Thứ 3, 30/04/2024, 21:11[GMT+7]

Đông Hòa Quyết liệt phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ

Thứ 5, 14/08/2014 | 08:35:01
241 lượt xem
Ðến nay, 207ha lúa mùa của xã Ðông Hòa (thành phố Thái Bình) đang vào thời kỳ cuối đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng. Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là sâu cuốn lá nhỏ đã và đang bùng phát mạnh ở tất cả các trà lúa và có khả năng trở thành dịch sâu hại lớn trên diện rộng nếu không được tổ chức phòng trừ kịp thời và đúng thời điểm.

Cán bộ HTX DVNN xã Đông Hòa kiểm tra tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng.

 

Cùng Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Lê Xuân Khâm đi thăm các cánh đồng của xã, chúng tôi nhận thấy hầu hết các diện tích lúa mùa đều đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ với mật độ tương đối cao. Ông Khâm cho biết: Các trà lúa mùa trên địa bàn xã đang vào giai đoạn phát triển quan trọng nhất, quyết định tới năng suất và sản lượng của cả vụ.

 

Qua kiểm tra, theo dõi, vụ mùa năm nay, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh nhiều hơn mọi năm do sâu cuốn lá nhỏ  xuất hiện khi cây lúa còn ở giai đoạn mạ cùng với thời tiết mưa nắng thất thường, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh hại lúa sinh sôi. Hiện sâu cuốn lá nhỏ đang phát triển với cả 4 hình thái: trứng trắng, trứng đen nằm sau bẹ lá với mật độ khoảng 450 trứng/m2, sâu mới nở và sâu non tuổi 1 nở rộ mật độ khá cao, khoảng 500 con/m2. Ngoài ra, lác đác trên một số thửa cũng xuất hiện bệnh khô vằn, bạc lá. Nếu không phun thuốc phòng trừ kịp thời, sâu sẽ cuốn lá vào tổ, rất khó để trị triệt để. Ðể phòng trừ kịp thời, hiệu quả đối với sâu cuốn lá nhỏ, bảo vệ lúa mùa, Ðông Hòa đã phát động chiến dịch phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 16 -  20/8, trong đó khuyến cáo người dân tập trung phun sớm trong 3 ngày đầu của chiến dịch để đạt hiệu quả cao nhất. Sau khi phun, cần thường xuyên kiểm tra, thăm đồng, bám sát đồng ruộng để phát hiện sớm, chính xác diện tích mật độ sâu còn cao, tiến hành phun lần 2.

 

Cùng với việc phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, kết hợp phun khô vằn với diện tích bị nhiễm cao bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra lúa của gia đình mình để phát hiện các đối tượng sâu bệnh khác phát sinh gây hại lúa mùa. Bà Phạm Thị Thu (thôn Nam Hiệp Trung) cho biết: Vụ mùa này tôi cấy 5 sào, phần lớn là giống BC15. Cùng với việc chăm bón để lúa phát triển, tôi cũng thường xuyên theo dõi diễn biến sâu bệnh để chủ động phòng trừ. Thực hiện sự chỉ đạo của xã, thôn, chúng tôi ngừng phun các loại phân bón qua lá và các thuốc kích thích tăng trưởng khác, chuẩn bị phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo đúng thời điểm, chủng loại.

 

Xã cũng khuyến cáo người dân không bón đạm đơn nuôi đòng nuôi hạt, tuyệt đối không mua thuốc ở các cửa hàng không được cấp giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, trôi nổi ngoài thị trường. Tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã và ở các thôn; tổ chức họp triển khai chiến dịch tới cán bộ, các ban, ngành, đoàn thể và các thôn; HTX DVNN chú trọng khâu điều tiết nước để chiến dịch phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Xuân Khâm, đồng đất Ðông Hòa chua, trũng, địa hình không bằng phẳng, manh mún gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Do canh tác khó khăn, người dân nơi đây cũng không mấy mặn mà gắn bó với đồng ruộng. Vì vậy, mỗi đợt phát động chiến dịch phun phòng trừ sâu bệnh, cán bộ HTX rất vất vả trong công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tuân thủ theo đúng khuyến cáo nhằm bảo vệ năng suất lúa.

 

Ðông Hòa đã và đang triển khai mọi biện pháp đồng bộ, quyết liệt từ xã đến các cơ sở thôn nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong chiến dịch phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, bảo đảm giữ vững mục tiêu năng suất vụ mùa đạt trên 60 tạ/ha.

Lưu Ngần

 

  • Từ khóa