Thứ 5, 02/05/2024, 02:03[GMT+7]

Ðánh thức tiềm năng, lợi thế về đầu tư

Thứ 3, 13/05/2014 | 08:31:27
1,605 lượt xem
Ðể phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua Thái Bình đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đồng thời cải cách thủ tục hành chính, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Do đó đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Nhà máy sản xuất Amonitrat tại xã Thái Thọ (Thái Thụy). Ảnh: Ngọc Linh

 

Thái Bình là tỉnh đồng bằng ven biển phía Nam đồng bằng sông Hồng cận kề với khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. Ðể phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua Thái Bình đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đồng thời cải cách thủ tục hành chính, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Do đó đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

 

Thái Bình là tỉnh ven biển có điều kiện tự nhiên, sinh thái rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh và công nghệ cao, là trọng điểm sản xuất lúa màu của vùng Bắc Bộ. Sản lượng lương thực của Thái Bình lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng với trên 1 triệu tấn thóc/năm, đủ để cung ứng trong tỉnh và phục vụ xuất khẩu. Với bờ biển dài 54km, bãi triều rộng lớn thuận lợi cho nuôi trồng thủy, hải sản, phát triển khu kinh tế biển và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Thái Bình cũng là tỉnh có dân số đông, có nguồn lao động dồi dào với trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động. Nhiều công trình trọng điểm đã được Chính phủ quy hoạch và triển khai xây dựng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như đường ven biển, đường và cầu Hà Nam - Thái Bình, đường sắt Hải Phòng - Thái Bình - Nam Ðịnh.

 

Hiện tại cảng biển quốc gia Diêm Ðiền (Thái Thụy) đang có dự án cải tạo, nâng cấp cảng để tàu trọng tải trên 1.000 tấn ra vào. Là tỉnh giàu nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có mỏ khí đốt Tiền Hải cung cấp 30 - 40 triệu m3/năm đang triển khai dự án dẫn khí ngoài khơi cách bờ biển Thái Bình khoảng 70km phục vụ cho khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải, dự kiến năm 2015 sẽ đưa khí vào bờ. Ngoài ra, còn có mỏ than nâu nằm ở độ sâu 650 - 1.200m, trữ lượng khoảng 210 tỷ tấn sẽ được đưa vào khai thác theo phương pháp khí hóa than.

 

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Bia Hà Nội - Thái Bình tại Khu công nghiệp Sông Trà (thành phố Thái Bình). Ảnh: Thành Tâm

 

Với tiềm năng, thế mạnh và quyết tâm của các cấp chính quyền, trong những năm qua đã có 700 doanh nghiệp đầu tư vào KCN và các vùng nông thôn của tỉnh với vốn đầu tư trên 75.000 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn như Trung tâm Ðiện lực Thái Bình 3,4 tỷ USD theo kế hoạch sẽ phát điện tổ máy đầu tiên vào cuối năm 2015 và Nhà máy sản xuất Amonitrat công suất 200.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư là 280 triệu USD, dự kiến cuối năm 2014 sẽ cho ra sản phẩm.

 

Hiện nay, một số KCN đã có “đất sạch” và đang kêu gọi đầu tư như KCN Sông Trà, KCN Cầu Nghìn và KCN Tiền Hải. Thái Bình đang thực hiện khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, chế tạo thiết bị cơ khí chính xác và các cấu kiện, linh kiện điện tử, các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ; sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP quốc tế; chế biến nông sản thực phẩm; đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, CCN.

 

Ông Atsusuke Kawada,  Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết: “Thời gian gần đây, chúng tôi đã kịp thời trao đổi với tỉnh về các khó khăn vướng mắc của 3 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Thái Bình. Qua đây tỉnh đã đưa ra những phương hướng giải quyết, có sự vào cuộc tích cực và quyết tâm mạnh mẽ, đồng thời cũng có những mục tiêu, định hướng rất quan trọng để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào địa bàn. Thái Bình đã thiết lập bộ phận một cửa rất tốt tại UBND tỉnh và đã được đánh giá rất cao. Phía Nhật Bản có 3 nguyện vọng chính khi đầu tư vào Thái Bình là mong muốn tỉnh cải thiện cơ sở hạ tầng về đường, điện, nước; tạo môi trường sinh hoạt thuận tiện cho người Nhật qua việc thiết lập nhà hàng ăn uống phục vụ người Nhật; xây dựng khu nhà ở cho người lao động.

 

Ðể thu hút được các nhà đầu tư của Nhật vào tỉnh, phía đại diện Nhật Bản mong trong thời gian tới Thái Bình nên nghiên cứu thiết lập đường dây nóng liên lạc trực tiếp với doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh nên có cách tiếp cận với các doanh nghiệp của Nhật Bản nhiều hơn bằng việc thông qua đội ngũ báo chí Nhật Bản để có những bài viết giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế ưu đãi đầu tư của tỉnh bằng tiếng Nhật.

 

Còn đối với Công ty TNHH Khai phát Ðài Tín, ông Thái Thụy Ðiển, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Hơn 10 năm qua, Công ty đã được UBND tỉnh giao cho 100ha để đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN Phúc Khánh. Phần phân khu do Công ty quản lý có 23 doanh nghiệp Ðài Loan thuê đất để sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy đã đạt 100%. Hiện nay Công ty đã hoàn thành kêu gọi đầu tư vào KCN, các doanh nghiệp đã sản xuất đa ngành nghề như cơ khí, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng gia dụng, văn phòng phẩm. Các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu đi các nước trên thế giới và một phần tiêu thụ trong nước. Lý do để Công ty lựa chọn Thái Bình đầu tư là ngoài những tiềm năng thế mạnh của tỉnh, Thái Bình đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách khuyến khích hợp lý như được hỗ trợ trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giá thuê đất, đào tạo lao động.

 

Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách ưu đãi khác đối với doanh nghiệp kinh doanh cơ sở hạ tầng, trong đó Công ty đã được hỗ trợ 100% tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và san lấp. Mặt khác với giá thuê đất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính và sự quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành là động lực để Công ty lựa chọn và đồng hành cùng tỉnh trong thời gian qua.

Thu Thủy

 

  • Từ khóa