Chủ nhật, 05/05/2024, 08:59[GMT+7]

Hoàn thiện Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ 3, 31/10/2023 | 16:44:28
15,569 lượt xem
Sáng ngày 31/10, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện VIII). Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh dự tại điểm cầu Thái Bình.

Việc ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch điện VIII; xác định danh mục các dự án, quy mô công suất theo loại hình nguồn điện, giải pháp để triển khai từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong triển khai thực hiện. Đồng thời định hướng các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.

Quy hoạch điện VIII tập trung vào tính toán, phân tích, đánh giá, xác định quy mô, tiến độ; phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch. Trong đó, danh mục dự án nguồn điện đến năm 2023 gồm: tổng công suất thủy điện 29.346MW; tổng công suất nhiệt điện than 30.127MW; tổng công suất nhiệt điện LNG 22.400MW; tổng công suất điện gió trên bờ 21.880MW; tổng công suất điện sinh khối, điện sản xuất từ rác 2.270MW, đối với nguồn điện linh hoạt dự kiến phát triển 300MW… Mục tiêu cụ thể về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050. 

Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung chủ yếu của Kế hoạch như: Danh mục các dự án nguồn điện đến năm 2030; công suất các nguồn năng lượng tái tạo của địa phương, các loại hình nguồn điện; danh mục các dự án lưới điện; các đề án, dự án ưu tiên về hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện; nhu cầu vốn đầu tư…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Quy hoạch điện VIII là quy hoạch rất quan trọng để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ nguồn và lưới điện, bảo đảm vững chắc về an ninh cung ứng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng an ninh. 

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch bảo đảm toàn diện, bám sát Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch điện VIII; tiếp tục phân tích cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, có lộ trình thực hiện đối với từng nội dung Kế hoạch; đồng thời nghiên cứu, rà soát lại các tiêu chí, các phương án phát triển nguồn điện, phát triển lưới điện, liên kết lưới, định hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, bảo đảm khả thi khi triển khai, góp phần thực hiện mục tiêu cao nhất không để thiếu điện trong mọi hoàn cảnh.

Thanh Thuỷ