Thứ 4, 01/05/2024, 02:51[GMT+7]

Chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp

Thứ 5, 14/08/2014 | 08:46:43
1,783 lượt xem
Nắm bắt được những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là vấn đề về vốn, nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, thời gian qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời làm cầu nối chuyển tải đến các cơ quan chức năng những kiến nghị, đề xuất liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Công nhân Công ty Hưng Cúc (thành phố Thái Bình) vận hành dây chuyền xay xát gạo. Ảnh: Minh Đức

 

Ông Trần Quốc Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Mặc dù nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi song tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. Nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình trạng sản xuất cầm chừng do khó tiếp cận vốn, sức tiêu thụ chậm, tình trạng nợ thuế có chiều hướng gia tăng.

 

Tính đến hết tháng 6 năm 2014, toàn tỉnh có 3.811 doanh nghiệp và 429 chi nhánh đang hoạt động, trong đó 193 doanh nghiệp và 27 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký mới, 194 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc phá sản. Theo khảo sát của Ðảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, trong 127 doanh nghiệp đã thành lập tổ chức cơ sở đảng, có 40% doanh nghiệp hoạt động khá, còn lại hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn. Ngành vận tải biển có nhiều khó khăn do gặp trở ngại về giá nhiên liệu đầu vào liên tục tăng, thiếu vốn, phương tiện vận tải nhỏ, giá cước vận tải hàng hóa giảm.

 

Qua khảo sát thực tế của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho thấy, nhiều doanh nghiệp tuy sản xuất, kinh doanh có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận lại thấp. Hầu hết các công ty xây dựng và buôn bán vật liệu nhỏ hiện đang gặp khó khăn do thiếu việc làm ổn định, khối lượng công trình bị cắt giảm nhiều so với trước; một số doanh nghiệp bỏ hàng tỷ đồng để xây dựng công trình nhưng khi hoàn thiện vẫn chưa được chủ đầu tư thanh toán vốn. Có doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn đốn do cung ứng vật liệu cho khách hàng đến khi làm xong công trình lại bỏ trốn làm mất hàng tỷ đồng, điển hình như Công ty Anh Ðảm (Vũ Thư) và một số doanh nghiệp ở huyện Hưng Hà và Thái Thụy.

 

Nắm bắt được những khó khăn trên, ngay từ đầu năm 2014, Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tích cực củng cố tổ chức, xác định trách nhiệm phải sâu sát thực tế hơn để tư vấn hỗ trợ, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất cho doanh nghiệp. Chủ động nắm bắt tình hình, triển khai nhiều hoạt động phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố, tham mưu cho UBND tỉnh đề ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Phối hợp với Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri là các doanh nghiệp, tại đó lãnh đạo các sở, ngành trực tiếp trả lời, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị với Quốc hội những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.

 

Công ty cổ phần May xuất nhập khẩu Thái Dương (thôn Nứa, xã Liên Hiệp, Hưng Hà) tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. 

 

Ðể giúp các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, từ đầu năm đến nay Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức 6 đoàn đi dự đại hội, giao lưu xúc tiến mở rộng thị trường, dự diễn đàn tại các tỉnh, thành phố như Lạng Sơn, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hòa Bình, qua đây các doanh nghiệp đã tìm kiếm được bạn hàng, đối tác, ký kết được nhiều hợp đồng và giao lưu học hỏi kinh nghiệm của doanh nghiệp các tỉnh bạn. Chủ động làm việc với ngành Ngân hàng, Cục Thuế tỉnh rà soát lại những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về vốn vay, thủ tục cấp vốn, nợ đọng thuế để giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Ngoài ra, Hiệp hội đã tổ chức hội nghị phát động người Thái Bình dùng hàng Thái Bình, đưa hàng Việt về nông thôn tại Công ty Giang Ngọc thu hút gần 100 doanh nghiệp tham gia. Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp không chỉ quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà còn là cầu nối giúp doanh nghiệp phát triển mạng lưới phân phối trong thị trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ðây cũng là cơ hội để người tiêu dùng trong tỉnh được tiếp cận với đa dạng các loại sản phẩm mang thương hiệu Thái Bình, có chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ đó hình thành thói quen tiêu dùng các sản phẩm do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất. Ðặc biệt, thời gian qua Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động tích cực thúc đẩy hoạt động thi đua sản xuất, kinh doanh, nhất là việc tiếp cận, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ở các doanh nghiệp tỉnh ngoài. Do đó nhiều doanh nghiệp đã tích cực cơ cấu lại ngành nghề, sản phẩm nên vẫn trụ vững và có chiều hướng phát triển tốt. Ðiển hình như một số doanh nghiệp ở huyện Hưng Hà từ sản xuất, kinh doanh cầm chừng đến nay đã hoạt động sôi động trở lại như Công ty Tuấn Phương, Công ty Dệt Thanh Chất.

 

Ngoài việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh còn phát động doanh nghiệp thực hiện tốt công tác xã hội, từ thiện như trao quà cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp năm mới trị giá hàng tỷ đồng và tham gia chương trình mái ấm chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo và ủng hộ ngư dân, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc hàng trăm triệu đồng...

 

Thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục hỗ trợ và vận động cộng đồng doanh nghiệp tích cực lao động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, tham mưu cho tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ hiệu quả với các ngành Ngân hàng, Thuế, Công Thương... trong việc tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ sự phát triển của doanh nghiệp.

 

Thu Thủy

    

                     

 

  • Từ khóa