Thứ 3, 21/05/2024, 04:25[GMT+7]

Quốc hội thảo luận tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Thứ 3, 24/10/2023 | 16:27:58
6,787 lượt xem
Sáng 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về 6 nội dung quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ngân sách nhà nước…

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tổ.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia thảo luận tại Tổ 10 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Bạc Liêu và Ninh Thuận.

Cho ý kiến về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các đại biểu cho rằng, kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Đánh giá bối cảnh thế giới và trong nhiều có nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các đại biểu cho rằng, mặc dù còn một số hạn chế nhưng những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành. Đạt được kết quả này là do có sự lãnh đạo của Đảng; sự chủ động và giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, để đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả đạt được cần bổ sung thêm hai chỉ tiêu: Dành nguồn lực rất lớn để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ngành, của các địa phương.

Dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2024 còn rất nhiều khó khăn, nhiều yếu tố bất định, đại biểu đề nghị, cùng với việc tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như đề xuất của Chính phủ, cần phải tiếp tục duy trì nỗ lực và quyết liệt hơn trong những năm tiếp theo và trong những tháng còn lại của cuối năm. Theo đó, cần khơi thông mọi nguồn lực và tận dụng mọi cơ hội chúng ta đã và đang có ở trong nền kinh tế nước ta. 

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị, cần tập trung tháo gỡ dứt điểm khó khăn vướng mắc một số điểm nghẽn liên quan đến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; tháo gỡ các dự án còn dang dở. Đồng thời, cần quan tâm và phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế; sớm trình rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, cần khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ những dự án không cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia; cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, bao gồm các luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư và có giải pháp để tiếp tục hoàn thiện theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Ngoài ra, đại biểu cũng lưu ý, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp; các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài;… Đây là những hạn chế cần sớm được khắc phục và có giải pháp mang tính căn cơ, trọng điểm thực hiện trong thời gian tới.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng khác về: Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày