Thứ 5, 02/05/2024, 02:13[GMT+7]

Sôi động nghề dệt chiếu truyền thống ở An Vũ

Thứ 3, 20/05/2014 | 09:31:55
2,796 lượt xem
Ðến An Vũ (Quỳnh Phụ) bất kể thời điểm nào cũng đều bắt gặp không khí sôi động của các hộ làm nghề dệt chiếu. Chiếu được bày ở khắp nơi, người người dệt chiếu, nhà nhà dệt chiếu. Nghề truyền thống này đã giúp cho người dân xã An Vũ có cuộc sống ngày càng cao, nông thôn thêm khởi sắc.

Dệt chiếu cói bằng máy ở xã An Vũ (Quỳnh Phụ). Ảnh: Ngọc Trâm

 

Ông Nguyễn Tiến Trung, Chủ tịch UBND xã An Vũ cho biết: Nghề dệt chiếu cói hình thành rất sớm, có từ những năm 1960. Khi đó người dân địa phương đã chuyển 1/3 diện tích trồng lúa, tương đương với 150ha sang trồng cói. Ở thời kỳ bao cấp, sản phẩm cói thuộc hàng nông sản nhập cho huyện theo kế hoạch hàng năm, sau đó lại nhận về dệt chiếu, xe sợi theo kế hoạch của huyện. Tới thời kỳ đổi mới, người nông dân tự quyết định sản phẩm của mình, phong trào dệt chiếu phát triển mạnh.

 

Ðến những năm 1990, hầu hết các gia đình ở An Vũ đều làm nghề xe đay, dệt chiếu cói và hình thành một số cơ sở thuê lao động sắm hàng chục go dệt chiếu tập trung và làm dịch vụ vận chuyển cói từ miền Nam và Thanh Hóa về cung ứng cho các hộ dệt chiếu trong xã.

 

Bước cải tiến rõ nét nhất của làng nghề là từ năm 2008 nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc vào thay thế sức lao động của con người đưa năng suất lên ngày một cao và chú trọng cải tiến mẫu mã sản phẩm, làm ra một số loại chiếu có kích cỡ mà dệt thủ công chưa làm được.

 

Ðến nay, toàn xã có 6 cơ sở dệt chiếu cói với tổng số 37 máy, bình quân mỗi máy dệt sản xuất được 60 lá chiếu/ngày. Ðiển hình như gia đình ông Nguyễn Xuân Hòa có 16 máy, ông Nguyễn Văn Thân có 10 máy. Bên cạnh đó còn có gần 400 gia đình vẫn tranh thủ thời gian dệt thủ công, làm gia công cho các cơ sở dệt chiếu bằng máy. Ngoài ra trong xã còn có 10 cơ sở in chiếu.

 

Hiện nay xã nghề An Vũ vẫn duy trì phát triển ổn định nhất của huyện Quỳnh Phụ với khoảng 80% số hộ tham gia làm nghề chiếu cói. Bình quân thu nhập của người dệt chiếu đạt từ 40 - 50 nghìn đồng/người/ngày. Ðây là nghề cho thu nhập khá ổn định và bền vững, thu hút lực lượng lớn lao động ở địa phương.

 

Nhờ phát triển nghề, đến nay thu nhập bình quân đầu người ở An Vũ đã đạt 23 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nhà mái bằng, cao tầng chiếm 50%, 100% số hộ có phương tiện đi lại, nghe nhìn hiện đại, 20% số hộ sử dụng mạng internet, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7%. Giá trị sản xuất từ nghề dệt chiếu cũng đạt ngày càng cao, năm 2010 đạt 26 tỷ đồng, năm 2011 đạt 28,85 tỷ đồng, năm 2012 đạt 29,789 tỷ đồng, tới năm 2013 đạt trên 30 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 2.000 lao động.

 

Ðể có được kết quả trên, những năm qua địa phương đã nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển nghề và làng nghề, trong đó trọng tâm là nghề truyền thống dệt chiếu. An Vũ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển nghề. Ngoài ra, địa phương còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân yên tâm sản xuất kinh doanh như vốn, mặt bằng.

 

Sản phẩm chiếu cói truyền thống xã An Vũ (Quỳnh Phụ). Ảnh: Thành Tâm

 

Tới thăm cơ sở dệt chiếu cói Xuân Hòa, thôn Vũ Hạ chúng tôi được biết, hơn 20 năm nay cơ sở đã không chỉ gắn bó với nghề dệt chiếu mà còn góp phần đưa nghề dệt chiếu phát triển từ làm thủ công tới việc đưa máy móc hiện đại vào áp dụng.

 

Trước đây khi chưa có máy, cơ sở đã là đầu mối chuyên mua bán nguyên liệu, xuất hàng cho hàng trăm hộ dân trong xã. Ðến năm 2008, cơ sở đã đầu tư mua 2 máy dệt và nâng dần đến nay là 16 máy. Trong khi nhiều cơ sở ở một số địa phương dừng sản xuất do không xuất được hàng thì cơ sở của ông Hòa vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng nhà xưởng, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất. Bình quân hiện nay mỗi tháng cơ sở này nhập từ 30 - 80 tấn cói, xuất cho các đại lý khoảng 30.000 lá chiếu các loại.

 

Không chỉ làm giàu cho gia đình với mức lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng/tháng, cơ sở của ông Hòa còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động vệ tinh nhận hoàn thiện sản phẩm với thu nhập bình quân 19.000 đồng/đôi chiếu.

 

Tới thăm cơ sở in chiếu cói Lê Quý Dương, thôn Vọng Lỗ, chủ cơ sở cho biết: “Mấy chục năm qua cơ sở của tôi ăn nên làm ra từ nghề in chiếu. Hàng tháng, tôi lấy chiếu thô của 5 cơ sở dệt chiếu và các hộ bán ở chợ với khoảng 2.000 đôi tương đương với 4.000 lá chiếu/tháng để về in. Bình quân mỗi tháng cơ sở đầu tư 340 triệu đồng tiền vốn nhập chiếu. Cơ sở đã tự tìm đầu ra cho sản phẩm và xuất bán cho các cửa hàng, đại lý ở chợ Bo (thành phố Thái Bình). Tới nay ngoài thu lãi trên 15 triệu đồng/tháng, cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng”.

 

Trong thời gian tới, An Vũ tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề. Tiếp tục xây dựng thương hiệu chiếu cói, cải tiến mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thu Thủy

 

                                               

 

 

  • Từ khóa