Thứ 6, 17/05/2024, 18:52[GMT+7]

Hợp Tiến: Chống chọi với bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 5, 04/04/2019 | 08:54:31
1,082 lượt xem
Chỉ 1 tuần sau khi xã Lô Giang có lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy, xã Hợp Tiến (Đông Hưng) cũng đã xuất hiện lợn ốm vì bệnh dịch. Để khoanh vùng dập dịch, cấp ủy, chính quyền xã đã thực hiện triệt để nguyên tắc “5 không” đồng thời làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại và nơi công cộng.

Phun hóa chất tại trang trại hàng ngày để bảo vệ đàn lợn.

Trang trại của anh Nguyễn Tiến Kiên, thôn Tân Tiến là 1 trong 6 trang trại lớn của xã, thường xuyên nuôi trên 500 đầu lợn. Những ngày này, vợ chồng anh Kiên đang phải gồng mình chống chọi với bệnh dịch để bảo vệ đàn lợn, sau khi gia đình phải tiêu hủy 80 con lợn choai bị nhiễm bệnh. Do chưa có vắc-xin đặc trị nên hai vợ chồng anh Kiên cũng chỉ biết thực hiện tốt hướng dẫn của cán bộ thú y, đóng cửa chuồng trại không cho ai ra vào. Ngoài lượng hóa chất, vôi bột xã cấp phát, anh chị còn mua thêm vôi bột và hóa chất để tiêu độc, khử trùng chuồng trại hàng ngày. 

Anh Kiên cho biết: Gia đình thực hiện tiêu độc, khử trùng thường xuyên, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nhưng bệnh dịch vẫn lây lan, đến ngày 28/3/2019 vẫn có lợn chết phải tiêu hủy. Gia đình mong có cơ chế hỗ trợ tiêu hủy lợn ốm phù hợp, ngân hàng giãn nợ và tiếp tục cho vay vốn để sau này có thể đầu tư tái đàn.

Sau khi phải tiêu hủy 8 tạ lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, anh Nguyễn Văn Tiềm, thôn Ái Quốc đã giao cho vợ đảm nhận tất cả các khâu từ cho ăn, vệ sinh chuồng trại đến tiêu độc, khử trùng tại khu nuôi lợn nái, còn bản thân anh đảm nhận khu nuôi lợn thịt. Phun hóa chất 1 ngày 2 lần, rắc vôi bột 3 ngày 1 lần song trước khi rắc vôi mới anh chị tiến hành thu dọn vôi cũ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho lợn ăn đủ chất để tăng sức đề kháng. Vì vậy, đã hơn một tuần nay đàn lợn trên 150 con của gia đình anh Tiềm vẫn khỏe mạnh, không có thêm con nào bị ốm. 

Theo anh Tiềm, các chủ hộ chăn nuôi lợn phải là người chủ động trong cuộc chiến chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết, không vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn dư thừa. Điều anh lo lắng nhất là do ảnh hưởng của bệnh dịch tả giá lợn hơi xuống quá thấp, thương lái lại kén chọn, mua ít nên 100 con lợn thịt từ 1,1 - 1,2 tạ/con còn khỏe của gia đình vẫn chưa bán được. Anh mong cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc để giúp các hộ chăn nuôi tiêu thụ lợn khỏe vì nếu không xuất bán được thiệt hại sẽ nặng nề hơn.

Hợp Tiến có tổng đàn lợn 1.801 con của 112 hộ chăn nuôi, trong đó có 10 gia trại, trang trại. Xã đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổ tiêu độc, khử trùng, tổ tiêu hủy khi có lợn ốm chết...; tổ chức tiếp nhận 320 lít hóa chất, mua trên 31 tấn vôi bột thực hiện phun, rắc tại tất cả nơi công cộng, chuồng trại; trích kinh phí mua công cụ, dụng cụ, đồ bảo hộ lao động cho người tham gia tiêu hủy lợn, tiêu độc, khử trùng. Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm, lây lan nhanh, chưa có vắc-xin đặc trị nên từ ngày 27/2/2019 đến ngày 31/3/2019 toàn xã đã tiêu hủy 780 con lợn của 75 hộ với trọng lượng trên 54 tấn. Ngoài tiêu hủy tập trung khi lợn của một hộ chết nhiều, xã còn thực hiện tiêu hủy tại hộ khi hộ đó chỉ có 1 - 2 con bị chết, tất cả các bước đều tuân thủ nghiêm quy trình tiêu hủy.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hợp Tiến nằm sát Lô Giang - xã đầu tiên của huyện Đông Hưng có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Những ngày qua, một số người dân vứt lợn chết do bệnh dịch xuống sông trôi qua địa bàn nên dù cả hệ thống chính trị và người chăn nuôi lợn đã quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp khoanh vùng dập dịch nhưng bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, số lợn bị tiêu hủy hơn 1 tháng qua đã chiếm 43% tổng đàn lợn của xã. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để người chăn nuôi nắm bắt diễn biến của dịch, có biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất và người dân không quay lưng lại với thịt lợn. Bên cạnh đó, xã cũng khuyến cáo người chăn nuôi thấy lợn chết, lợn ốm không rõ nguyên nhân phải báo ngay với cán bộ thú y để lấy mẫu xét nghiệm sớm, tránh lây lan ra diện rộng; tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi bán lợn khỏe. Tổ chức hiệu quả tuần lễ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, giết mổ và bày bán sản phẩm của lợn. Tổ chức tiêu hủy lợn chết, lợn ốm do bệnh dịch tả lợn châu Phi đúng quy trình, quy định.


Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày