Thứ 5, 16/05/2024, 06:46[GMT+7]

Ngành Ngân hàng: Chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi lợn

Thứ 5, 25/04/2019 | 08:17:16
1,480 lượt xem
Tạo điều kiện cho khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, áp dụng linh hoạt cơ chế lãi suất… là những giải pháp được ngành Ngân hàng triển khai nhằm chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi lợn khi bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát ở quy mô lớn hơn.

Gia đình chị Nguyễn Thị Duyên (xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ) chuyển sang nuôi gà sau khi 229 con lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Những ngày này, không khí u ám bao trùm gia đình anh Trịnh Công Huynh (thôn Hưng Đạo 2, xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ). Từ 1 con lợn ban đầu bị ốm chết đã buộc anh Huynh phải chấp nhận tiêu hủy cả đàn lợn với tổng số 188 con (48 con lợn nái, đực, 40 con lợn thịt, 100 con lợn con), tổng trọng lượng tiêu hủy gần 12 tấn. Điều khiến gia đình anh buồn nhất đó là trong tổng số lợn bị tiêu hủy có 30 con lợn nái chỉ chưa đầy 1 tuần nữa là đến ngày sinh đẻ. Gần như mất trắng, anh “mất ăn mất ngủ” vì lo không biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng. 

Anh Huynh tâm sự: Mặc dù đã thực hiện rất nghiêm túc công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhưng đàn lợn nhà tôi vẫn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tôi mong muốn sớm nhận được tiền hỗ trợ lợn bị tiêu hủy để có điều kiện trả nợ ngân hàng đồng thời mong ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ, từ đó gia đình sớm có điều kiện khôi phục lại sản xuất.

Cũng như gia đình anh Huynh, gia đình chị Nguyễn Thị Duyên (thôn Đồng Cừ, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ) bị bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến hơn 200 con lợn buộc phải tiêu hủy hết. Năm 2006, gia đình chị Duyên nhận 1,4 mẫu đất cấy lúa kém hiệu quả của xã để chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi tổng hợp. Từ nguồn vốn tự có của gia đình và nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng, gia đình chị đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt và đào 8 sào ao nuôi thả cá giống. Chăn nuôi mang lại hiệu quả, chị Duyên tiếp tục vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng quy mô. 

Chị Duyên chia sẻ: Chăn nuôi đang thuận lợi thì dịch bệnh phát sinh khiến cả gia đình tôi lao đao, bản thân tôi không còn việc để làm, có xin đi làm công ty thì họ cũng không nhận bởi đã nhiều tuổi, lại không có tay nghề. Gia đình tôi rất mong muốn được ngân hàng tạo điều kiện cho vay thêm vốn để chuyển hướng đầu tư, có như thế mới ổn định được cuộc sống.

Theo thống kê của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện Quỳnh Phụ Bắc Thái Bình, trong tổng số hơn 6.000 khách hàng trên địa bàn huyện vay vốn để phát triển chăn nuôi lợn với tổng dư nợ đến ngày 31/3/2019 đạt 504,574 tỷ đồng có 124  khách hàng bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng dư nợ 17,43 tỷ đồng.

Không chỉ có nông dân Quỳnh Phụ, đến ngày 22/4 cả 8/8 huyện, thành phố với tổng số 270 xã, phường, thị trấn có lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bà Phan Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh cho biết: Để gỡ khó cho người chăn nuôi lợn, thời gian qua, toàn ngành đã triển khai sâu rộng Công văn số 1901 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Theo đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra, trên cơ sở đó kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau khi dịch kết thúc; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định số 55 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh còn chỉ đạo các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn xã, phường, thị trấn có dịch chủ động phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với vốn vay theo quy định; đồng thời, chủ động tổng hợp, đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Với sự vào cuộc tích cực đó, đến ngày 31/3/2019 đã có 13,949 tỷ đồng dư nợ của cá nhân, hộ gia đình chăn nuôi lợn bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ theo Công văn số 1901, trong đó dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ 13,449 tỷ đồng và dư nợ được miễn giảm lãi vay 100 triệu đồng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn chăn nuôi lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ đó áp dụng kịp thời các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để khách hàng sớm phục hồi sản xuất.

Đến ngày 31/3/2019

  • Tổng dư nợ cho vay đối với ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đạt 2.384,177 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 75,795 tỷ đồng, dư nợ cho vay chủ trang trại 29,146 tỷ đồng, dư nợ cho vay cá nhân, hộ gia đình đạt 2.279,236 tỷ đồng;
  • Tổng dư nợ bị thiệt hại 48,488 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay chủ trang trại 3,12 tỷ đồng, dư nợ cho vay cá nhân, hộ gia đình 45,368 tỷ đồng.


Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày