Thứ 7, 04/05/2024, 17:14[GMT+7]

Nam Thịnh Ngư dân bám biển khẳng định chủ quyền và làm giàu

Thứ 5, 29/05/2014 | 08:45:28
2,531 lượt xem
Hiện nay, bình quân mỗi ngày ở Nam Thịnh có khoảng 50 phương tiện có công suất từ 24 CV đến 90 CV và gần 100 tàu công suất từ 90 CV trở lên thường xuyên có mặt trên ngư trường nằm trong vịnh Bắc Bộ. Không chỉ khai thác hải sản để làm giàu, ngư dân bám biển còn góp phần quan trọng bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tàu của các ngư dân neo đậu tại Cảng cá Cửa Lân, trên địa bàn xã Nam Thịnh.

65 tuổi nhưng ông Ðặng Xuân Túc, thôn Quang Thịnh, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) đã hơn 40 năm gắn bó với biển. Nay tuổi cao nhưng mọi hoạt động về nuôi trồng, khai thác hải sản của ngư dân trong xã ông vẫn thường xuyên theo dõi nắm chắc như lòng bàn tay. Ông Túc nguyên là Phó Chủ nhiệm HTX thủy sản Tiền Phong của xã Nam Thịnh trước đây, sau khi HTX giải thể ông vẫn thường xuyên theo dõi sát sao mọi diễn biến về nghề khai thác hải sản để giúp cho ngư dân có những định hướng đầu tư phương tiện khai thác... Ông Túc khẳng định, ngư dân bám biển không chỉ để làm giàu mà còn góp phần quan trọng bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Bùi Kiên Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh cho biết: Năm 2013, tổng giá trị sản xuất của Nam Thịnh đạt trên 432 tỷ đồng, trong đó nông, lâm nghiệp 43,1 tỷ đồng, chiếm 10%; kinh tế biển đạt 280,6 tỷ đồng, chiếm 64,9%; tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại 108,5 tỷ đồng, chiếm 25,1%. Giá trị sản xuất bình quân đạt 66,8 triệu đồng/người/năm.

Thực tế cho thấy, Nam Thịnh là một trong những xã mạnh trong huyện Tiền Hải cả về nuôi trồng và khai thác hải sản. Hiện nay, toàn xã có gần 1.000 ha nuôi hải sản của trên 1.000 hộ tham gia sản xuất, đối tượng nuôi chính là ngao thương phẩm và ngao giống.

Cùng với nuôi ngao vùng bãi ven triều, Nam Thịnh còn là xã có số lượng tàu thuyền nhiều nhất tỉnh, với 171 phương tiện khai thác hải sản ven, trung và xa bờ. Năm 2013, tổng sản lượng khai thác hải sản đạt 4.200 tấn, giá trị đạt trên 56 tỷ đồng. Ðể khai thác hải sản đạt được kết quả trên, trong những năm qua ngư dân đã phát triển khá mạnh các phương tiện khai thác tầm trung và thực hiện đồng bộ các nghề khai thác theo mùa vụ như sứa, ghẹ, cá thu...

Nhằm bảo đảm cho ngư dân khai thác hiệu quả trên các vùng biển nằm trong vịnh Bắc Bộ, đồng thời bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản trên ngư trường, Nam Thịnh đã thường xuyên tuyên truyền các ngư dân tuân thủ đầy đủ các quy định về Hiệp định phân định và hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc để người dân hiểu, không vi phạm. Ðồng thời cũng khuyến cáo các ngư dân khi vươn khơi cần đi theo hình thức tổ đội, vừa giúp đỡ nhau đánh bắt hải sản, vừa khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc khi có tàu nước khác uy hiếp, ngăn cản việc khai thác hải sản trên vùng biển của Việt Nam.

Anh Phạm Văn Chế, cán bộ phát triển khai thác hải sản và lâm sinh xã Nam Thịnh cho biết: Hàng năm, Nam Thịnh đều phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị chuyên môn tuyên truyền cho ngư dân về tình hình trên các vùng biển để từ đó giúp ngư dân chủ động các giải pháp ứng phó khi gặp rủi ro trên biển; đồng thời mở các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình khai thác hải sản đạt hiệu quả cao... Chính vì vậy, trong nhiều năm qua các ngư dân ở Nam Thịnh vẫn yên tâm ngày đêm vươn khơi bám biển, chưa xảy ra vụ việc phức tạp nào trên vùng biển vịnh Bắc Bộ.

Ông Ðặng Xuân Túc chia sẻ: Hiện nay, nghề khai thác hải sản ở đây đang có sự chuyển dịch đáng kể về công suất tàu, ngư dân đang đóng mới, cải hoán các loại tàu có công suất từ 90 CV- 150 CV.

Từ đầu năm đến nay, toàn xã phát triển được khoảng 10 - 15 tàu có công suất trên 90 CV. Theo phân tích của ông Túc, nguyên nhân do đóng tàu công suất lớn chi phí cao, đồng thời một chuyến ra khơi phải chuẩn bị từ 400 - 500 lít dầu/tàu và kéo theo nhiều nhân lực, cũng như chi phí khác nên người dân không đủ tiềm lực. Vì vậy, tàu 90 CV - 150 CV đang được ngư dân chú trọng, bởi chi phí ra khơi ít hơn, nhu cầu về số lao động không nhiều mà vẫn có thể đánh bắt hải sản được trung, xa bờ.

Với những kết quả đã đạt được và việc phát triển mạnh các phương tiện khai thác hải sản hiện nay, ngư dân Nam Thịnh đang giàu lên nhờ biển. Do đó, việc bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và bảo vệ nguồn lợi hải sản, môi trường biển đang được các ngư dân Nam Thịnh tích cực chung tay, góp sức.

Hiện nay, bình quân mỗi ngày ở Nam Thịnh có khoảng 50 phương tiện có công suất từ 24 CV đến 90 CV và gần 100 tàu công suất từ 90 CV trở lên thường xuyên có mặt trên ngư trường nằm trong vịnh Bắc Bộ để khai thác hải sản. Các ngư dân hiện đang tập trung khai thác ghẹ, mỗi chuyến vươn khơi, bám biển từ 4 - 5 ngày, bình quân khai thác được khoảng 2 - 3 tạ ghẹ/tàu, thu nhập đạt 30 - 40 triệu đồng/tàu...

Từ đầu năm đến nay, sau khi khai thác hết vụ sứa, chuyển sang khai thác ghẹ, các ngư dân ở Nam Thịnh có mức thu nhập bình quân đạt khoảng 200 triệu đồng/tàu; tổng giá trị khai thác hải sản của toàn xã đạt khoảng 30 tỷ đồng. Năm 2014, Nam Thịnh phấn đấu giá trị sản xuất kinh tế biển đạt 310 tỷ đồng.

            Nguyên Bình

  • Từ khóa