Thứ 5, 02/05/2024, 05:18[GMT+7]

Hoàng Văn Biên Thành công từ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

Thứ 4, 28/05/2014 | 08:17:56
827 lượt xem
Sau khi địa phương tiến hành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, anh Hoàng Văn Biên, thôn Tân Phúc, xã Thái Phúc (Thái Thụy) đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Từ thành công của gia đình anh Biên, nhiều gia đình khác trong xã cũng mạnh dạn làm theo gương anh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện cơ bản đời sống của người nông dân nơi đây.

Anh Hoàng Văn Biên bảo dưỡng máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông Thái Phúc, ngay từ nhỏ, anh Biên đã sớm quen với mảnh ruộng, cái cuốc, lưỡi cày. Tháng 4/1978, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh nhập ngũ và công tác tại Sư đoàn 242 đặc khu Quảng Ninh. Đến tháng 8/1983, anh xuất ngũ trở về quê hương và tiếp tục gắn bó với nghề trồng lúa. Năm 1985, hưởng ứng lời kêu gọi của cấp ủy và chính quyền địa phương đi xây dựng và lập làng mới cách trung tâm xã 4km, gia đình anh Biên chuyển ra ở làng mới nay là thôn Tân Phúc và tập trung vào sản xuất nông nghiệp.

Lúc mới ra làng mới, gia đình anh cũng như bà con nhân dân trong làng gặp không ít khó khăn, nhà cửa tạm bợ lại bị cơn bão số 5 năm 1986 san phẳng gần như tất cả. Khó khăn là vậy, song với sự động viên của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã, cùng sự giúp đỡ, đùm bọc sẻ chia của bà con nhân dân, gia đình kiên quyết bám trụ làng mới và không ngừng tập trung vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên do thời tiết khắc nghiệt, đất đai manh mún, công cụ sản xuất lạc hậu, tiền vốn đầu tư hạn chế nên năng xuất lúa không cao, kinh tế gia đình vì vậy vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Năm 2011, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sau khi địa phương tiến hành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, gia đình anh Biên đã mạnh dạn đấu thầu 15 mẫu ruộng trũng của xã, đồng thời vận động một số hộ trong và ngoài thôn không có điều kiện cấy lúa để gia đình anh đấu thầu ruộng. Đến nay, tổng diện tích ruộng cấy lúa của gia đình là trên 24 mẫu.

Cùng với việc nhận đấu thầu một diện tích lớn đất ruộng, anh Biên mạnh dạn đầu tư mua máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, gia đình có 1 máy gặt đập liên hoàn, 1 máy cày cỡ lớn 24 mã lực và 1 máy cày nhỏ 16 mã lực, 1 máy bơm nước, 2 máy bơm thuốc trừ sâu bệnh với tổng trị giá 500 triệu đồng. Năm 2013, với trên 20 mẫu ruộng, gia đình anh Biên thu về hơn 80 tấn thóc, cùng với số tiền thu được từ dịch vụ phục vụ bà con trong và ngoài xã, gia đình anh thu về 600 triệu đồng.

Anh tâm sự: “Nhờ tham gia các lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào phục vụ sản xuất, tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả… từ đó áp dụng vào quá trình sản xuất nông nghiệp của gia đình, nên đã thu được hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã còn đứng ra tín chấp giúp gia đình vay vốn để đầu tư mua máy móc”.

Thành công của gia đình anh Biên đã tạo sức lan tỏa lớn, khiến nhiều hộ gia đình trong thôn học tập làm theo. Từ một thôn khó khăn nhất về kinh tế, hiện nay, thôn Tân Phúc đã thực sự đi lên từ phát triển nông nghiệp. Nhiều hộ gia đình quay trở lại với nghề trồng lúa, tự đầu tư máy móc sản xuất. Nhiều hộ có từ 2 - 3 máy cày, máy bừa, máy gặt đập liên hoàn. Đặc biệt, thôn đã áp dụng chuyển từ cấy lúa truyền thống sang gieo xạ cả 2 vụ đạt 70 - 80% diện tích, nhờ đó giảm được sức lao động, năng suất lao động được nâng lên. Nhiều hộ gia đình trong thôn thu nhập 100 - 150 triệu mỗi năm từ trồng lúa.

Đào Quyên

 

  • Từ khóa