Thứ 7, 27/04/2024, 22:07[GMT+7]

Ác quỷ thuốc mê và những vụ đầu độc kinh hoàng

Thứ 6, 17/12/2010 | 09:26:54
9,527 lượt xem
Dù đã gần 50 tuổi, thị vẫn tiếp tục thực hiện hàng chục phi vụ đầu độc, cướp tài sản khiến dư luận kinh sợ…

“Phù thủy” Đào Thị Ngừng đã gây ra hàng chục vụ đầu độc khiến dư luận kinh hoàng.

Đào Thị Ngừng, trú phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã phải sống những ngày trong trại giam vì nhiều tội danh khác nhau. Sau khi mãn hạn tù năm 2008, dù đã gần 50 tuổi, thị vẫn tiếp tục thực hiện hàng chục phi vụ đầu độc, cướp tài sản khiến dư luận kinh sợ…

 

Nhà sư cũng không tha

Công an tỉnh Long An vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Đào Thị Ngừng, chuyển hồ sơ qua Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố “phù thủy” này về tội giết người và cướp tài sản. Theo kết luận, hầu hết những nạn nhân của Ngừng đều sập bẫy do cả tin, mất cảnh giác. Ngoài ra, theo hồ sơ vụ án, các chất gây mê Ngừng dùng để đầu độc gồm: Thuốc trừ sâu furadan, thuốc mê và một số loại tân dược khác.

 

Đào Thị Ngừng (SN 1960), ngụ ở ấp 2, xã Tân Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trong khoảng thời gian hơn nửa cuộc đời của mình, Ngừng “ăn cơm tù mặc áo số” nhiều hơn là ở ngoài. Năm 1978, Đào Thị Ngừng bị đưa đi cải tạo do hành vi “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

 

Năm 1983 “phù thủy” được biết đến với những vụ gây mê kinh hãi, phải bóc lịch 5 năm về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”. Năm 1990, mới được tha nhưng Ngừng vẫn “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục phạm tội cướp tài sản.

 

Theo hồ sơ vụ án, tháng 7/1990, Ngừng đã ra tay với sư cô Nguyễn Thị Lê (chùa Quảng Bình, Q.Thủ Đức, TPHCM). Sau khi bị Công an Q.Thủ Đức khởi tố về hành vi trên, tháng 6/1991, Ngừng bị TAND TPHCM xử phạt 4 năm tù tại trại cải tạo Bố Lá. Sau hơn 4 tháng thi hành bản án tại đây, lợi dụng sơ hở của trại giam, tháng 10/1991, Ngừng đã thực hiện vụ đào tẩu ngoạn mục và tiếp tục gây ra 4 vụ cướp tài sản khác.

 

Sự nghiệp đầu độc và biệt danh “phù thủy” gây mê bắt đầu gầy dựng vào thời điểm tháng 6/1993. Thị cùng với Nguyễn Thị Xí, sau khi làm quen được với chị Dương Thị Cúc đã bỏ thuốc mê vào cà phê để cướp xe máy. Tiếp đó, tháng 7/1993, Ngừng gây mê và cướp xe máy của anh Lê Kim Sơn. Tháng 9/1993, Ngừng đến chùa Tam Bảo (huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé) gây mê ông Lê Văn Rị, ông Nguyễn Văn Hát, ông Nguyễn Văn Quý, bà Nguyễn Thị Bửng cướp xe máy, 6 chỉ vàng và 500 nghìn đồng.

 

Trước những hành vi táo tợn của Ngừng, Công an tỉnh Sông Bé đã tiến hành lập chuyên án, bắt giữ và khởi tố Ngừng về hành vi cướp tài sản vào cuối tháng 9/1993. Năm 1995, Ngừng bị TAND tỉnh Sông Bé xử phạt 15 năm tù về tội cướp tài sản, 1 năm tù về tội trốn khỏi nơi giam giữ, đồng thời buộc bị cáo chấp hành hình phạt của TAND TPHCM trước đó. Tổng hợp hình phạt mà Ngừng phải chấp hành là 18 năm 8 tháng 21 ngày tù giam.

 

Những vụ đầu độc kinh hoàng

 

Không dừng lại ở những phi vụ gây mê, “phù thủy” Đào Thị Ngừng còn gây ra những vụ đầu độc kinh hoàng làm xôn xao dư luận. Tháng 9/2008, Ngừng được ra tù trước thời hạn nhưng không ăn năn, hối cải mà ngay lập tức đi tìm mua rồi tích trữ thuốc gây mê, chờ cơ hội gây án.

 

Ngày 19/11/2008, Ngừng đến thị xã Tây Ninh, gây mê Phạm Thị Bé, Phạm Thị Đồng, Nguyễn Thị Hải cướp 4 chỉ vàng và 700 nghìn đồng. Ngày 11/2/2009, Ngừng đến chùa Pháp Tam (phường Phú Khương, TP Bến Tre) đầu độc chết trụ trì của chùa là bà Phạm Lệ Thủy rồi cướp đi nhiều tài sản có giá trị.

 

Ngoài ra, “phù thủy” này còn đến gây án ở Bến Tre sau đó bắt xe về An Giang, Tiền Giang, Đắc Lắc để thực hiện hàng loạt vụ đầu độc khác. Nạn nhân bị Ngừng đầu độc tử vong trong lần này là bà Võ Thị Xiêu (ngụ tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) và gần 10 người khác bị thương tích.

 

Chưa dừng lại ở đó, vào ngày 27/5/2009, Đào Thị Ngừng đến chùa Bạch Long (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) gặp ba sư cô là Trần Thị Phỉ (SN 1946), Nguyễn Thị Ba (SN 1941), Nguyễn Thị Tuyến (SN 1959). Ngừng xưng tên là Hà, quê ở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM.

 

Chỉ trong khoảng thời gian gần 1 ngày, sau khi kể khổ về hoàn cảnh gia đình, Ngừng đã chiếm được lòng tin của ba sư cô. Sau khi ba sư cô uống cà phê do Ngừng pha ngay lập tức bị hôn mê bất tỉnh. Sau khi cướp số tiền trong hòm công đức tại chùa, Ngừng đã tẩu thoát. May mắn là ba sư cô đã được người dân phát hiện, đưa cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.

 

Sau khi gây án ở chùa Bạch Long, Ngừng lại đến chùa Long Hòa (thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) xin tá túc một đêm. Vẫn với thủ đoạn pha ly cà phê sữa mời một số người tại chùa, Ngừng tiếp tục đầu độc, cướp tài sản. Đến ngày 29/7/2009, Ngừng đến chùa Quan Âm (thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) gặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Chơi, bà Nguyễn Thị Của ở chùa. Được ông Chơi bà Của đồng ý cho ở nhờ, Ngừng lén bỏ thuốc mê vào bình đựng nước đầu độc cả nhà ông Chơi để cướp tài sản.

 

Sau hàng loạt vụ đầu độc, cướp tài sản làm 2 người chết, hàng chục người bị thương tích, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Long An phối hợp cùng Công an tỉnh Bình Dương làm rõ vụ án. Sau nhiều ngày theo dấu “phù thủy” Đào Thị Ngừng, đến ngày 18/10/2009, lực lượng phối hợp đã bắt được Ngừng khi đang ở thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Đào Thị Ngừng đã bị di lý về Long An để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án.

Theo giadinh.vn

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày