Chủ nhật, 12/05/2024, 05:56[GMT+7]

"Truyền lửa" văn hóa đọc

Chủ nhật, 03/02/2019 | 16:46:10
1,349 lượt xem
Nhờ những bàn tay, khối óc, lòng nhiệt tình, niềm đam mê với nghề, nguồn tri thức được ươm mầm, xuân này qua xuân khác luôn đâm chồi nảy lộc. Tri thức mà chúng tôi nhắc đến ở đây chính là những cuốn sách trong tủ sách phụ huynh (TSPH), thư viện trường học được những người thầy, người cha, người mẹ góp công xây dựng.

Nơi ươm mầm tri thức

Năm 2008, sau khi thấy mô hình TSPH chưa thể hình thành trên mảnh đất Hà Tĩnh, anh Nguyễn Quang Thạch, quê ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh một mình lặn lội quãng đường hàng trăm cây số để mang TSPH đến với con em xã An Dục (Quỳnh Phụ). Như cái duyên đã định sẵn, ngay sau khi chia sẻ ý tưởng, nguyện vọng của mình với thầy giáo Uông Minh Thành, Phó Hiệu trưởng và cô giáo Dương Lệ Nga, lúc bấy giờ là giáo viên, Tổng phụ trách Trường THCS An Dục, anh đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ và quyết tâm xây dựng TSPH của thầy và cô. Tuy nhiên, cái gì mới thì không tránh khỏi những khó khăn. Thầy giáo Uông Minh Thành chia sẻ: Về phía nhà trường, có nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có một số ý kiến chưa thuận tình. Để nhận được sự đồng tâm của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường cùng hội phụ huynh học sinh, tôi và cô giáo Nga luôn trăn trở làm sao để thuyết phục họ, hơn hết là thuyết phục phụ huynh học sinh bởi nguồn quỹ chính để xây dựng nên TSPH chính là từ cha mẹ các em. Và lớp 6A2 chính là nơi mà thầy Thành, cô Nga và anh Thạch thuyết phục được nhà trường và phụ huynh thí điểm mô hình TSPH.

Chỉ sau một thời gian ngắn thí điểm, nhà trường đã quyết định nhân rộng mô hình TSPH ra toàn trường và tạo sự lan tỏa trong toàn ngành Giáo dục Quỳnh Phụ. Đến nay, TSPH đã không còn là mô hình bởi những kết quả mà nó mang lại. Đó là những tín hiệu đáng mừng để thôi thúc học sinh đọc sách, yêu sách và đam mê với sách hơn. Ông Nguyễn Văn Roanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Phụ chia sẻ: Hiện nay, 100% lớp học trên địa bàn huyện Quỳnh phụ đều có TSPH. Đến thăm các trường vào giờ ra chơi, hình ảnh các em say mê đọc sách, nâng niu những cuốn sách khiến chúng tôi thêm yêu nghề, muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho nghề. Không chỉ ở trường học, nhiều gia đình, dòng họ, cơ quan đã xây dựng tủ sách để “truyền lửa” văn hóa đọc cho con, cháu mình.

Giờ đây, khi đã được nghỉ chế độ nhưng cô giáo Dương Lệ Nga vẫn “nay đây mai đó” để đem những cuốn sách đến mọi miền Tổ quốc, mang hơi ấm đến cho học sinh ở những miền quê nghèo. Không chỉ dừng lại ở sách hóa nông thôn, anh Nguyễn Quang Thạch đang ngày đêm miệt mài với những dự án mới để mang ánh sáng tri thức đến những vùng sâu, vùng xa trên cả nước.

Tích tiểu thành đại

Đi sau Quỳnh Phụ trong việc triển khai mô hình TSPH thế nhưng Thái Thụy lại là nơi TSPH có tốc độ phát triển nhanh và mang lại hiệu quả lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ: Con số ấn tượng nhất đó là chỉ trong vòng hơn một tháng (từ tháng 4/2013 đến tháng 5/2013), 100% trường học ở Thái Thụy đều có TSPH; toàn huyện đã có trên 30.000 cuốn sách do các em đóng góp, trị giá trên 350 triệu đồng. Tất cả cán bộ, giáo viên đều trích tiền lương mỗi người từ 30.000 - 50.000 đồng, cao nhất tới 500.000 - 700.000 đồng ủng hộ TSPH. Anh Nguyễn Quang Thạch và thầy giáo Uông Minh Thành, cô giáo Dương Lệ Nga trong nhóm hành động “Sách hóa nông thôn” đã ủng hộ 83 tủ sách với gần 3.000 cuốn sách tham khảo và truyện cho các trường trong huyện. Qua 5 lần tổ chức ngày Sách Việt Nam, huyện Thái Thụy đã quyên góp được 173.879 cuốn sách. Không dừng lại ở TSPH, những năm gần đây, thư viện xanh, thư viện thông minh đã phủ kín nhiều trường học ở Thái Thụy.

Thầy giáo Nguyễn Văn Chanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Sơn, nguyên là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Phong, người rất gắn bó với TSPH chia sẻ: Với 2 tủ sách ban đầu trị giá 2,35 triệu đồng/tủ, sau 3 năm triển khai, Trường Tiểu học Thụy Phong đã xây dựng được 21 tủ sách/21 lớp học. Mỗi tủ sách trị giá 4,8 triệu đồng, bao gồm sách và tủ. 50% kinh phí được trích từ ngân sách nhà trường, 50% còn lại kêu gọi theo mô hình xã hội hóa giáo dục. Nguồn sách thư viện nhà trường cũng được huy động để làm phong phú thêm TSPH.

Cùng với Trường Tiểu học Thụy Phong, Trường THCS Thụy Liên cũng là ngôi trường đầu tiên của Thái Thụy xây dựng TSPH. Cô giáo Dương Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên chia sẻ: Từ những TSPH ban đầu, phong trào đọc sách của học sinh trong trường phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, ngoài TSPH, nhà trường được đầu tư xây dựng thư viện thông minh với không gian mở, yên tĩnh với hàng nghìn đầu sách, thu hút đông đảo học sinh đến đọc và mượn về. Để có được những cuốn sách hay, một mặt nhà trường kêu gọi đóng góp từ doanh nghiệp, hội phụ huynh, thầy cô và những người con xa quê, mặt khác nhà trường dần đưa văn hóa đọc sách, giữ sách thâm nhập vào các hoạt động của học sinh, từ hoạt động kể chuyện giờ sinh hoạt lớp, kể chuyện chào cờ sáng thứ hai trước toàn trường hay các hoạt động kể chuyện, văn nghệ, viết cảm nhận trên nhiều quy mô lớn nhỏ. Nhờ thế, đến nay, việc đọc sách với học sinh nhà trường như một thói quen, một nét đẹp tạo nên thương hiệu cho Trường THCS Thụy Liên.

Thành công nhờ sự bài bản

Với sự tỉ mỉ từ việc xây dựng kế hoạch, kêu gọi tài trợ, đóng góp, tuyên truyền để nhân dân hiểu, ủng hộ, TSPH, thư viện thông minh hay thư viện xanh đã khắc phục được những hạn chế của thư viện truyền thống, khơi dậy văn hóa đọc trong học sinh. Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy cho biết thêm: Thực tế chứng minh đó không phải là sự hô hào nhất thời mà thực sự đã góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về việc đọc sách một cách bền bỉ. Sau 5 năm đi vào hoạt động, TSPH, thư viện xanh và thư viện thông minh đã hình thành thói quen trong nhiều học sinh. Mỗi giờ ra chơi, không cần nhắc nhở, nhiều học sinh đã tự nguyện lấy sách ra đọc, trân trọng giữ gìn sách cho các bạn đọc sau mà không cần người quản lý hay sổ sách theo dõi như ban đầu mới hoạt động. Từ đó đã rèn luyện tính tự nguyện, tự giác, chủ động của các em trong việc đọc và giữ gìn sách. Nhiều giáo viên môn Ngữ văn chia sẻ: Nhờ có những cuốn sách mới, học sinh được bồi đắp tình yêu môn Ngữ văn qua quá trình tìm hiểu thêm những trích đoạn không có sách giáo khoa nhưng có trong sách. Điều này rất có ý nghĩa khi chúng tôi ngày càng chú trọng xây dựng cho các em tính hướng thiện. Và chính các em đã tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau sau khi tiếp xúc với sách.

Nhận thấy lợi ích to lớn của văn hóa đọc, hiện nay, TSPH đã được triển khai đến hầu hết các trường học trong toàn tỉnh. Lớn hơn nữa đó là những thư viện xanh ngoài trời hay thư viện thông minh được các trường xã hội hóa đã phục vụ đắc lực việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Đây chính là cách mà các trường lựa chọn để “truyền lửa” văn hóa đọc cho học sinh.

Đặng Anh