Thứ 7, 04/05/2024, 16:31[GMT+7]

Ban Quản lý các khu công nghiệp Nỗ lực thực hiện giám sát các dự án đầu tư

Thứ 6, 06/06/2014 | 08:46:43
1,751 lượt xem
Nhiều năm nay Ban Quản lý các khu công nghiệp đã nỗ lực làm tốt công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), nhất là việc giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư ngày càng được quan tâm. Qua đó nắm rõ được mặt tích cực, hạn chế trong quá trình thực hiện để có biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Dây chuyền may tại Công ty Nien Hsing Grament (Khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình).

 

Ðến nay trên địa bàn tỉnh đã có 6 KCN thu hút 138 dự án vào hoạt động trên tổng diện tích quy hoạch 980,65ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 82%. Hiện còn 80,5ha đất công nghiệp chưa cho thuê, trong đó KCN Sông Trà 42,5ha, Cầu Nghìn 31ha, Gia Lễ 7ha. Từ năm 2010 đến nay, số dự án đã được cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư tăng thêm 25 dự án với tổng số vốn đầu tư 2.596 tỷ đồng. Ðể có được kết quả đó, Ban Quản lý các KCN đã thường xuyên chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Ðầu tư tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước. Thường xuyên duy trì mối liên hệ và chủ động liên hệ, đón tiếp, trao đổi thông tin với các đối tác nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào tỉnh. Chủ động mời một số doanh nghiệp nước ngoài tham quan, tìm hiểu môi trường, cơ chế chính sách đầu tư vào KCN.

 

Ðầu năm 2014, Ban Quản lý các KCN đã đề xuất với UBND tỉnh gặp gỡ làm việc với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại tỉnh đề nghị hỗ trợ mời giúp các nhà đầu tư vào tỉnh cũng như KCN. Ngoài ra, Ban Quản lý cũng giúp các doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện tốt cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư trong các KCN của UBND tỉnh về đơn giá thuê đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ tín dụng, chính sách đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi về thuế, chính sách bảo vệ môi trường và các thủ tục đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông. Kết quả đến hết năm 2013 vốn ngân sách đầu tư hạ tầng cho các KCN là 344,083 tỷ đồng, vốn đầu tư hạ tầng điện lực 52,63 tỷ đồng, hỗ trợ sau đầu tư cho 11 dự án 17,334 tỷ đồng, 3 dự án được hỗ trợ đào tạo dạy nghề với trên 5.000 lao động và đã có 3/6 KCN được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung... 

 

Cùng với việc đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư, Ban Quản lý các KCN còn tích cực thực hiện giám sát đầu tư 79 dự án trong các KCN và đã có các giải pháp đối với từng nhóm doanh nghiệp. Ðiển hình như đối với nhóm doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, cơ cấu lại doanh nghiệp, gửi phương án sản xuất kinh doanh khả thi về Ban Quản lý các KCN xem xét, báo cáo UBND tỉnh chấp thuận trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày có kết luận kiểm tra. Trong trường hợp các doanh nghiệp không có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, đề xuất phương án chuyển nhượng lại dự án tránh lãng phí đất đai và các tài sản đã đầu tư trên đất.

 

Ðối với các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, gặp khó khăn, Ban Quản lý cũng yêu cầu doanh nghiệp lập phương án sản xuất kinh doanh khả thi khắc phục khó khăn, tái cơ cấu lại doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khôi phục nhịp độ sản xuất gửi về Ban Quản lý sau thời gian 3 tháng kể từ ngày có kết luận kiểm tra.

Công ty TNHH Nhựa Cotec (Khu công nghiệp Phúc Khánh) tạo việc làm thường xuyên cho 400 lao động.

 

Thông qua việc giám sát, Ban Quản lý đã nắm được cụ thể tình hình hoạt động của các doanh nghiệp như các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng đi vào sản xuất kinh doanh nhưng còn diện tích đất trống chưa sử dụng, các dự án chưa triển khai hoặc chậm tiến độ vi phạm pháp luật đầu tư, Luật Ðất đai, các dự án thuê lại đất của các công ty kinh doanh hạ tầng KCN và các doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc các quy định về lao động, bảo hiểm xã hội.

 

Những việc làm thiết thực trên đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN. Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN đạt 11.293 tỷ đồng, chiếm 37% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, thu hút 47.400 lao động với thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm, đóng góp ngân sách 501,2 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên do ảnh hưởng tình hình suy thoái kinh tế thế giới cùng với việc Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tài chính, tiền tệ nên hoạt động xúc tiến đầu tư từ năm 2008 đến nay của Ban Quản lý các KCN gặp khó khăn. Số dự án và vốn thu hút đầu tư đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

 

Trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tiếp tục tăng cường các mối quan hệ, tiếp cận trao đổi để thu hút đầu tư vào các KCN. Rà soát các quy định của pháp luật hiện hành để tham mưu cấp có thẩm quyền bỏ bớt các thủ tục không cần thiết. Thực hiện ưu đãi có chọn lọc đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dự án có giá trị gia tăng tăng cao, dự án sử dụng nhiều nguyên liệu, vật tư trong nước và dự án chuyển giao công nghệ tiên tiến. Phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan làm tốt công tác thẩm tra dự án để bảo đảm hiệu quả đầu tư vào các KCN. Tranh thủ nguồn vốn của trung ương, của tỉnh và huy động vốn đóng góp của doanh nghiệp để hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Gia Lễ và triển khai xây dựng một số hạng mục công trình hạ tầng KCN Tiền Hải. Tiếp tục thực hiện giám sát đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh.   

 Thu Thủy

  • Từ khóa