Thứ 6, 26/04/2024, 12:40[GMT+7]

Thủ Trù bừng lửa

Thứ 6, 28/04/2017 | 17:38:14
975 lượt xem
Mỗi người có một niềm đam mê nhưng đam mê văn tự Hán Nôm đến quên ăn, quên ngủ thì có lẽ chỉ có anh Nguyễn Đức Siêng ở làng La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ. Anh Siêng coi các văn tự Hán Nôm ở cụm đình, đền, chùa La Vân là di sản văn hóa quý báu và là cách thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc lưu truyền hậu thế, thông qua văn tự khắc trên bia đá, chuông đồng… cùng thần tích thờ thành hoàng làng và các phúc thần trong làng có sự gắn bó mật thiết, đặc biệt trong đời sống tinh thần của cộng đồng

Anh Nguyễn Đức Siêng (người thứ 3 từ trái sang) hướng dẫn các môn sinh thực hành thư pháp.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống 8 đời Nho giáo, năm 13 tuổi Nguyễn Đức Siêng theo học chữ Hán Nôm từ người cha. Cha của anh là người thầy nghiêm cẩn căn dặn anh rằng: Trải qua những thăng trầm của lịch sử, loại hình văn tự Hán Nôm một thời bị phá bỏ, tiêu hủy, mất mát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau này khi đọc thông, viết thạo “quốc hồn” của dân tộc thì hãy nên tập hợp hiện vật còn lại ở quê hương cùng những tư liệu sưu tầm được trong và ngoài nước hãy dịch và khắc họa lại cái bóng không còn đầy đủ về diện mạo di sản Hán Nôm ở Thái Bình, nó được coi là tài sản chung bất khả xâm phạm của mỗi làng. Chưa làm được cho thiên hạ thì làm ngay ở làng quê của mình, anh Siêng tâm niệm việc đầu tiên là anh ghi chép, dịch thuật lại toàn bộ văn bản Hán Nôm ở đình, đền, chùa làng La Vân. Sau đó, anh muốn đưa di sản văn hóa Hán Nôm đến quảng đại quần chúng thưởng ngoạn đồng thời có thể học, đọc văn tự, sử dụng văn tự Hán Nôm trong việc xây dựng nơi thờ tự, phát huy vốn di sản văn hóa tiềm ẩn ở các làng quê. Anh Siêng đã tổ chức giao lưu thư pháp, mở thư pháp quán cho mọi người yêu thích Hán Nôm tham gia… Anh tâm đắc khi được sinh ra và lớn lên ở La Vân, địa danh có cụm di tích đình, đền, chùa thờ Quốc sư Nguyễn Minh Không thế kỷ XII là cao tăng được vua Lý phong Quốc sư và là người có công lao to lớn với vương triều Lý trong việc trị thủy, chống giặc ngoại xâm và mở mang vùng đất lưu vực sông Hồng. Ở làng, Quốc sư được tôn vinh là vị tổ sư của nghề đúc đồng và bèo hoa dâu nổi tiếng La Vân do vậy bức hoành ở đền La Vân ghi rõ là “Quốc sư từ”. Trong đó có văn bia ghi rằng:

Trượng súc Tây thiên lộ

Lang thu bắc địa đồng

Tính danh như dục tuấn

Giao Thủy Nguyễn Minh Không

Dịch nghĩa:

Gậy rút trời Tây nẻo

Túi thu đất bắc đồng

Họ tên ai muốn hỏi

Giao Thủy Nguyễn Minh Không

 Sử cũ ghi ông vốn quê ở Gia Viễn (Ninh Bình), chữ Giao trong văn tự trên có nghĩa là Keo cũng có nghĩa là nước cho nên chùa Keo cũng lấy nghĩa Giao Thủy, nơi đây cũng thờ Quốc sư Nguyễn Minh Không. Giao Thủy luôn có một ý nghĩa sâu nặng với đất La Vân vì nơi này là tu tập của đức thánh Nguyễn Minh Không tại đền Thủ Trù này. Theo thần phả thì “trù” có nghĩa là cái bếp, đây là nơi đun nấu đầu tiên của đức thánh Nguyễn Minh Không khi đặt chân đến vùng đất La Miên xưa.

 Trong quá trình nghìn năm Bắc thuộc, rất có thể sự xâm lăng văn hóa đã biến chữ Hán thành ký tự chung, chiếm vai trò độc tôn trong đời sống xã hội. Nhưng, sự tự tôn dân tộc Việt đã khúc xạ ảnh hưởng của loại chữ tượng hình, biết mặt mà không biết hết nghĩa này thành một loại ký tự riêng có của dân tộc: chữ Nôm. Ngược dòng lịch sử, từ đầu thế kỷ XI, nhà Lý bắt đầu chăm lo đến việc thì chữ Hán vẫn là loại hình văn tự chính thống trong giáo dục, khoa cử. Phải đến thế kỷ XIII chữ Nôm mới được hình thành. Từ thời Lý thế kỷ thứ XI đến đời Trần thế kỷ XIV thì hệ thống chữ Nôm mới thực sự hoàn chỉnh. Sử sách ghi lại một số tác phẩm đã được viết bằng chữ Nôm thời Trần có cuốn “Thiền Tông Bản Hạnh” và đến thế kỷ XVIII - XIX chữ Nôm đã phát triển tới mức cao, át cả địa vị chữ Hán. Các tác phẩm nổi tiếng như hịch Tây Sơn hay khoa thi hương dưới thời Quang Trung (1789) đã yêu cầu thí sinh làm bài thi bằng chữ Nôm. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng được viết bằng chữ Nôm. Cho đến những thập niên đầu thế kỷ XX, chữ Hán cùng với chữ Nôm là hai loại hình văn tự được dùng trong mọi lĩnh vực xã hội và đã để lại một di sản đồ sộ. Di sản Hán Nôm là một thuật ngữ cần được hiểu với nội hàm bao trùm vừa là di sản vật thể vừa là di sản phi vật thể. Theo cách phân loại truyền thống thì di sản Hán Nôm thường được phân thành hai loại chính là thư tịch Hán Nôm và văn khắc Hán Nôm. Ngoài hai loại trên cũng cần phải kể đến các loại hình văn tự Hán Nôm được viết trên các vật dụng, các đồ trang trí bằng đất nung như các đồ gốm, sứ hoặc được thêu, dệt trên các sản phẩm bằng tơ lụa… Quần thể kiến trúc đa thần giáo của làng La Miên xưa và La Vân nay còn bảo lưu khá nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo như điêu khắc trên đá và trên gỗ, nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa Hán Nôm có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa không chỉ của riêng vùng đất Thái Bình mà còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng quốc gia. Di sản văn hóa Hán Nôm còn lưu giữ ở cụm đình, đền, chùa La Vân được bảo tồn dưới dạng vải, giấy gió, gỗ, đá và đất nung, đó là các loại câu đối, đại tự, cuốn thư, bài vị, thần tích, sắc phong, bia đá, chuông, khánh đồng, gốm, sứ… So với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trong toàn tỉnh thì cụm di tích La Vân có số lượng văn bản Hán Nôm được đánh giá nhiều vào bậc nhất của tỉnh.

 Trở lại với thư pháp quán La Vân gặp anh Nguyễn Đức Siêng, người “bỏ ngủ” dịch thuật Hán Nôm và “khêu” lại bếp lửa của Quốc sư Minh Không thuở nào mới hiểu được một thực trạng rằng ngoài những thư tịch Hán Nôm sưu tập và lưu giữ được như ở La Vân thì những người biết Hán Nôm ở các làng quê cứ dần thưa vắng. Họ ra đi âm thầm đem theo cả thư viện Hán Nôm bằng xương, bằng thịt về thế giới bên kia. Cũng vì thế mà những thư tịch Hán Nôm trong các làng xã cứ vơi dần đi, một phần do mục nát, một phần người dân cất giữ làm bảo vật cho riêng mình mà không biết đó là tư liệu gì. Ở La Vân, Nguyễn Đức Siêng đã làm Thủ Trù bừng lửa.

Ông Vũ Quốc Huệ, nhà nghiên cứu Hán Nôm, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình


Nguyễn Đức Siêng tuổi còn khá trẻ, sinh năm 1973 đứng chữ Quý cầm tinh con Trâu nước, giỏi Hán tự tinh thông chữ Nôm, viết thư pháp đẹp ngang tầm với bậc thầy UNESCO thư pháp Hà Nội. Điều đáng quý ở Siêng là muốn mọi người đều hiểu biết về di sản văn hóa Hán Nôm nên anh đã không tiếc tiền của, công sức đầu tư vào niềm đam mê này.

Anh Phạm Tiến Thành, trưởng lớp thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ


Là người con quê hương La Vân, anh Siêng rất quan tâm đến hoạt động của lớp thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ, nhiều lần mở các cuộc giao lưu thư pháp để tạo điều kiện cho mọi người tìm hiểu sâu hơn về cái đẹp của Hán Nôm, một loại hình di sản văn hóa của dân tộc đáng được nâng niu, trân trọng và phát triển.

Cô giáo Đỗ Ngọc Mai, Trường Trung học cơ sở Hồng Tiến, huyện Kiến Xương


Đam mê thư pháp Việt, được biết ở La Vân có mở Hội pháp thư quán nên tôi tìm tới đây nhằm mục đích giao lưu và học hỏi thư pháp Hán Nôm. Cảm nhận về anh Siêng như một người thầy thư pháp, anh viết đẹp và chữ rất có hồn. Anh không tiếc công, tiếc của gây dựng phong trào học và viết thư pháp Hán Nôm một nghĩa cử cao đẹp, thật đáng trân trọng.



Quang Viện

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày