Thứ 6, 17/05/2024, 13:59[GMT+7]

Niềm vui trên những cánh đồng vàng

Thứ 2, 31/12/2018 | 14:52:08
1,858 lượt xem
Chủ trương tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp được huyện Kiến Xương triển khai từ nhiều năm qua. Đây được xem là giải pháp đột phá nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, trên địa bàn huyện Kiến Xương đã hình thành nhiều mô hình tích tụ ruộng đất hiệu quả, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của người dân.

Dưa chuột cho năng suất bình quân 1,6 tấn/sào.

Những ngày cuối năm, trên cánh đồng sản xuất rau màu của HTX SXKD DVNN xã Thanh Tân, niềm vui như được nhân đôi bởi hiệu quả kinh tế của các mô hình tích tụ ruộng đất mang lại. Dưới tiết trời se lạnh của mùa đông, bà con nông dân vẫn hối hả, hăng say lao động, người khẩn trương thu hoạch dưa, người tích cực làm đất, chăm sóc khoai tây. Tiếng cười nói của bà con như xua đi cái vất vả, nhọc nhằn, mang đến niềm tin, hy vọng trong mùa xuân mới. 

Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Trần Quang Hưng cho biết: Địa phương có rất nhiều mô hình tích tụ ruộng đất hiệu quả với tổng diện tích trên 36ha, trong đó Công ty TNHH Hưng Cúc đã khơi thông mô hình cấy lúa chất lượng cao đầu tiên 18ha. Từ đó đã tạo được làn sóng mới về tích tụ ruộng đất ở địa phương với nhiều cá nhân thực hiện. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Triển tích tụ 3ha, anh Nguyễn Duy Phiên tích tụ gần 10ha. Đến năm 2017, HTX đã thực hiện tích tụ 6ha để sản xuất rau màu. Ngay khi thực hiện, các mô hình đã góp phần khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp ở địa phương, sản xuất mang tính tập trung lớn, giảm chi phí trong sản xuất. Ngoài ra, đây cũng là những mô hình mới kích cầu sản xuất hàng hóa trong nhân dân. 

Anh Nguyễn Duy Phiên, thôn Nam Lâu, xã Thanh Tân chia sẻ: Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con lối xóm, tôi đã tích tụ được gần 10ha để cấy lúa. Mặc dù mới cấy được hai vụ lúa nhưng so với làm nhỏ lẻ trước đây thì năng suất và thu nhập cao hơn nhiều. Vụ xuân năm 2018 là vụ lúa cấy đầu tiên nhưng năng suất đã đạt 2,5 tạ/sào, tổng sản lượng đạt khoảng 70 tấn thóc giúp tôi thu lãi 200 triệu đồng. Ngoài ra tôi còn tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng.

Nhìn những cánh đồng rộng lớn của xã được phủ xanh bởi các luống khoai, dưa hay các luống rau sạch ít ai nghĩ đến vài năm trước nơi đây chỉ là những ruộng cấy lúa kém hiệu quả, không ai muốn canh tác. Nhưng từ khi doanh nghiệp và các hộ đầu tư thì các diện tích đã không chỉ được lấp đầy mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng mô hình của Công ty TNHH Hưng Cúc đã đem lại giá trị cao gấp nhiều lần so với những ruộng lúa thông thường bởi doanh nghiệp đã làm trọn gói từ sản xuất tới xuất khẩu gạo. Hay mô hình của HTX trồng rau an toàn: bí, dưa chuột, đỗ, khoai tây mặc dù vẫn ở giai đoạn mới đầu tư song đã đem lại hiệu quả rõ rệt và trở thành mô hình điểm để lan tỏa sang các mô hình khác. Mô hình rau an toàn cho thu nhập cao gấp trên 3 lần so với cấy lúa. Do đó, đến thời điểm này, mặc dù chưa có lợi nhuận cao song HTX đã ổn định, cơ bản cân đối được nguồn thu chi. Đặc biệt, HTX đã không chỉ đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động mà còn được cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, đem lại thương hiệu cho sản phẩm của riêng mình, xuất bán cho doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh.

Rời Thanh Tân, chúng tôi tới một trong những địa phương có mô hình tích tụ ruộng đất lớn đầu tiên của tỉnh, ông Trần Xuân Lưỡng, xã Quang Hưng, ông cho biết: Mới đầu tôi cũng giống như bao người nông dân khác, chỉ cấy 4 sào ruộng với tư tưởng đủ gạo để ăn là chính. Nhưng khi nhìn thấy người dân bỏ ruộng nhiều tôi lại thấy tiếc và cho rằng mình cần phải biến những vùng đất “chết” thành vùng đất “nở hoa”. Năm 2012, ước mơ của tôi đã thành hiện thực khi dồn đổi được 12ha tập trung ở 2 thôn với diện tích của khoảng 300 hộ để cấy lúa. Nhìn những mảnh ruộng rộng dài tưởng chừng như không thể kham nổi nhưng tôi vẫn quyết tâm đầu tư gần 1 tỷ đồng thuê máy về san, đắp ruộng, đắp bờ, đổ đường, kéo đường điện, làm vệ sinh đồng ruộng. Ông trời đã không phụ lòng người khi ngay năm đầu tiên tôi đã thắng lợi lớn với năng suất đạt gần 70 tạ/ha, bán thóc với giá cao. 

Ông Lưỡng cho rằng: Làm nông nghiệp sẽ không tránh khỏi những gian nan, thất bại bởi phụ thuộc nhiều vào thời tiết và tình hình sâu bệnh nên không phải năm nào cũng thu được quả ngọt mà có những năm cũng mất trắng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. 

Chính vì điều này mà năm 2015 ông Lưỡng đã liên kết với Công ty Đại Thành ở Bắc Ninh chuyển sang mô hình cấy lúa giống, trong đó ông phụ trách mặt bằng sản xuất, công nhân lao động, doanh nghiệp lo giống và bao tiêu sản phẩm. Từ đó, ông Lưỡng đã có thu nhập ổn định hơn, trừ chi phí thu nhập mỗi năm đạt bình quân trên 300 triệu đồng. Ấn tượng nhất là năm 2018, thời tiết thuận lợi, không bị sâu bệnh, được mùa đã giúp ông thu lãi 500 triệu đồng. Giờ đây tư tưởng của ông Lưỡng đã khác trước, ông cho rằng nông dân muốn làm giàu trước hết phải có nhiều ruộng, kết hợp với doanh nghiệp, nhà khoa học sẽ thành công, bên cạnh đó cũng cần có sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước, các cấp, các ngành và địa phương.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương, tới thời điểm này, toàn huyện đã có 12 xã thực hiện tích tụ ruộng đất tổng diện tích 248ha với quy mô từ 2ha trở lên. Những mô hình này sẽ mở ra tương lai và hy vọng mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như làm thay đổi tập quán sản xuất cũ, hướng tới nền sản xuất hiện đại hơn.


Ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân (Kiến Xương)

Sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thanh Tân đã đưa ra chủ trương tích tụ ruộng đất và sớm xây dựng đề án thực hiện với nhiều phương pháp, cách làm khác nhau. Kết quả thành công nhất là đã thay đổi được nhận thức, tập quán canh tác của người dân, họ đã tiếp cận được với sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thích nghi với mô hình doanh nghiệp làm nông nghiệp, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, biến những vùng chua trũng kém hiệu quả, năng suất thấp trở thành những vùng đất màu mỡ, sinh sôi nảy nở.

Anh Đặng Văn Quang, xã Bình Minh (Kiến Xương)

Thực hiện tích tụ ruộng đất từ năm 2008, từ chỗ chỉ có vài mẫu tới vài héc-ta, đến nay, tổng diện tích của tôi đã lên tới 20ha. Dẫu biết đầu tư vào lĩnh vực này gặp nhiều rủi ro, thậm chí mất trắng nhưng tôi vẫn làm và tìm hướng đi riêng. Không chỉ đầu tư số lượng lớn máy móc phục vụ diện tích của nhà, tôi còn đi làm thuê cho các hộ dân ở trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, tôi còn cấy lúa giống, làm mạ khay, bán thóc cho nhiều địa phương, công ty trong và ngoài tỉnh. Với cách làm đó, bình quân mỗi vụ tôi thu nhập 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 - 10 lao động.

Ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Liên Hạnh

Là một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực chế biến, sản xuất lương thực từ hàng chục năm qua, tôi đã liên kết với nhiều HTX, quy vùng sản xuất hỗ trợ về giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Qua tìm hiểu ở huyện Kiến Xương, tôi rất muốn được triển khai mô hình tích tụ ruộng đất để nuôi trồng thủy sản công nghệ cao với diện tích hàng chục héc-ta. Tuy nhiên, để làm được điều này tôi mong nhận được sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như người dân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuê đất sản xuất.


Thu Thủy