Thứ 6, 03/05/2024, 22:19[GMT+7]

Biến phế liệu thành vật dụng hữu ích

Thứ 2, 23/11/2020 | 08:33:19
2,156 lượt xem
Từ những nguyên liệu tự nhiên, các loại phế liệu, nhờ tâm huyết, sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của các cô giáo mầm non trên địa bàn huyện Đông Hưng đã “biến” thành đồ dùng, đồ chơi bền, đẹp cho trẻ học tập, vui chơi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục bậc mầm non.

Đồ dùng, đồ chơi do các cô giáo Trường Mầm non Đông Kinh (Đông Hưng) tự làm luôn thu hút trẻ chơi và học.

Đến Trường Mầm non Lô Giang, chúng tôi bất ngờ và thích thú trước những mô hình đồ dùng, đồ chơi độc đáo là những con vật ngộ nghĩnh, những cây cỏ, hoa lá, củ, quả đủ màu sắc, những bộ trang phục rực rỡ, xe đạp, xe máy đủ loại và kích cỡ... do giáo viên nhà trường tự làm. Đáng nói là những món đồ chơi, đồ dùng học tập phong phú, hấp dẫn đó lại được các cô giáo làm từ các miếng xốp, giấy, vải, bìa carton và  các loại phế liệu như vỏ hộp sữa, chai nhựa, lon nước, lốp xe, nồi, chảo cũ... 

Cô giáo Nguyễn Thị Nhi, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 tuổi B, Trường Mầm non Lô Giang cho biết: Chúng tôi thường tận dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có của gia đình mình hoặc phụ huynh mang đến ủng hộ hay vỏ hộp sữa các con đã uống hết giữ lại làm đồ dạy học để trang trí lớp học và tạo các góc học tập cho các con. Mỗi năm, hàng trăm đồ dùng, đồ chơi của nhà trường được làm mới, bổ sung thêm từ cách làm đó. Trẻ có đồ chơi mới, hấp dẫn nên hào hứng hơn với việc học, còn nhà trường và phụ huynh lại tiết kiệm được một khoản kinh phí mua sắm đồ dùng, đồ chơi mới phục vụ công tác giảng dạy. Điều đáng nói là những đồ dùng, đồ chơi do các cô giáo tự làm  có tính thẩm mỹ, giá trị sử dụng cao và an toàn cho trẻ. 

Cô giáo Đỗ Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lô Giang cho biết: Năm nào nhà trường cũng tổ chức thi làm đồ dùng, đồ chơi giữa các lớp dịp chuẩn bị đón năm học mới, dịp 20/11 và khuyến khích, động viên các cô giáo thường xuyên tự làm đồ dùng, đồ chơi để tham dự hội thi do ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đồng thời làm để bổ sung đồ dùng dạy học cho trẻ. Ngay cả các em nhỏ cũng thích thú tham gia cùng làm đồ dùng, đồ chơi với cô giáo, nhờ đó tư duy, trí tưởng tượng và nhận thức về thế giới quan của các em càng phát triển. Hơn nữa, trẻ thích thú, say mê với các món đồ tự làm thì giáo viên càng có động lực để phát huy khả năng sáng tạo sử dụng đồ dùng, đồ chơi dạy học. Hàng năm, mỗi lớp đều thực hiện trên 40 loại đồ dùng, đồ chơi với các chủ đề khác nhau như gia đình, nghề nghiệp, động vật... cho trẻ chơi và học.

Các cô giáo Trường Mầm non Thăng Long (Đông Hưng) tự làm đồ dùng, đồ chơi để trang trí lớp và tạo góc học tập.

Còn tại Trường Mầm non Đông Kinh, những ngày này không khí hội thi làm đồ dùng, đồ chơi cũng đang diễn ra rất sôi động. Các con vật, đồ dùng học tập như sách vở, thước kẻ, cây cối hay những con rối đều được các cô giáo nghiên cứu, sáng tạo, tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ, từng công đoạn cắt, dán. Phải có tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ, mong muốn mang đến cho trẻ những trải nghiệm đầy lý thú các cô giáo Trường Mầm non Đông Kinh mới miệt mài, hăng say, tranh thủ cả giờ nghỉ trưa và ngày nghỉ thổi hồn vào từng sản phẩm như vậy. 

Cô giáo Phan Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Kinh cho biết: Thời gian qua, các cô giáo đã tự gom và tận dụng các nguyên liệu sẵn có, đồ phế liệu để sáng tạo ra các bộ đồ dùng, đồ chơi tham gia hội thi. Qua đó nhà trường có thêm hàng trăm bộ đồ tự làm phục vụ hoạt động dạy học.

Đồ dùng, đồ chơi đa dạng, phong phú tác động tích cực giúp trẻ phát huy tính sáng tạo, phát triển trí tuệ và thể chất. Ông Trần Đức Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Hưng cho biết: 100% trường mầm non trên địa bàn huyện phát động phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ và nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn thể cán bộ, giáo viên, trở thành một hoạt động sư phạm thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng các giờ học, tạo thêm niềm vui, hứng thú cho trẻ ở bậc học mầm non. Trong đó có nhiều trường thực hiện rất tốt, số lượng đồ dùng, đồ chơi làm ra nhiều, có sự sáng tạo qua từng năm. Các đồ dùng, đồ chơi được làm theo từng chủ đề, chủ điểm, theo các hoạt động và góc học tập của trẻ như: giúp trẻ làm quen với thơ hoặc truyện, giúp trẻ nhận biết môi trường xung quanh, bộ đồ phục vụ trò chơi cô và trò, mẹ và con, bác sĩ, nấu ăn, bán hàng; trò chơi dân gian, vườn cổ tích... nên trẻ tiếp thu nhanh. Đặc biệt, nguyên vật liệu để làm đồ dùng, đồ chơi được lấy từ thiên nhiên, dễ tìm, dễ thay thế, giá thành thấp hoặc là nguyên vật liệu, phế liệu có sẵn ở địa phương góp phần tiết kiệm kinh phí, xây dựng môi trường học thân thiện, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường.

Thu Hiền