Thứ 4, 22/05/2024, 01:46[GMT+7]

Vũ Lăng thực hiện đồng bộ các giải pháp chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 2, 22/04/2019 | 08:21:04
937 lượt xem
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn xã Vũ Lăng (Tiền Hải) diễn biến phức tạp. Để khống chế dịch bệnh, chính quyền, nhân dân Vũ Lăng đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm hạn chế thiệt hại thấp nhất cho các hộ chăn nuôi.

Xã Vũ Lăng xử lý lợn chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Chúng tôi có mặt tại thôn Hưng Đạo - thôn xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn xã Vũ Lăng. Để hạn chế dịch tiếp tục lây lan, nhân dân trong thôn đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, khống chế bệnh dịch như: tổ chức tiêu độc, khử trùng vùng chăn nuôi, khu dân cư, tuyên truyền các hộ thực hiện nghiêm thức ăn cho lợn ăn cần được nấu chín... 

Hộ ông Ngô Văn Tự là hộ đầu tiên phát hiện lợn chết vì bệnh dịch tả lợn châu Phi từ ngày 1/4 chia sẻ: Gia đình có nuôi 1 con lợn nái là nguồn thu nhập chủ yếu trong chăn nuôi, mặc dù đã tích cực tiêu độc, khử trùng tại chuồng trại, tuy nhiên trước ngày 1/4 có vớt rau muống tại sông Sứ về cho lợn ăn, vì thế lợn mắc bệnh chết, qua mẫu xét nghiệm của cơ quan chức năng thì lợn dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Không chỉ hộ ông Tự có lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi chết, nghi lây nhiễm qua nguồn thức ăn sống mà tỷ lệ hộ dân thôn Hưng Đạo có lợn chết nhiều đều ở giáp sông Sứ. 

Ông Lê Minh Đức những ngày qua cũng hết sức bàng hoàng, không hiểu lý do con lợn nái trọng lượng 200kg chỉ ốm có mấy ngày rồi chết, mặc dù trước đó gia đình ông đều phun thuốc khử trùng 2 lần/ngày, rắc vôi bột theo đúng khuyến cáo của chính quyền xã. 

Ông Đức cho biết, trước đây khi địa phương chưa xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi thì có tình trạng lợn chết bị người dân ở địa phương khác vứt xuống sông, không được tiêu hủy đúng cách đã trôi dạt vào địa phương. Đã nhiều lần nhân dân và chính quyền vớt đem đi tiêu hủy. 

Theo ông Đức, người dân ở các địa phương khác giấu bệnh dịch và xử lý lợn chết không theo quy định, vứt lợn chết trôi sông ô nhiễm nguồn nước khiến cho công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của xã Vũ Lăng gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Duy Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Lăng chia sẻ: Tổng đàn lợn của Vũ Lăng có khoảng 6.000 con của 250 hộ dân, trong đó có 2 trang trại lợn lớn. Đến nay, Vũ Lăng đã công bố dịch bệnh theo quy định của ngành chuyên môn và áp dụng đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tính đến ngày 16/4, dịch xảy ra trên 5 thôn với số lợn chết là 250 con của 113 hộ, tổng số trên 15.000kg. Do đó, địa phương tiếp tục tuyên truyền mạnh hơn nữa, khuyến cáo người dân chăn nuôi theo hình thức giữ gìn vệ sinh môi trường, chăn nuôi an toàn sinh học. Yêu cầu các thôn phải kiểm soát chặt chẽ tình hình chăn nuôi tại các hộ, nghiêm cấm người dân giấu dịch, tẩu tán lợn bị bệnh. Giám sát chặt chẽ dòng sông chảy vào địa bàn, khi phát hiện lợn chết trôi sông người dân cần báo ngay chính quyền, cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời. Người kinh doanh không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, nghi bệnh. Khi xuất hiện lợn chết, cần báo cho chính quyền địa phương và Ban Chăn nuôi và Thú y xã để kịp thời tổ chức xử lý. Yêu cầu các hộ chăn nuôi thực hiện “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. 

Trước đó, Vũ Lăng đã thành lập 2 chốt kiểm soát giáp ranh hai xã Thượng Hiền, Lê Lợi (Kiến Xương), 1 tổ cơ động để giám sát tiêu độc, khử trùng những xe chở lợn qua địa bàn, yêu cầu quay lại không được vào địa bàn khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại địa phương. Tổ chức triển khai 5 lần phun hóa chất, rắc vôi bột tại vùng chăn nuôi, đường giao thông.

Ông Trung cho biết thêm: Vũ Lăng cũng đã quy hoạch vùng chôn lấp lợn chết tại bãi rác xa khu dân cư, đồng thời xây dựng kịch bản tình trạng khi 2 trang trại lớn xảy ra dịch bệnh. Vũ Lăng tổ chức tiêu hủy lợn ốm, chết đúng quy định, không để người dân tiêu hủy tự do, đồng thời chính quyền giao cho các thôn giám sát chặt chẽ việc thống kê đúng số lợn tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi để làm cơ sở thực hiện việc hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi, tránh xảy ra tiêu cực và tổn thất cho người dân. Tuy nhiên, Vũ Lăng cũng gặp nhiều khó khăn số lợn chết rải rác ở các thôn nên khó khăn trong việc huy động nhân lực, máy móc đào hố chôn lấp. Ngoài ra, mặc dù đã xây dựng kịch bản ứng phó nhưng khi xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 2 trang trại nuôi hơn 4.000 con lợn cũng là vấn đề nan giải, lo lắng của địa phương hiện nay.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày