Thứ 4, 01/05/2024, 21:28[GMT+7]

Ngư dân Thái Bình Kiên cường vươn khơi khai thác hải sản, bảo vệ chủ quyền

Thứ 4, 21/05/2014 | 08:53:06
2,904 lượt xem
Dọc Cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Ðiền một màu đỏ rực cờ Tổ quốc tung bay trên những con tàu, những xe tải chất đầy đá lạnh được chuyển xuống các tàu khai thác hải sản, tất cả đều hối hả cho chuyến ra khơi mới. Không chỉ bám biển để làm giàu, xây dựng quê hương, đất nước, mà ngư dân còn góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Các tàu cá tại Cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) chuẩn bị ra khơi khai thác hải sản.

 

Biển cho cá bạc đầy khoang

 

Ngư trường khai thác chính của ngư dân Thái Bình là vùng biển vịnh Bắc Bộ. Tổng trữ lượng cá đáy và cá nổi ở vùng biển này ước tính khoảng 681.166 tấn, khả năng khai thác là 272.467 tấn. Ðể bám biển khai thác nguồn lợi hải sản, trong những năm qua ngư dân trong tỉnh đã đầu tư kinh phí đóng mới, cải hoán tàu cá, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.202 tàu khai thác thủy sản, trong đó 84 chiếc có công suất từ 50 - 90 CV, 43 chiếc từ 90 -150 CV, 25 chiếc từ 150 - 250 CV, 112 chiếc từ 250 CV trở lên...

 

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thái Bình cho biết: Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển các phương tiện đánh bắt, khai thác thủy sản có công suất lớn tăng khá nhanh. Năm 2013, toàn tỉnh cải hoán, đóng mới 50 chiếc từ 300 CV trở lên, 4 tháng đầu năm 2014 tổng công suất tàu tăng trên 10.000 CV. Có doanh nghiệp ở Thái Thụy đã mạnh dạn vay vốn đóng 2 tàu vỏ sắt, công suất 800CV/chiếc, tổng giá trị 2 tàu sau khi hoàn thiện và sắm đủ trang thiết bị khoảng 17 tỷ đồng. Với sự phát triển mạnh mẽ số lượng cũng như chất lượng các phương tiện khai thác thủy sản có công suất lớn để vươn ra ngư trường xa bờ nên tổng sản lượng hải sản đánh bắt đã tăng khá mạnh qua từng năm. Năm 2013, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 54.400 tấn, tăng 9,21% so với năm 2012;  3 tháng đầu năm 2014, sản lượng khai thác đạt khoảng 16.650 tấn, tăng 6,73% so với cùng kỳ năm trước.

 

Các ngư dân ở Thái Thụy chuẩn bị đá lạnh ướp hải sản để ra khơi khai thác.

 

Cũng theo ông Giang, lưới kéo là phương thức đánh bắt chủ lực trong khai thác hải sản của ngư dân trong tỉnh, số lượng tàu này chỉ chiếm khoảng 17,14% tổng số tàu thuyền ngư dân hiện có, nhưng sản lượng khai thác lại chiếm trên 80% so với tổng sản lượng khai thác. Bởi đội tàu sử dụng lưới kéo chủ yếu là tàu có công suất lớn trên 90 CV, với 154 phương tiện khai thác vùng biển xa bờ. Trong vụ cá Bắc vừa qua, mặc dù thời tiết  bất lợi, lượng cá nổi xuất hiện thất thường, nhưng những đội tàu này vẫn thường xuyên bám biển, nhất là những tàu mới cải hoán từ tầm trung lên khai thác xa bờ; sản lượng khai thác bình quân đạt  từ 6 - 7 tấn hải sản/ngày đêm.

 

Vươn khơi khai thác góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo

 

Mặc dù trong vùng biển vịnh Bắc Bộ đã được Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định phân định và hợp tác nghề cá, nhưng do tàu cá Trung Quốc có ưu thế hơn về công suất, trang thiết bị kỹ thuật, lợi dụng biển động, sương mù đã thường xuyên lấn át ngư trường của ngư dân Việt Nam để đánh bắt bất hợp pháp nguồn lợi hải sản, xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Trong những năm qua đã ghi nhận nhiều tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc xâm phạm sâu vào vùng biển Thái Bình nằm trong vịnh Bắc Bộ để khai thác trộm hải sản, có nhiều lượt tàu cá Trung Quốc chỉ cách khu vực Cửa Lân từ 9 - 10 hải lý.

 

Với những diễn biến trên, ngư dân Thái Bình vẫn kiên cường vươn khơi bám biển để khai thác hải sản và khẳng định chủ quyền của Việt Namon> trên biển. Theo ông Giang, để ngư dân yên tâm bám biển khai thác hải sản, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đã phối hợp với các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, Nam Ðịnh tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động  nghề cá của các ngư dân ở vịnh Bắc Bộ. Riêng tổ công tác của đoàn Thái Bình có 8 đồng chí, với 1 tàu kiểm ngư vỏ sắt 400 CV.

 

Ông Phạm Thanh Hải, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm ngư Diêm Ðiền cho biết: Trong thời gian qua, các ngành chức năng đã thường xuyên cập nhật thông tin, tổ chức tuyên truyền hướng dẫn cho ngư dân về diễn biến tình hình trên các vùng biển và hoạt động hỗ trợ tích cực của lực lượng kiểm ngư, các lực lượng chức năng trên biển; đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng tránh rủi ro trên biển và động viên ngư dân yên tâm sản xuất bình thường trên biển. Tổ chức cho ngư dân hoạt động theo mô hình tổ đội khi khai thác trên biển và các ngành chức năng phối hợp với các huyện ven biển có biện pháp bảo vệ ngư dân, thăm hỏi động viên kịp thời đối với ngư dân, gia đình ngư dân gặp rủi ro trên biển. Ðặc biệt, các ngư dân đều được thông báo số điện thoại đường dây nóng (04.62737323; Fax: 04.62733279) trực 24/24 giờ thuộc Cục Kiểm ngư, để khi có rủi ro trên biển xảy ra các ngành chức năng hỗ trợ, xử lý kịp thời.

 

Với sự vào cuộc tích cực của lực lượng kiểm ngư trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, cùng với sự động viên, khuyến khích kịp thời nên các ngư dân Thái Bình vẫn ngày đêm bám biển khai thác hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

Ông Lương Hữu Trợ, khu 9, thị trấn Diêm Ðiền (Thái Thụy) đã hơn 40 năm gắn bó với biển chia sẻ: Biển là cuộc sống của ngư dân nơi đây, dù khó khăn đến mấy cũng phải vươn khơi, không chỉ nâng cao thu nhập cho ngư dân mà còn góp phần bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển của Việt Nam. Gia đình ông  Trợ có 2 tàu, với công suất 230 CV/tàu, khai thác hải sản ở vùng biển vịnh Bắc Bộ hơn 40 năm nay; mỗi chuyến vươn khơi thường kéo dài 2 ngày đêm; chuyến nào đánh bắt được 3 - 4 tấn hải sản thì lãi khoảng 15 triệu đồng, cũng có chuyến chỉ đủ tiền dầu và chi phí khác, nhưng nhìn chung ngư dân vẫn sống và làm giàu bằng nghề khai thác hải sản.

 

13 giờ 30 phút, ngày 19/5/2014, chúng tôi có mặt tại Cảng cá Tân Sơn, cờ đỏ sao vàng Tổ quốc đang tung bay trên các tàu kín cả một vùng; hàng trăm chiếc tàu có công suất từ 90 CV trở lên ngạo nghễ nối đuôi nhau tiến ra biển khơi để khai thác hải sản. Ngư dân Nguyễn Ðăng Huân, xã Thụy Xuân (Thái Thụy) cho biết: “Ngư dân chúng tôi chưa bao giờ bỏ biển dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chuyến ra khơi này về lại tiếp chuyến khác và cứ như thế năm này qua năm khác, ngư dân luôn có mặt trên ngư trường vịnh Bắc Bộ để khai thác hải sản”.

 

Trong những ngày này, ngư dân Thái Bình không chỉ yên tâm khai thác hải sản trên vùng biển vịnh Bắc Bộ mà trong lòng còn tràn ngập niềm vui khi nhận được thông tin hướng dẫn liên sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính ngày 11/3/2014 về hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quyết định số 3044/QÐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ ngư dân tỉnh Thái Bình đóng mới, cải hoán tàu cá khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Với cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán phương tiện đánh bắt xa bờ, cùng với việc chuyển giao, phổ biến kỹ thuật công nghệ khai thác hiện đại của các ngành chức năng đã tạo thêm động lực mạnh mẽ để ngư dân tích cực khai thác hải sản nâng cao thu nhập, làm giàu và góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 Nguyên Bình

 

  • Từ khóa