Thứ 7, 04/05/2024, 20:27[GMT+7]

Làm giàu từ bèo tây

Thứ 4, 04/06/2014 | 08:51:03
4,611 lượt xem
Thời gian qua, ở Minh Châu (Đông Hưng) xuất hiện thêm nghề đan bèo tây đem lại thu nhập ổn định cho lực lượng lao động ở độ tuổi trung niên trong lúc nông nhàn.

Ðan sản phẩm từ nguyên liệu bèo tây tại cơ sở của anh Ðặng Văn Tiệp, xã Minh Châu (Ðông Hưng).

 

Theo lãnh đạo xã Minh Châu (Ðông Hưng), thu nhập bình quân thực tế hiện nay ở địa phương ước đạt khoảng 38 triệu đồng/người/năm. Kết quả đó một phần là do Minh Châu có đội ngũ lao động đi làm ăn xa khá hùng hậu với khoảng 300 người làm các nghề như xây dựng, vận tải và có tới 20 hộ có diện tích nương, rẫy lớn ở các tỉnh Ðắc Lắc, Bình Phước. Ngoài ra, còn có trên 20 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ðội ngũ lao động này không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn là lực lượng tham gia tích cực trong các hoạt động từ thiện, xây dựng các công trình phúc lợi ở Minh Châu. Trước đây địa phương đã du nhập một số nghề, tạo việc làm cho bà con trong lúc nông nhàn như nghề thêu, đan cói, tuy nhiên những nghề này đến nay không còn tồn tại do không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Thời gian qua, ở Minh Châu xuất hiện thêm nghề đan bèo tây đem lại thu nhập ổn định cho lực lượng lao động ở độ tuổi trung niên trong lúc nông nhàn.

 

Trước khi đến với nghề đan bèo tây, vợ chồng anh Ðặng Văn Tiệp, thôn Thọ Namon> đã trải qua rất nhiều nghề. Từ năm 2006, anh chị liên kết với Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất khẩu Tiến Thành để làm mặt hàng cói. Ðây là cơ sở đầu tiên và duy nhất trong thời gian qua du nhập nghề mới về cho bà con ở trong xã. Nghề này có thời gian hoạt động rất sôi động với khoảng 200 lao động tham gia làm nghề. Cùng thời gian đó, vợ chồng anh Tiệp tiếp tục nhận làm thêm hàng dây đèn trang trí, tạo việc làm cho 60 lao động trẻ trong xã với mức thu nhập từ 40.000 - 50.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên duy trì được 4 năm cả hai nghề trên đều phải tạm dừng do công ty “mẹ’’ không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Từ đó cơ sở của anh Tiệp không chỉ bị thua lỗ hàng trăm triệu đồng mà bà con trong xã cũng không còn nghề phụ trong lúc nông nhàn.

 

Năm 2011, anh Tiệp một lần nữa du nhập nghề đan bèo tây từ Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất khẩu Tiến Thành về địa phương. Anh Tiệp vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện 70 triệu đồng để nhập nguyên liệu, thuê thợ kỹ thuật về mở 3 lớp dạy nghề cho gần 100 lao động. Ðến nay, cơ sở của anh Tiệp đã thu hút trên 50 lao động ở trong và ngoài xã tham gia làm với thu nhập bình quân từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình một tháng cơ sở xuất 300 bộ sản phẩm, đem lại thu nhập cho gia đình từ 7 - 10 triệu đồng.

 

Nhờ phát triển nghề, anh Tiệp không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn tạo được việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ nghèo trong xã, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết. Ðiển hình như bà Nguyễn Thị Tơ, thôn Thọ Trung bị câm bẩm sinh, là hộ nghèo của xã nhưng đã gắn bó với cơ sở từ thời làm mặt hàng đan cói 8 năm nay. Nhờ có nghề phụ nên bà Tơ đỡ khó khăn hơn, cuộc sống thêm phần ý nghĩa. Ngoài ra, đối với những cụ đã ở tuổi 80 như cụ Hậu, cụ Hiểu (thôn Thọ Trung) cũng vẫn duy trì mỗi ngày hoàn thành 1 bộ sản phẩm, thu nhập bình quân đạt 1 triệu đồng/tháng.

 

Theo anh Tiệp, làm nghề đan bèo tây khó khăn nhất là phụ thuộc đầu ra sản phẩm. Rút kinh nghiệm từ thời gian trước gia đình đã bị mất cả gốc lẫn lãi nên đến nay số lượng sản phẩm và nguồn lao động có phần bó hẹp hơn. Hạn chế nữa ở nghề này là nguồn nguyên liệu làm nghề ngay tại  địa phương rất sẵn nhưng lại không tận dụng được mà vẫn phải nhập của công ty với giá bình quân 15.000 - 18.000 đồng/kg bèo tây khô. Nguyên nhân là do phải phụ thuộc vào chiều dài của cây bèo tây (đạt từ 50 - 60cm) và thời tiết để phơi nguyên liệu. Nếu như thời tiết mùa hè sẽ rất thích hợp để phơi bèo nhưng thời điểm này bèo lại chưa đủ độ dài để làm hàng và tới thời điểm có nguyên liệu thì thời tiết lại không ủng hộ. Ðã có thời điểm cơ sở đã thuê hàng chục người lấy bèo tây trong các ao làng nhưng tỷ lệ bị hỏng quá nhiều, không sử dụng được do không đủ điều kiện phơi, sấy nên đành “bỏ cuộc’’.

 

Dự tính nếu nghề đan bèo tây tiếp tục phát triển như hiện nay, trong thời gian tới cơ sở sẽ mở rộng mặt bằng sản xuất, tạo việc làm thêm cho khoảng 50 lao động, góp phần nâng tổng số lao động làm nghề lên 100 lao động trở lên với thu nhập bình quân đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng.  

                               Thu Thủy

 

  • Từ khóa