếp thứ ba toàn đoàn, khi Singapore không thể giành thêm một Huy chương vàng. Còn ở nhóm môn Olympic, các đội tuyển điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, cử tạ, bóng bàn, đấu kiếm… đã mang lại niềm vui cho người hâm mộ.

Ấn tượng hơn cả là đội tuyển điền kinh với việc lần đầu tiên giành tới 17 Huy chương vàng và vượt qua Thái Lan ở một kỳ SEA Games. Điều này càng gây phấn khích khi điền kinh được coi là môn thể thao cơ bản nhất của Olympic. Trước đó, Thái Lan luôn chiếm vị trí số 1 toàn đoàn tại môn này ở SEA Games, nên SEA Games 29 điền kinh Việt Nam cũng chỉ được giao nhiệm vụ san bằng số Huy chương vàng với Thái Lan. Nhưng lần này, đội tuyển Thái Lan chỉ giành được 9 Huy chương vàng. Đáng chú ý, trong chiến thắng của điền kinh Việt Nam, hàng loạt vận động viên trẻ tài năng đã khẳng định được bản thân ngay trong lần đầu tham dự như Lê Tú Chinh, Bùi Văn Đông.

Còn đội tuyển bơi với "đầu tàu" Nguyễn Thị Ánh Viên vẫn giữ vị thế hàng đầu khu vực. Ánh Viên tái lập thành tích đoạt 8 Huy chương vàng ở SEA Games 28 để trở thành vận động viên Việt Nam giàu thành tích nhất ở đấu trường khu vực. 2 Huy chương vàng của kình ngư 15 tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn và kình ngư 17 tuổi Nguyễn Huy Hoàng cũng đặc biệt ấn tượng. Tất cả cho thấy bơi Việt Nam đang sở hữu nhiều tài năng.

Đội Thể dục dụng cụ nam Việt Nam cũng là điểm sáng khác khi giành tới 5 Huy chương vàng ở 7 nội dung thi đấu. Còn đội bóng bàn nam lại làm nên lịch sử bằng chiến thắng trong trận chung kết đồng đội trước Singapore, vốn luôn mạnh nhất ở Đông Nam Á với một số tay vợt nhập quốc tịch.

Cử tạ mang đến bất ngờ thú vị với 2 Huy chương vàng, trong đó thành tích giành Huy chương vàng, đồng thời phá kỷ lục SEA Games hạng 62kg nam của lực sĩ 20 tuổi Trịnh Văn Vinh gây ấn tượng mạnh mẽ. Đội tuyển đấu kiếm cũng là điểm sáng khi giành tới 3 Huy chương vàng trong 6 nội dung thi đấu.

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 Trần Đức Phấn tỏ ra hài lòng với thành công của nhóm môn trong chương trình thi đấu Olympic, khi giành tới 2/3 tổng số Huy chương vàng của Đoàn thể thao Việt Nam. Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục thể thao) Nguyễn Hồng Minh cũng khẳng định, thể thao Việt Nam đang đi đúng hướng sau thành công của nhóm môn Olympic tại SEA Games 29.

Không ít bài học

Mục tiêu khi tham dự SEA Games 29 của Đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn tất. Song cũng có những thất bại để lại nhiều suy ngẫm. Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 Trần Đức Phấn nhắc đến nhiều nhất về thất bại của đội tuyển bắn súng, taekwondo và U22 bóng đá nam. Đội tuyển bắn súng được giao chỉ tiêu giành 3 Huy chương vàng, nhưng chỉ giành được 1.

Màn trình diễn nghệ thuật tại lễ bế mạc SEA Games 29. Ảnh: Tiến Tuấn


Trong đó, xạ thủ số 1 Hoàng Xuân Vinh không một lần lên ngôi. Đội tuyển taekwondo cũng chỉ giành được 2 Huy chương vàng, dù mục tiêu là 3-4 Huy chương vàng. Còn đội bóng đá nam U22 sớm dừng bước ở vòng bảng, dù đã được Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và doanh nghiệp đầu tư mạnh nhất trong nhiều năm gần đây.

Tất cả đều có căn nguyên, rõ nhất vẫn là tâm lý thi đấu. Bản thân Đoàn thể thao Việt Nam cũng không có chuyên gia tâm lý để giúp vận động viên thoát khỏi khó khăn do sức ép thành tích.

Ông Trần Đức Phấn cho rằng, đây là vấn đề cần sớm được giải quyết, không thể làm đại trà thì cũng phải thực hiện ở một số môn trọng điểm. Ngoài ra, thể lực và sức mạnh của các vận động viên Việt Nam cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Đây cũng là rào cản khiến vận động viên Việt Nam không thể lên ngôi ở nhiều môn có tính đối kháng cao.

Sẽ phải có những đánh giá tổng thể, toàn diện về quá trình thi đấu tại SEA Games 29 để thể thao Việt Nam rút ra những bài học cần thiết, song quan trọng là có giải pháp và thực hiện đến nơi, đến chốn.
 

Lễ bế mạc SEA Games 29 gây ấn tượng mạnh
Tối 30/8, lễ bế mạc SEA Games 29 được tổ chức trọng thể trên sân vận động Bukit Jali (Kuala Lumpur, Malaysia). Nước chủ nhà tiếp tục gây ấn tượng mạnh với những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc. Thủ tướng Malaysia N.Razak tuyên bố bế mạc SEA Games 29 và Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã trao cờ đăng cai SEA Games 30 năm 2019 cho Philippines.
Tại SEA Games 29, Việt Nam xếp thứ ba toàn đoàn với 58 Huy chương vàng, 50 Huy chương bạc, 60 Huy chương đồng. Malaysia dẫn đầu bảng tổng sắp với 145 Huy chương vàng, 92 Huy chương bạc, 86 Huy chương đồng; Thái Lan xếp thứ nhì với 72 Huy chương vàng, 86 Huy chương bạc, 88 Huy chương đồng...

Theo hanoimoi.com.vn