Thứ 4, 01/05/2024, 23:34[GMT+7]

Sản xuất vụ mùa năm 2014 Nhiều thách thức cần vượt qua

Thứ 5, 22/05/2014 | 08:32:09
753 lượt xem
Sản xuất vụ mùa năm nay đã đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương cả về việc bảo đảm cho lúa mùa trỗ bông trong khung an toàn và gắn kết mùa vụ với nhau

Nông dân xã Vũ Ninh (Kiến Xương) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân.

 

Vụ xuân năm 2014 do rét đậm, rét hại nên đã làm nhiều diện tích lúa phải cấy dặm, cấy lại hoàn toàn, đồng thời kìm hãm sự sinh trưởng, phát triển của lúa sau cấy, do đó lúa xuân trỗ muộn hơn so với cùng kỳ nhiều năm từ 7 - 10 ngày.

 

Việc lúa xuân trỗ muộn không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất cây màu vụ hè mà còn gây áp lực rất lớn cho các địa phương về tiến độ làm đất, gieo cấy lúa mùa sớm để tạo quỹ đất gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Vì vậy, sản xuất vụ mùa năm nay đã đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương cả về việc bảo đảm cho lúa mùa trỗ bông trong khung an toàn và gắn kết mùa vụ với nhau.

 

Theo diễn biến trên đồng ruộng hiện nay thì không còn giải pháp nào có thể rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa xuân, bởi hầu hết lúa đã làm đòng, chuẩn bị trỗ bông, vào mẩy. Dự kiến đến hết ngày 30/5 có gần 75.000 ha lúa trỗ, diện tích còn lại trỗ khoảng tuần đầu tháng 6. Như vậy, lúa xuân năm nay trỗ muộn hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước từ 7 - 10 ngày đối với trà tập trung, bên cạnh đó lúa còn trỗ không đồng đều, rải rác ở các thời gian khác nhau và kéo dài sang tháng 6. Việc lúa xuân trỗ muộn không chỉ gây áp lực về tiến độ làm đất, gieo cấy lúa mùa, điều quan trọng nhất là phải có đủ diện tích gieo cấy trà mùa sớm để sau thu hoạch gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Nếu không thực hiện được việc này thì mục tiêu về diện tích cây vụ đông năm nay rất khó thực hiện được.

 

Ngoài việc lúa xuân trỗ muộn, hiện nay còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc gắn kết mùa vụ, gieo cấy hết diện tích và mở rộng tối đa diện tích cây vụ đông. Bởi, lao động trong nông nghiệp ngày càng già hóa và thiếu, giá nhân công, vật tư cao, trong khi đó giá đầu ra cho sản phẩm ở mức thấp, bấp bênh. Ðồng thời, trên đồng ruộng hiện nay chuột là đối tượng gây hại khá nặng nề, nhưng vẫn chưa được phòng trừ đồng bộ, thường xuyên nên đã làm giảm năng suất, giá trị cây trồng.

 

Bên cạnh đó, chuột còn là một trong những nguyên nhân làm nhiều hộ dân bỏ ruộng, do có sản xuất nhưng không cho thu hoạch nên không muốn đầu tư sản xuất. Mặc dù hệ thống thủy lợi, công trình thủy nông thường xuyên được đầu tư tu bổ, nâng cấp, xây mới, nhưng một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu tưới, tiêu. Ðặc biệt, trong những năm gần đây năng suất lúa đã đạt “kịch trần”, sản phẩm cây vụ động đã dần tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, nhưng đầu ra cho ra sản phẩm khó khăn, đây là bước cản để nông dân phát huy hết tiềm năng của đất. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp hiện nay hiệu quả còn thấp do quy mô sản xuất nhỏ, mặc dù có lãi nhưng tổng thu nhập của hộ nông dân không lớn; thị trường và liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa hình thành chuỗi dẫn đến sản xuất chưa thực sự bền vững... Với những bất lợi từ vụ xuân và những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nói chung đang là thách thức lớn cho vụ mùa, vụ đông năm nay.

 

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mặc dù sản xuất vụ mùa năm nay gặp nhiều khó khăn, song chủ trương của tỉnh chỉ đạo các địa phương phải cấy hết diện tích, không để ruộng bỏ hoang. Ðồng thời phải bố trí trà lúa mùa sớm phù hợp với việc mở rộng cây vụ đông ưa ấm và tạo khoảng cách giữa hai trà, tránh giai đoạn lúa trỗ bông ở tuần đầu tháng 9, vì đây là tuần thường diễn ra mưa lớn kéo dài. Việc bố trí cơ cấu giống cần cân đối giữa nhóm giống năng suất cao và giống chất lượng, không bố trí gieo cấy các giống lúa nhiễm bệnh bạc lá như BT7, T10. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 81.300 ha, năng suất đạt 62 tạ/ha trở lên. Trà lúa mùa sớm gieo cấy khoảng 25.000 - 30.000 ha, bằng các giống N87, RVT, TBR1, VS1, bảo đảm lúa trỗ ở tuần 3 tháng 8, thu hoạch trước ngày 5/10. Trà mùa trung gieo cấy 52.000 - 55.000 ha bằng các giống có năng suất, chất lượng như BC15, TBR1, ÐS1, Nam Dương 99... sao cho lúa trỗ tập trung ở tuần 2 tháng 9.

 

Cũng theo bà Nga, để khắc phục khó khăn và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của tỉnh đề ra, các huyện, thành phố cần tổ chức đánh giá hiện trạng sự sinh trưởng, phát triển của các trà, giống lúa vụ xuân và căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để xây dựng đề án sản xuất vụ mùa sát với thực tiễn. Ðồng thời, các xã, phường, thị trấn khi xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa phải chi tiết và điều hành tốt công tác làm đất, nhất là những diện tích sau thu hoạch lúa trồng cây vụ đông ưa ấm.

 

Cùng với các địa phương, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường cán bộ xuống cơ sở phối hợp với các huyện, thành phố để tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện nghiêm túc chủ trương sản xuất vụ mùa của tỉnh, huyện, thành phố... Như vậy, để lúa mùa đạt năng suất, chất lượng cao và bảo đảm quỹ đất gieo trồng cây vụ đông ưa ấm, trà lúa mùa sớm phải gieo cấy xong trước ngày 5/7, trà mùa trung gieo cấy xong trước 25/7.

 

Với thực trạng lúa xuân hiện nay, thì việc gieo cấy trà lúa mùa sớm gặp khó khăn lớn do không có thời gian nghỉ giữa hai vụ và phải thu hoạch lúa xuân nhanh, gọn, đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy lúa mùa thì mới bảo đảm thực hiện được theo kế hoạch đề ra. Vì vậy, phải huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến cơ sở tham gia chỉ đạo, tuyên truyền, đôn đốc nông dân nắm bắt chủ trương của tỉnh để thực hiện thắng lợi sản xuất vụ mùa và gắn kết được với vụ đông.

Nguyên Bình

 

  • Từ khóa