Thứ 5, 02/05/2024, 17:53[GMT+7]

Sản xuất CN - TTCN ở Thái Thụy Nhiều dấu hiệu phục hồi

Thứ 3, 05/08/2014 | 08:03:29
1,064 lượt xem
6 tháng đầu năm 2014, mặc dù các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thái Thụy gặp nhiều khó khăn về vốn, mặt bằng, thị trường tiêu thụ và nguồn lao động nhưng sản lượng và doanh thu của các doanh nghiệp, làng nghề vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) ước đạt 969 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ.

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Chế biến bột cá Thụy Hải.

 

Toàn huyện có 400 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 6.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động, trong đó lĩnh vực đóng tàu, vận tải biển có 178 doanh nghiệp đang hoạt động. Mặc dù là huyện có ngành vận tải biển phát triển mạnh, với trên 200 công ty có trọng tải từ 1.000 - 2.000 tấn, trong đó có trên 60 tàu hoạt động ở nước ngoài nhưng đây là ngành có tỷ lệ nợ thuế nhiều nhất tỉnh. Các doanh nghiệp đóng tàu vẫn trong tình trạng thiếu việc làm, phải cắt giảm lao động do khách hàng thiếu vốn, không tiếp cận được nguồn vốn vay, không có khả năng đóng mới tàu, thậm chí khó khăn cả trong việc bảo dưỡng sửa chữa định kỳ, hoàn thiện tàu mới.

 

Ðối với lĩnh vực vận tải biển, các doanh nghiệp đã phải gồng mình chống chọi với giá xăng dầu leo thang, nguồn vốn thiếu hụt, thiếu hàng hóa để vận chuyển, giá cước vận tải thấp nên hầu như toàn bộ các doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên bước sang quý II, ngành công nghiệp nói chung, lĩnh vực vận tải biển của Thái Thụy nói riêng đã từng bước có dấu hiệu phục hồi. Ðiều đó được thể hiện rõ nét qua việc nhiều doanh nghiệp đã có đủ nguồn lực để cam kết và thực hiện nộp thuế nợ đọng. Hoạt động của các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp cũng dần đi vào ổn định. Huyện đã tập trung kêu gọi các nhà đầu tư vào địa bàn, nhất là vào 3 cụm công nghiệp (CCN) Mỹ Xuyên, Thụy Tân và Thái Thọ. Do đó 6 tháng đầu năm đã có thêm 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng nguồn vốn đăng ký 89,4 tỷ đồng.

 

Ðặc biệt, ngành công nghiệp chế biến thế mạnh chủ lực của huyện cũng có tín hiệu phục hồi trở lại. Ðiển hình trong lĩnh vực này là Nhà máy Chế biến bột cá Thụy Hải. Những năm trước đây, bình quân Nhà máy chế biến từ 6.000 - 7.000 tấn bột cá/năm. Tuy nhiên quá trình sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường nên Nhà máy phải dừng hoạt động. Năm 2012, Nhà máy tiếp tục đầu tư 126 tỷ đồng xây mới thêm Nhà máy Chế biến bột cá ở CCN Thụy Tân. Ðến tháng 4/2014, tất cả các dây chuyền của Nhà máy đã hoạt động trở lại, đưa tổng công suất chế biến lên 450 tấn/ngày. Hiện nay Nhà máy giải quyết việc làm ổn định cho trên 250 lao động làm việc trực tiếp tại khu vực nhà máy và hàng chục nghìn lao động gián tiếp là bà con ngư dân trong tỉnh và các tỉnh ven biển miền Bắc. Ngoài ra, một số công ty ở các CCN cũng đang đẩy nhanh tiến độ san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng tạo việc làm cho hàng trăm lao động như Công ty TNHH Sao Vàng ở CCN Mỹ Xuyên.

 

Có được kết quả trên, thời gian qua huyện Thái Thụy đã tập trung chỉ đạo các  phòng, ban, ngành thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu mở rộng đầu tư của doanh nghiệp. Huyện đã tạo điều kiện cho 3 dự án đào tạo nghề của doanh nghiệp mây tre đan Thanh Bình, Công ty cổ phần Chế biến lâm nông sản Doanh Liên, Cơ sở sản xuất Minh Quang được hưởng nguồn khuyến công của tỉnh với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Phòng Công Thương đã kết hợp với Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) tổ chức thành công chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý kinh doanh cho hơn 100 cán bộ doanh nghiệp, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, hộ kinh doanh cá thể. Ngoài ra còn tập huấn cho hàng chục lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp trên địa bàn xã Thụy An. 6 tháng đầu năm các cơ sở sản xuất trong làng nghề còn tổ chức đào tạo cho trên 1.000 lao động nông thôn, trong đó tập trung chủ yếu vào nghề móc sợi, mây tre đan, mộc.

 

Ðể mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2014 đạt 2.170 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2013, những tháng cuối năm Thái Thụy tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, làng nghề. Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan hướng dẫn, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện cho các đơn vị có dự án đăng ký đầu tư vào huyện và dự án mở rộng sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong huyện. Ðẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức tốt công tác đào tạo phát triển, du nhập nghề mới, ưu tiên tập trung vào các nghề có chiều hướng phát triển tốt như mây tre đan, móc sợi, làm hương, cơ khí. Chủ động phối hợp, giải quyết tốt những vướng mắc của các dự án lớn trên địa bàn huyện để đẩy nhanh tiến độ thi công như Trung tâm Ðiện lực Thái Bình, Nhà máy Amonitrat.

       Quốc Cường

 

  • Từ khóa