Thứ 5, 16/05/2024, 03:18[GMT+7]

UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến về một số nội dung

Thứ 5, 04/04/2019 | 14:31:50
1,337 lượt xem
Sáng ngày 4/4, UBND tỉnh họp nghe: Sở Tài chính báo cáo việc xử lý giá trị còn lại của tài sản trên đất thu hồi của Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Thái Bình tại xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo cơ chế, chính sách về máy cấy; Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ mua một số loại máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 của UBND tỉnh.

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Đồng chí Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đại diện một số sở, ngành, các huyện, thành phố và một số đơn vị có liên quan tham dự cuộc họp.

Khu đất của Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Thái Bình tại xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư) được Nhà nước thu hồi tại thời điểm 10/3/2014; tổng giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư trên đất thu hồi được UBND tỉnh phê duyệt là 13.849.643.567 đồng. Đến nay, UBND tỉnh tạm giao diện tích đất thu hồi cho Tập đoàn TH, trên cơ sở thống nhất của các sở, ngành, Sở Tài chính đề xuất 2 phương án thanh toán tài sản đã đầu tư trên đất thu hồi: Công ty Cổ phần Sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế (Tập đoàn TH) có nhu cầu thực hiện dự án trên diện tích đã thu hồi với diện tích 20,7ha thì công ty phải thực hiện thanh toán phần giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư trên đất thu hồi và đưa kinh phí trên vào tổng vốn đầu tư của dự án đồng thời thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai theo quy định. Trường hợp Công ty Cổ phần Sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế không đồng ý thanh toán kinh phí, đề nghị công ty nghiên cứu tìm địa điểm khác trên địa bàn tỉnh để thực hiện dự án đầu tư.

Hoan nghênh và cảm ơn Tập đoàn TH đã quan tâm, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Thái Bình, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Thái Bình luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn nói riêng, các doanh nghiệp nói chung đầu tư vào nông nghiệp Thái Bình. 

Đối với việc xử lý tài sản còn lại trên đất thu hồi của Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Thái Bình, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý hợp lý, dứt điểm. Các sở, ngành khẩn trương rà soát lại hồ sơ pháp lý; phối hợp với Tập đoàn TH hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án theo quy định; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động tham mưu phương án thuê đất; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ hàng tuần báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các dự án nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% diện tích lúa của Thái Bình được cấy bằng máy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính cần 3.552 máy cấy, trong đó 2.623 máy cấy cầm tay, 372 máy cấy cầm tay cỡ trung, 557 máy cấy cỡ lớn. Theo định mức hỗ trợ bằng 50% giá máy thì tổng kinh phí cần hỗ trợ trên 155 tỷ đồng. Để bảo đảm sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa đồng bộ các khâu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ máy cấy cho từng loại máy cụ thể.

Trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2018 – 2020 cụ thể: bổ sung máy sấy nông sản vào danh mục loại máy được hưởng kinh phí hỗ trợ mua máy theo Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 của UBND tỉnh. Giữ nguyên chính sách hỗ trợ các loại máy với mức hỗ trợ đến 50% đơn giá mua máy cho các loại máy: cấy, gặt đập liên hợp, sấy nông sản; điều chỉnh, bổ sung mức hỗ trợ tối đa cho từng loại máy. Về định mức máy cần trang bị: máy gặt 40ha/máy và giữ nguyên mức cơ giới hóa 80% diện tích khâu thu hoạch; máy cấy cần trang bị 60ha/máy.

Với định hướng ưu tiên tập trung hỗ trợ máy cấy nhằm giảm dần và tiến tới chấm dứt gieo thẳng, nghiên cứu thí điểm máy làm đất cho cây khoai tây tập trung ở một số vùng sản xuất trọng điểm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương có ý kiến đóng góp, tham gia bằng văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp bảo đảm tính hiệu quả trong thực tiễn sản xuất.

Lưu Ngần

Audio: ubnd_tinh_hop_nghe_va_cho_y_kien_040419_xong_mixdown.mp3