Thứ 7, 27/04/2024, 11:48[GMT+7]

Hội xuân ở Quỳnh Khê

Thứ 2, 07/03/2016 | 09:11:21
1,216 lượt xem
Xã Quỳnh Khê (Quỳnh Phụ) có bốn thôn: Đà Thôn, Chung Linh, Kỳ Trang, Ngẫu Khê. Từ xa xưa, người dân Quỳnh Khê đã có tục thờ những người có công với dân, với nước làm thành hoàng. Hàng năm, vào dịp đầu xuân, các làng đều mở hội để tưởng nhớ các vị thành hoàng. Lễ hội có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như đánh gậy, vật, chơi cờ, kéo thuyền trên cạn…, hát chèo, hát dân ca…, trong đó có một số trò chơi đặc sắc.

Múa giáo cờ giáo quạt. Ảnh: Thành Tâm

Trò "Vờn đầu" ở thôn Chung Linh

Thôn Chung Linh thờ năm vị thành hoàng, trong đó có Tam công Đào Viên, Đào Đức, Đào Kỳ, có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Hán (40 - 43) và hai vị Phạm Trịnh, Phạm Thụy có công dẹp loạn cuối thời Lý, đầu thời Trần. Ngoài công lao đánh giặc giữ nước, các vị còn giúp dân khẩn hoang lập ấp. Sau khi các vị "hóa", dân làng đã lập đền, miếu để thờ. Làng Chung Linh xưa có một ngôi đình và năm ngôi miếu. Hàng năm, dân làng vẫn mở hội từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 6 tháng Giêng để nhớ về công lao của các vị thành hoàng. Trước ngày vào hội, các giáp phải tổ chức rước các vị thần từ các miếu về đình.

Hội đình làng Chung Linh bao giờ cũng có tục "Vờn đầu". "Đầu" được làm bằng củ cây chuối hột. Từ trước tết (30 tháng Chạp), dân làng đã tổ chức tế "đầu" ở tư dinh của thành hoàng, dân gian vẫn gọi là "đền trần". Đền được đặt trên nền cao, chỉ có tường xây bao quanh, trông xa như một chiếc mũ quan thái sư. Sau khi tế ở "đền trần", "đầu" được đưa về đặt trên bàn thờ ở đình trong ba ngày tết Nguyên đán. Ngày mùng 4 tết khai hội, "đầu" được các giai em (trai đinh tròn 18 tuổi) ở sáu giáp trong làng thay nhau đến vờn rồi rước ra "Cầu Lồ". "Cầu Lồ" là một hố tròn ở giữa sân đình, vừa khít với "đầu". Giai em đứng xếp hàng ở hai phía trên sân, mỗi bên 10 người, theo hiệu lệnh sẽ tranh nhau vào lấy "đầu" lên khỏi hố, giai em nào lấy được "đầu" là thắng. Sau đó, "đầu" được rước trở lại và được thả xuống giếng nước sâu cạnh "đền trần". Đây xưa là nước giếng ăn của làng. Dân làng, mọi nhà ra giếng lấy nước về ăn để lấy may.

Múa kéo chữ. Ảnh: Thành Tâm

Trò "Dồn Phết" ở thôn Ngẫu Khê

Làng Ngẫu Khê thờ ba vị thành hoàng là Phạm Đinh, Phạm Thanh và Phạm Hoài có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập ra nhà Đinh. Hàng năm, hội làng được tổ chức từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 6 tháng Giêng, trong hội có tục "Dồn Phết".

"Phết" được làm bằng củ tre, gọt đẽo như một chiếc mõ tre do một cụ cao tuổi, có uy tín trong làng cất giữ. Ngoài ra, có một cây nêu dài 2 mét, bên trên buộc lá tre, lá dừa. Nơi chơi "Dồn Phết" là đống Cổ Bồng rộng vài trăm mét vuông. Giai em thuộc ba giáp tham gia, một giáp đứng thành vòng tròn giữ lấy cây nêu, hai giáp còn lại tranh nhau giành "Phết" do già làng ném ra, ném vào cây nêu. Cuộc chơi luân phiên giữa ba giáp giữ cây nêu và giành "Phết". Giáp nào vừa giành được nêu, vừa giành được "Phết", cắm cây nêu vào củ "Phết" đem ra trồng ở cánh đồng Hoẻn là thắng cuộc. Trò chơi này diễn ra trong ba ngày tết, các giáp phải nhường nhau để có một giáp thắng cuộc.

Trò "Kéo thuyền trên cạn" ở thôn Kỳ Trang

Thôn Kỳ Trang thờ thần Cao Sơn và Quý Minh, những vị tướng có công giúp Hùng Duệ Vương đánh giặc từ hơn 2.200 năm trước. Ngoài hai vị thần từ thời Hùng Vương, thôn còn thờ một vị phúc thần là Nguyễn Phục, ông đã có công vận chuyển quân lương theo vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đi đánh quân Chiêm Thành vào lấn cõi. Trong một lần đốc vận quân lương, thuyền lương bị mắc cạn ở đoạn sông gần Kỳ Trang, dân làng đã hò nhau ra sông cùng quân lính kéo thuyền lương ra khỏi vùng cạn.

Một lần, trên đường vận chuyển lương vào Nam, gặp bão trên biển, Nguyễn Phục đã hy sinh. Nhớ công ơn ông, dân làng Kỳ Trang đã lập đền thờ, triều đình ban phong cho ông là Nam Hải Đại Vương.

Hàng năm, nhân ngày ông mất, dân làng mở lễ hội để tưởng nhớ về ông, trong lễ hội bao giờ cũng có trò chơi "Kéo thuyền trên cạn".

Những trò chơi dân gian ở Quỳnh Khê có lịch sử từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê..., tương ứng với chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của đất Quỳnh Khê, chứng tỏ từ lâu người dân nơi đây đã có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị những di sản văn hóa của dân tộc.

Phạm Minh Đức
(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày