Chủ nhật, 05/05/2024, 02:28[GMT+7]

Để ngư dân tích cực vươn khơi

Thứ 2, 02/06/2014 | 08:32:04
834 lượt xem
Trong bối cảnh hiện nay, nếu ngư dân không phủ kín hết các vùng khơi, tàu nước ngoài sẽ xâm nhập và khai thác trái phép nguồn lợi hải sản, xâm hại đến chủ quyền an ninh biên giới biển của Việt Nam. Ðể động viên, khuyến khích ngư dân phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường biển, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3044/QÐ-UBND về việc quy định một số chính sách hỗ trợ ngư dân tỉnh Thái Bình đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản và

Ngư dân Thái Thụy chuẩn bị ra khơi.

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thái Bình cho biết: Phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ là thực hiện chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ 18, là nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá. Vì vậy, để phát triển bền vững phương tiện khai thác hải sản xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường biển cần phải phát triển đồng bộ từ việc đóng mới, cải hoán tàu có công suất lớn đến cơ sở hậu cần như cảng, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, đội tàu làm dịch vụ hậu cần và cơ sở hậu cần, dịch vụ nghề cá. Thực tế cho thấy, những năm gần đây số phương tiện khai thác hải sản đang có xu hướng giảm, song công suất lại tăng, đồng thời năng suất và sản lượng khai thác cũng tăng khá mạnh.

Cụ thể, năm 2012 toàn tỉnh có 1.479 tàu, với tổng công suất 64.109 CV, đến nay số phương tiện chỉ còn 1.202 chiếc, nhưng tổng công suất là 75.619,5 CV. Ðây là sự chuyển dịch đáng mừng, giảm số phương tiện nhỏ khai thác ven bờ, tăng số tàu khai thác trung, xa bờ. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này còn chậm, chưa đáp ứng được với tình hình thực tế và trữ lượng cá trên ngư trường vùng biển vịnh Bắc Bộ.

Cũng theo ông Giang, nguyên nhân phát triển chậm các phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ là do cơ sở hậu cần phục vụ khai thác còn yếu và thiếu. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 21 tàu làm dịch vụ hậu cần phục vụ nhiên liệu và thu mua hải sản trên biển để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến. Ðồng thời, các phương tiện hậu cần có chiều dài dưới 20m, máy chính đều có nguồn gốc từ máy bộ, máy đã qua sử dụng nên các tàu bị hạn chế về trọng tải và khả năng hoạt động dài ngày trên biển; hoạt động chủ yếu một chiều là thu mua sản phẩm khai thác, không cung cấp hậu cần cho tàu khai thác. Mặt khác, các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá trong tỉnh chưa được quy hoạch, thiếu cán bộ kỹ thuật, nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ đóng mới; việc đóng mới, sửa chữa tàu cá xa bờ hầu hết phải thực hiện ở tỉnh ngoài làm tăng chi phí đầu tư của ngư dân...

Vì vậy, việc nâng cao năng suất, tạo ra phong trào khai thác hải sản ổn định, phát triển các phương tiện khai thác xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường biển là việc làm cấp thiết hiện nay. Theo đó, tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản, hiện đại hóa đội tàu phù hợp với từng nhóm nghề, ngư trường khai thác. Cụ thể, giai đoạn 2013 - 2015 phấn đấu đóng mới, cải hoán, hiện đại hóa đội tàu công suất 300 CV trở lên là 80 chiếc, trong đó đóng mới 6 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; 100% số tàu khai thác ngoài khơi được trang bị máy thông tin liên lạc hiện đại; 100% lao động đánh bắt xa bờ được mua bảo hiểm thuyền viên... Phấn đấu giá trị sản xuất khai thác hải sản tăng trưởng bình quân 4,6% - 5%/năm.

Ðể thực hiện được các mục tiêu đề ra, có 5 giải pháp đang được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện về tuyên truyền, quản lý, kỹ thuật, giải pháp về hậu cần nghề cá và cơ chế chính sách. Trong công tác tuyên truyền sẽ tập trung vào việc thành lập và đào tạo đội ngũ báo cáo viên chuyên nghiệp đủ về số lượng, bảo đảm có trình độ chuyên môn, am hiểu tình hình thực tiễn để tuyên truyền về biển đảo nói chung và khai thác hải sản nói riêng. Các địa phương đang quản lý tàu khai thác hải sản thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân nhận thức đúng vai trò của việc phát triển phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế biển mà còn góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương.

 

Ngư dân đan lưới tại Cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Ðiền (Thái Thụy).

Ngoài ra còn tuyên truyền để ngư dân biết, cảnh giác về âm mưu của các thế lực thù địch đối với chủ quyền biển đảo của Việt Namon>. Ðầu tư đóng mới tàu kiểm ngư của tỉnh để thường xuyên thực thi nhiệm vụ tuần tra, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ đủ mạnh, có khả năng vươn khơi làm dịch vụ thu mua, sơ chế trên biển và bảo quản sản phẩm... Ðặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc quy định một số chính sách hỗ trợ ngư dân tỉnh Thái Bình đóng mới, cải hoán tàu cá khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Ðối tượng hỗ trợ là các chủ tàu cá có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thái Bình, đóng mới, cải hoán tàu cá có công suất máy chính từ 300 CV trở lên và tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên. Tàu đóng mới có tổng công suất máy chính từ 300 CV đến dưới 500 CV được hỗ trợ 150 triệu đồng/tàu; trên 500 CV hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu. Những tàu cải hoán có công suất máy chính từ 300 CV đến dưới 500 CV hỗ trợ 70 triệu đồng/tàu; trên 500 CV hỗ trợ 100 triệu đồng/tàu. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cá theo hóa đơn mua bảo hiểm thân tàu/năm đối với tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên...

Ông Hoàng Minh Giang khẳng định: Trong những năm qua, ngư dân Thái Bình luôn chủ động trong sản xuất và cải tiến lưới nghề, một thế mạnh mà ngư dân nhiều tỉnh không có, cùng với trang thiết bị hiện đại đang được đầu tư đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao trong khai thác hải sản. Với cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh và các cơ chế hỗ trợ khác của Nhà nước, cùng với các giải pháp đang được triển khai thực hiện chắc chắn các ngư dân sẽ nỗ lực đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá để ngày đêm vươn khơi bám biển xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường biển như mục tiêu của tỉnh đề ra.

            Nguyên Bình

  • Từ khóa