Thứ 7, 27/04/2024, 02:23[GMT+7]

Một ngày vui nở vạn mùa hoa đẹp

Thứ 2, 05/12/2016 | 09:03:04
2,184 lượt xem
Cách đây 55 năm, bốn cán bộ cốt cán đang làm việc ở bản tin Thái Bình là Nguyễn Văn Thủy, Vũ Văn Khánh, Bút Ngữ, Nguyễn Văn Hoa được ông Vũ Văn Hân, phụ trách bản tin thông báo Thường vụ Tỉnh ủy đã có quyết nghị chuyển bản tin Thái Bình lên báo của Đảng bộ tỉnh và các ông sẽ cùng ông Vũ Văn Hân chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật và tòa soạn để ra số báo đầu tiên vào ngày 1/1/1962.

Phố Đồng Lôi - nơi Báo Thái Bình sơ tán tránh bom Mỹ những năm tháng ra số đầu.

 

Chỉ một thông báo ngắn gọn nhưng đã tác động mạnh đến tâm lý của các ông bởi nếu bản tin lên báo có nghĩa các ông sẽ trở thành nhà báo, sẽ được thỏa chí viết tin, viết bài, chụp ảnh, được đi khắp nơi trong tỉnh. Và, cũng có nghĩa là từ bản tin khổ nhỏ như cuốn vở học sinh, lên báo khổ to gấp nhiều lần, tin, bài nhiều hơn thật là điều vui mừng khó tả đối với những cán bộ làm bản tin bấy lâu. Nhưng vạn sự khởi đầu nan, nhân sự làm báo ra sao, đưa tin, duyệt bài thế nào và quan trọng là măng-sét báo lấy tên là gì để khi đưa ra duyệt lãnh đạo không bị bỏ đi làm lại là vấn đề vô cùng khó khăn trong điều kiện chiến tranh, cơ sở vật chất lạc hậu, thông tin hạn chế. Ông Vũ Văn Hân với vai trò “nhạc trưởng” lãnh đạo trực tiếp tờ báo tương lai của tỉnh đã làm đề án nhân sự đề nghị đồng chí Ngô Duy Ðông, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm báo, ông Vũ Văn Hân được Bí thư Tỉnh ủy giao trọng trách phụ trách báo kiêm trưởng ban thư ký tòa soạn.

Nhà văn Bút Ngữ, một trong những cán bộ, đảng viên của tờ tin Thái Bình được tuyển chọn làm phóng viên, biên tập Báo Tiến lên những ngày đầu tiên nhớ lại, lúc ấy ông Vũ Văn Hân được giao đặc trách thực hiện chủ trương nâng cấp tờ tin Thái Bình thành báo của tỉnh, ông Nguyễn Văn Thủy xây dựng đề án đưa tin lên báo..., tất cả đều bỡ ngỡ và không có mẫu hình báo bạn để học tập. Ông Hân liền cử ông Thủy lên Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương để hỏi ý kiến rồi sang Báo Nhân Dân học hỏi kinh nghiệm. Nhân có cuộc họp cộng tác viên bản tin, ông Hân cho anh em đóng góp ý kiến. Về măng-sét báo, có nhiều ý kiến tham gia, người thì đặt là “Nhân Dân Thái Bình” bởi vì có “Nhân Dân Trung ương” thì ở tỉnh phải đặt là “Nhân Dân Thái Bình”, người khác lại đặt là “Thái Bình quyết thắng”, “Thái Bình quật khởi”, “Thái Bình sán lạn”... nhưng cũng có ý kiến trung thành với bản tin Thái Bình, cho rằng cần đặt tên báo là “Báo Thái Bình” để kế thừa truyền thống của bản tin Thái Bình... Có một ý kiến đề nghị để phát huy truyền thống cách mạng của tỉnh nên chọn tên báo cũ của Ðảng bộ tỉnh từ thời trước Cách mạng Tháng Tám là Tiến lên, sau đó Tiến Lên được chọn làm măng-sét báo. Vốn có kinh nghiệm phụ trách tờ tin Tả Ngạn, ông Vũ Văn Hân cùng ông Nguyễn Văn Thủy bàn bạc rồi tự viết xã luận, biên tập tin, phối hợp cộng tác viên về ảnh đem lên Hà Nội làm bản kẽm mang về chờ in. Các ông Văn Hoa, Bút Ngữ, Vũ Văn Khánh... được điều động đi viết tin, bài. Tòa soạn cũng vừa kịp xin thêm ông Lê Trọng về làm biên tập viên, ông Hữu Tháp biên chế hành chính và ông Ðỗ Ðạo họa sĩ trình bày báo. Tin, bài, ảnh và măng-sét Báo Tiến Lên được trình bày khá đẹp mắt, rõ ràng, chuẩn chỉ. Lúc này, mọi người trong tòa soạn hồi hộp và chờ đợi phê duyệt của lãnh đạo tỉnh. Ông Vũ Văn Hân mặt rạng rỡ nhưng không giấu nổi nét đăm chiêu pha chút lo lắng. Bao nhiêu năm phụ trách tờ tin Tả Ngạn, có lúc bút chiến với tư tưởng hữu khuynh, tả khuynh ông không thấy bồn chồn vậy mà sao lần này chuẩn bị ra số báo đầu tiên với ông hồi hộp, thiêng liêng quá. Rồi buổi duyệt báo cũng diễn ra dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm báo Ngô Duy Ðông. Không có phê bình, nhắc nhở, tất cả các ý kiến đều đồng thuận, tán thành. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Ðông còn tỏ ý tin tưởng vào ông Vũ Văn Hân và trợ lý Nguyễn Văn Thủy. Số báo đầu tiên được in tại nhà in Tỉnh ủy đánh dấu bước trưởng thành của nhà in bởi từ trước nhà in Tỉnh ủy vẫn in bản tin lưu hành nội bộ, nay đảm trách việc in báo của tỉnh, tinh thần làm việc của cán bộ, công nhân nhà in phấn khởi rõ rệt. Ngày 1/1/1962, số báo đầu tiên được in thử hai lần, in hai màu mấy chục bản xem trước để đánh giá, rút kinh nghiệm nhưng xem ra báo cũng đã có thể phát hành tới bạn đọc được. Mọi người trong tòa soạn vỡ òa niềm vui. Ông Hân rất vui nhưng vốn là người kín đáo ông biết giấu cảm xúc bởi bao nhiêu năm phụ trách tờ tin Tả Ngạn rồi tờ tin Thái Bình, từ bản tin khổ nhỏ, chữ nhỏ, chủ yếu là tin vắn nay tờ báo lớn gấp nhiều lần, măng-sét hẳn hoi, có tin, có bài, có ảnh minh họa... đẹp và phong phú về nội dung, không vui sao được. Nhưng có lẽ vui nhất vẫn là những người có tin, bài, ảnh được đăng trong số báo đầu tiên ấy. Báo in xong đặt ngay ngắn trên bàn cuộc họp tổng duyệt trước khi phát hành. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Ðông gương mặt rạng ngời lật đi lật lại các trang báo, xem kỹ từng chú thích ảnh và những dòng tít tin, bài. Một hồi lâu, Bí thư Tỉnh ủy đặt bút phê “Ðược”. Báo chính thức được phát hành. Nhà báo Ðỗ Vượng, nguyên phóng viên Báo Thái Bình thế hệ thứ hai sau các bậc lão thành có công gây dựng sự nghiệp Báo Thái Bình như nhà báo Vũ Văn Hân, Nguyễn Văn Thủy, Nguyễn Văn Hoa, Bút Ngữ... trước lúc đi xa đã để lại những dòng cảm xúc ghi nhớ kỷ niệm một lần được vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông xúc động, mắt nhòa lệ khi nhìn thấy trong tủ kính nhỏ lưu giữ kỷ vật của Bác đặt trân trọng mấy bài báo cắt từ Báo Thái Bình tiến lên viết về gương người tốt, việc tốt, ông có cảm giác như đã từng được tới gần Bác khi Bác quan tâm tới Báo Thái Bình, đọc báo và gửi thư khen cùng huy hiệu của Người cho những người có thành tích xuất sắc được Báo Thái Bình biểu dương.

55 năm kể từ ngày ra số báo đầu (1/1/1962), thời kỳ đầu đất nước đứng trước yêu cầu lớn lao của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam, bắt đầu từ năm 1961, năm mở đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, các phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa sôi nổi, mạnh mẽ trên khắp các lĩnh vực. Phát huy truyền thống của tờ Báo Tiến Lên trong thời kỳ mặt trận dân chủ, Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định nâng bản tin Thái Bình thành Báo Tiến Lên, tờ báo chính thức là cơ quan ngôn luận của Ðảng bộ tỉnh. Ðến tháng 2/1963, Báo Tiến Lên đổi thành Thái Bình tiến lên, phát hành 5 ngày một kỳ. Chập chững đi những bước đầu tiên trong sự nghiệp báo chí, Báo Tiến Lên và Thái Bình tiến lên đã nhanh chóng khẳng định vai trò là cơ quan ngôn luận của Ðảng bộ tỉnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình. Báo được bạn đọc yêu mến và trao gửi niềm tin bởi bạn đọc ghi nhận Báo Thái Bình luôn là nhịp cầu công luận giữa Ðảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Có được thành quả lớn lao đó, bạn đọc sẽ không quên một ngày đầy ý nghĩa nở đẹp vạn mùa hoa và một người có công lớn nhưng thầm lặng cống hiến, gây dựng nên sự nghiệp báo chí tỉnh nhà, đó là cố nhà báo lão thành Vũ Văn Hân cùng những cộng sự đắc lực của ông. Năm 1972, trước yêu cầu của thời kỳ cách mạng mới, Báo Thái Bình tiến lên đổi thành Báo Thái Bình cho đến ngày hôm nay.

Nhà văn Bút Ngữ, 87 tuổi, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Thái Bình tiến lên

Số báo đầu tiên thập niên sáu mươi của thế kỷ hai mươi ấy tới nay là Báo Thái Bình tiến bộ không ngừng, “thông dòng, bến giọt”, đều đặn, số sau tiếp số trước, kể cả những năm chiến tranh tòa soạn phải chuyển đi sơ tán tránh bom Mỹ ở Ðồng Lôi (Kỳ Bá, thành phố Thái Bình), Ðông Hoàng (Ðông Hưng), Lễ Nghĩa (Tiên Hưng, Ðông Hưng)… Ngày nay, Báo Thái Bình trưởng thành vượt bậc, in bốn màu, giấy đẹp, ảnh đẹp, chữ nét, nội dung phong phú, phát hành hàng ngày, mở báo ra như Báo Nhân Dân, diện mạo và nội dung đều lưu tâm người đọc. Nhưng dấu ấn kỷ niệm tờ báo ra số đầu ấy quả là có tác dụng mở đầu đáng nhớ. Bảy anh em làm số báo đầu tiên ra ngày 1/1/1962 nay chỉ còn hai, tôi và ông Lê Trọng. Trong những người đã ra đi mãi mãi có cụ Hân (cố nhà báo Vũ Văn Hân) là người nhiều công lao đóng góp cho số báo đầu tiên nhất.

Nhà báo Lê Trọng, nguyên Tổng biên tập Báo Thái Bình

Trong những ngày chuẩn bị ra số báo đầu tiên, vạn sự khởi đầu nan, ngoài tổ chức tòa soạn, biên tập, in ấn là đến công tác phát hành, tôi cùng hai nhà báo Vũ Văn Hân và Nguyễn Văn Thủy thay nhau làm công tác đưa báo đến bạn đọc. Phải kết hợp với Ban Tuyên huấn, Ty Văn hóa - Thông tin và Bưu điện tỉnh để phát hành báo đến các cơ sở trong tỉnh. Kỷ niệm không quên về những ngày gian khó làm số báo đầu tiên ấy chính là bước ngoặt từ tờ tin nhỏ bé lên tờ báo khổ lớn thật “sướng mắt, sướng lòng”.

Quang Viện

 

  • Từ khóa