Thứ 6, 26/04/2024, 22:12[GMT+7]

Chiến lũy lòng dân

Thứ 2, 17/04/2017 | 09:04:47
2,616 lượt xem
Xã Nguyên Xá (Đông Hưng) nằm cạnh ngã ba quốc lộ 10 và quốc lộ 39, có sông Tiên Hưng chảy qua tạo thuận lợi phát triển kinh tế, giao thông và quân sự.

Chính vì thế mà những năm cuối thập kỷ 40 đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX thực dân Pháp với quyết tâm bình định vùng đồng bằng Bắc Bộ, đánh chiếm đồng bằng liên khu III và khu tả ngạn sông Hồng đã thực hiện nhiều cuộc càn quét, đốt phá làng mạc hòng cắt đứt chi viện cho quân đội Việt Minh. Nguyên Xá bỗng dưng lọt vào vòng vây của 14 vị trí chiếm cứ mà giặc Pháp nhắm tới. Dân quân, du kích Nguyên Xá đã tập hợp dân chúng kiên cường đánh giặc, giữ đất, giữ làng.

Từ xa xưa, người ta quen gọi Nguyên Xá là làng Nguyễn chứ theo các cụ cao niên ở đây thì thực chất thời kháng chiến chống thực dân Pháp Nguyên Xá có ba thôn và 36 trại nhỏ ghép lại, đồng thời chia các làng thành ba cổng: Bắc, Nam và Tây. Địa thế trọng yếu có quốc lộ 10 và quốc lộ 39 chạy qua có dòng sông Tiên Hưng uốn lượn, cách phố Tăng không đáng mấy bước chạy, do vậy giặc Pháp xem Nguyên Xá là vị trí chiến lược hết sức quan trọng cần phải chiếm giữ và xóa sạch dấu tích của làng mạc cổ vốn là thành trì nuôi dưỡng Việt Minh, đội quân gan dạ và cảm tử của nhân dân thà chết chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.

Ngày giặc Pháp chưa tràn tới đốt phá làng quê, Nguyên Xá có đình Thượng, đình Đoài, đình Trại thờ “Ngũ vị thượng đẳng thần”, văn từ Quếch và vô số miếu thờ thần sông, thần đất… với bề dày nghìn năm lịch sử. Các cụ cao niên vẫn kể lại cho con cháu nghe về những cột gỗ lim to bóng loáng mấy người ôm ở đình Thượng, đình Đoài. Chiều ngả bóng, bầu trời xanh nhuốm màu hoàng hôn như được nhấc bổng lên cao để lộ mái đình Thượng uy nghi, tráng lệ và thâm kính ấy thế mà giặc Pháp nã pháo phá tan ngôi đình cổ. Lửa cháy ngút trời, chim muông bay tán loạn, kêu than như xé toạc trời chiều. Làng mạc Nguyên Xá không còn màu xanh của cây lá muôn thuở thanh bình, chỉ còn màu đen của cây cháy, nhà thiêu… Nguyên Xá bắt đầu vào cuộc kháng chiến giữ đất, giữ làng. Trước sự tàn phá của pháo địch, nhân dân Nguyên Xá căm phẫn tột cùng, dưới sự chỉ huy của Chi bộ đảng, dân quân, du kích cùng nhân dân rào làng kháng chiến, đào hào vòng quanh làng thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng. Không khí chuẩn bị kháng chiến sục sôi khắp cả xóm làng. Làng kháng chiến được chỉ đạo xây dựng ở ba thôn Bắc Lạng, Nam Ninh và Đông Khê dựa vào ba con ngòi bao quanh ba thôn và một số ao sâu để hình thành chướng ngại vật vòng ngoài cản ngăn bước quân thù. Xóm làng nào xa ngòi, ao sâu thì đào lạch nối thông tạo thành hệ thống giao thông hào bao kín sát chân dậu tre có sẵn. Nơi nào chưa có tre, chi bộ và chính quyền chỉ đạo lực lượng đánh tre về trồng. Lực lượng thanh niên làm nòng cốt đào hào, đắp lũy, đánh mống tre, xây ụ chiến đấu. Các cụ già phụ việc cùng con cháu sửa đường hào, sửa hầm cho chắc chắn, chẻ lạt, buộc dậu tre cho thêm vững chắc. Các cháu thiếu nhi được giao nhiệm vụ liên lạc, biểu diễn văn nghệ tuyên truyền, cổ động cha anh phục vụ công trường xây dựng làng kháng chiến. Kết quả sau một tháng thực hiện rào làng kháng chiến, các lũy tre nhanh chóng được dựng lên, dậu tre đắp lũy đất cao 1,5m, chân lũy dày 2m, phía trong lũy đất là giao thông hào với nhiều hố hầm ếch bố trí các ụ tác chiến. Quanh các xóm hình thành lũy tre dày, 36 lối vào các xóm cũng được làm cổng có lũy tre dày bao bọc. 

Làng kháng chiến Nguyên Xá hình thành với khối lượng 16.427m³ đất đào đắp; 13,2km giao thông hào; 24,7km lũy tre hóa và 24.812 hố, hầm cá nhân. Làng kháng chiến Nguyên Xá thực sự là chiến lũy xanh giữa đồng bằng. Ngoài xây dựng làng kháng chiến, Nguyên Xá còn thực hiện tốt lệnh tiêu thổ kháng chiến của trung ương. Công tác xây dựng lực lượng vũ trang được đặc biệt coi trọng, Chi bộ đảng tổ chức cuộc “niêm gậy”, một hình thức tổ chức hoạt động vũ trang nhằm phát huy tinh thần thượng võ của dân tộc. Không phân biệt giai tầng xã hội, trong làng hễ ai đủ 18 tuổi đến 45 tuổi đều tham gia hoạt động vũ trang này. Từ phong trào rào làng kháng chiến của làng Nguyễn đã lan tỏa tinh thần chiến đấu ra toàn xã Nguyên Xá. Thời điểm đó toàn xã Nguyên Xá có 847 người tham gia lực lượng vũ trang biên chế thành 17 trung đội tự vệ kháng chiến (còn gọi là du kích tập trung). Xã duy trì một đội du kích, trong đó có 36 thiếu niên du kích kiêm liên lạc; 12 du kích mật, một đội du kích xung phong cản địch được chọn từ đội tự vệ kháng chiến xã.

Cuối năm 1949, đầu năm 1950 mọi công tác chuẩn bị kháng chiến đã hoàn tất. Lực lượng vũ trang và nhân dân Nguyên Xá đoàn kết một lòng sẵn sàng chờ giặc đến. Đầu tháng 2/1950, quân Pháp đổ bộ 5.000 quân vào Thái Bình nhanh chóng chiếm đóng nhiều cứ điểm quan trọng. Bên kia cầu Nguyễn, một đại đội lính Pháp đóng quân, xây dựng đồn bốt. Du kích Nguyên Xá được lệnh phân tán lực lượng địch. Du kích Nguyễn Văn Nuôi dũng cảm dùng mã tấu và lựu đạn tấn công bốt địch, bị địch bắt tra tấn dã man và bắn chết, phải mấy ngày sau nhân dân Nguyên Xá mới lấy được thi hài người du kích dũng cảm, kiên cường tấn công quân giặc cướp nước. Ngày mồng một tết Canh Dần, tức ngày 17/2/1950, giặc Pháp huy động 400 quân tiến đánh Nguyên Xá, quân lính ồ ạt vào phá lũy tre, du kích được lệnh bắn ra làm quân giặc hoảng sợ. Chúng nã pháo vào làng, lực lượng vũ trang Nguyên Xá bắn tỉa từ trong ra làm thương vong quân địch khiến chúng không thể vào làng. Giặc Pháp dùng một số lượng lớn súng đạn hòng uy hiếp tinh thần lực lượng kháng chiến Nguyên Xá nhưng đều vấp phải sự kháng trả quyết liệt của du kích, cuối cùng quân Pháp phải rút khỏi chiến lũy Nguyên Xá.

Sau gần hai năm trực tiếp chiến đấu chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai (từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1952) với bao gian khổ, hy sinh, mất mát, lực lượng vũ trang và nhân dân Nguyên Xá đã anh dũng, đoàn kết một lòng tiêu diệt địch và hướng về cách mạng. Tại hội nghị toàn quân tháng 4/1952, Chi bộ đảng và lực lượng vũ trang cùng nhân dân Nguyên Xá vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thêu 5 chữ vàng: “Nguyên Xá - Làng kiểu mẫu”.



Ông Nguyễn Hữu Yến, cựu du kích làng kháng chiến Nguyên Xá, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng

Từ một thiếu niên làm liên lạc, tôi trưởng thành thành một du kích tham gia đào đắp gần ba cây số chiến lũy, rào làng kháng chiến. Bên ngoài đào hào sâu, bên trong là lũy tre dây ken dày được huy động ở Phong Châu, Phú Lương… người dân nơi đây đánh tre giúp đỡ Nguyên Xá rào làng kháng chiến. Hào đào sâu nhưng không đào rộng để tránh giặc lợi dụng chiến lũy của ta nếu xe tăng của địch tràn vào thì đầu xe tăng chúi xuống không ngóc lên được. Khi lính Pháp đổ bộ vào thì du kích của ta bắn ra, nếu chúng cố tình xé dậu tre vào làng thì mũi tuyết, giáo mác của ta đâm chết quân thù.


 


Ông Nguyễn Quang Quý, Thượng tá công an nghỉ hưu, cựu du kích làng kháng chiến Nguyên Xá, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng

Chúng tôi phải vừa sản xuất vừa chiến đấu. Thường ngày chúng tôi giả vờ người vỡ đất trồng lúa, tôi với ông Yến, ông Hiền, ông Lệ, bà Hồng, bà Chín trong tổ quân báo vào sát chân bốt cuốc đất thám thính tình hình địch để báo cho cấp trên chỉ đạo đánh giặc. Quân địch chủ quan khinh thường nhưng thực chất mọi di biến động của địch đã được chúng tôi nắm vững ngay từ đầu, nhất là những thông tin về tình hình địch từ bốt của địch đóng sát cạnh cầu Nguyễn. Chính vì thế mà nhiều trận càn của quân địch bị ta đánh bại và làng kháng chiến Nguyên Xá trở thành một pháo đài xanh giữa đồng bằng đồng thời là nỗi khiếp đảm với quân xâm lược Pháp.  

Ông Phạm Hùng Cường, Bí thư Đảng ủy xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng

Vinh dự và tự hào về truyền thống đánh giặc giữ làng, cán bộ, nhân dân Nguyên Xá không bao giờ quên những tháng năm cùng đồng bào cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc, giải phóng quê hương. Với bề dày truyền thống cách mạng, đặc biệt là chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Nguyên Xá đã biến thôn làng của mình thành pháo đài chống giặc, trở thành biểu tượng anh hùng khiến quân thù khiếp sợ. Ngày nay, Nguyên Xá không ngừng đổi thay đã được UBND tỉnh công nhận là xã nông thôn mới.


Quang Viện