Thứ 5, 02/05/2024, 13:30[GMT+7]

Hiệu quả kinh tế từ thanh long ruột đỏ

Thứ 6, 08/08/2014 | 08:08:43
186 lượt xem
Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tuy Lai (xã Minh Khai, Hưng Hà), chị Lê Thị Quý luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động hội. Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, bằng sức lực của mình, chị và gia đình đã chuyển đổi thành công mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cây thanh long ruột đỏ mang lại cho gia đình chị Quý hàng chục triệu đồng mỗi năm.

 

Những năm trước, gia đình chị cũng trồng nhiều loại cây ăn quả như nhãn, vải… Tuy nhiên, những loại cây này không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau thời gian tìm hiểu thị trường, học hỏi nhiều người, năm 2010, gia đình chị quyết định trồng thử thanh long ruột đỏ. Ðể trồng thanh long cần dựng trụ bê tông, mỗi trụ cao 2,3m, phần nổi trên mặt đất cao 1,6m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh. Khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây 2,5m, bảo đảm cho cây được hưởng nguồn dinh dưỡng, ánh sáng mặt trời như nhau. Chị Quý cho biết: Trồng thanh long không khó nhưng quan trọng là khâu chăm sóc để đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Ðể có kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ, hai vợ chồng chị tìm kiếm thông tin trên mạng internet, tham dự các hội thảo và bằng chính những kinh nghiệm thực tế nhờ đó đến nay đã tự cấy ghép thành công nhiều giống thanh long. Khu vườn giờ đây không chỉ là nơi thu mua quả mà còn là nơi cung cấp giống.

 

Ban đầu, gia đình chị chỉ trồng trên khu vườn trước nhà 40 trụ cây. Sau nhận thấy thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định nên mở rộng diện tích trên 3 sào với gần 220 trụ cây, mỗi năm thu được hàng chục triệu đồng, riêng năm 2013 thanh long cho năng suất cao, gia đình thu được hơn 100 triệu đồng. Anh chị cũng trồng xen canh thêm nhiều loại cây bên dưới trụ thanh long như khoai sọ, sả, lạc, đỗ… Riêng khoai sọ cho thu nhập mỗi vụ trên 10 triệu đồng.

 

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản lo ngại về đầu ra thì với thanh long, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, chủ yếu cung cấp cho các thương lái trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Nam Ðịnh, Hưng Yên, Quảng Ninh… đến thu mua ngay tại vườn. Giá thanh long có thời điểm đạt 30.000 đồng/kg.

 

Chị Dung ở thành phố Thái Bình, một thương lái “ruột” của chị Quý cho biết, chị đã lấy hàng ở đây được 3 năm. Thanh long ruột đỏ luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Mới hôm trước chị lấy 5 tạ, nay lại xuống vườn lấy tiếp.

 

Không chỉ là một phụ nữ làm kinh tế giỏi, chị Lê Thị Quý còn là một Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ gương mẫu, nhiệt tình. Trong xây dựng nông thôn mới, chị đã vận động chị em hiến trên 300 m2 đất làm đường giao thông nông thôn; đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ chuyển giao kỹ thuật cho hội viên có nhu cầu trồng thanh long ruột đỏ để giúp chị em nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, toàn Chi hội có 7 hộ gia đình đang trồng thanh long, đạt hiệu quả cao.

 

Chị Phạm Thị Thảnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Khai cho biết: Chị Quý là một chi hội trưởng tích cực, gương mẫu, một người dám nghĩ, dám làm. Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong mỗi dịp sơ kết, tổng kết hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị luôn được biểu dương, khen thưởng, là tấm gương để chị em phụ nữ noi theo.

Trần Thơm

 

  • Từ khóa