Thứ 4, 01/05/2024, 03:44[GMT+7]

Chuyển đổi cơ cấu giống lúa ở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vũ Bình

Thứ 2, 18/08/2014 | 08:47:26
1,322 lượt xem
Trung tuần tháng 8, chúng tôi về Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp ( HTX DVNN) Vũ Bình (Kiến Xương) đúng vào lúc cán bộ HTX xuống các xứ đồng kiểm tra tình hình sâu bệnh trên diện tích giống lúa mới khảo nghiệm. Thôn Mộ Ðạo 1 được HTX đưa giống lúa Tết Vàng vào khảo nghiệm ở vụ mùa năm nay do Công ty TNHH Bayer (Ðồng Nai) cung ứng giống cho bà con xã viên.

Cán bộ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vũ Bình (Kiến Xương) kiểm tra sự phát triển của giống lúa Tết Vàng trồng khảo nghiệm tại địa phương.

 

Trao đổi về việc đột phá trong chuyển đổi cơ cấu giống lúa của Vũ Bình, Phó Chủ nhiệm HTX Bùi Văn Thịnh cho biết: Những năm trước đây, để duy trì ổn định trong sản xuất nông nghiệp, Vũ Bình đã nỗ lực rất nhiều bởi một bộ phận nông dân không còn tha thiết đồng ruộng; diện tích cấy giống lúa dài ngày còn khá cao; lao động nông nghiệp chủ yếu là người cao tuổi do lực lượng lao động trẻ khỏe đi làm ăn xa.

 

Qua quá trình thâm canh, nông dân vẫn tự để giống cho vụ sau, do đó một số giống lúa bị thoái hóa, chống chịu sâu bệnh kém, năng suất không cao. Ðây là bài toán khó cho Vũ Bình khi quyết tâm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống lúa mang lại giá trị kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Từ điều kiện thực tiễn của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã xác định: Nông nghiệp vẫn là mặt trận sản xuất hàng đầu, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, mang hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Nhiều giải pháp đã được đề ra như huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, tăng cường cán bộ HTX xuống cơ sở chỉ đạo quyết liệt về cơ cấu giống lúa, thời vụ gieo cấy, quy trình kỹ thuật canh tác. Ban quản trị HTX thường xuyên họp giao ban phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân. Cán bộ HTX được đi trao đổi, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài tỉnh, vận dụng việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa vào đồng đất địa phương.

 

Ðể nông dân tin và tích cực chuyển đổi giống lúa mới, HTX tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm giúp nông dân thay thế giống lúa địa phương bị thoái hóa, năng suất thấp. Với nhiều giải pháp thiết thực, đến vụ xuân 2012 cơ cấu giống lúa của Vũ Bình đã thay đổi, khởi đầu là các giống BC15, N87, N97, TBR1... Các giống lúa mới được đưa vào gieo cấy đều có năng suất cao, chống chịu khá với điều kiện bất thuận về thời tiết và sâu bệnh. 100% diện tích gieo cấy bằng các giống lúa ngắn ngày; diện tích cấy bằng mạ non gieo trên nền cứng tăng, lúa chất lượng cao được duy trì ổn định. Chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống lúa với những hiệu quả bước đầu đã giúp bà con nông dân có thêm niềm tin, mạnh dạn tiếp thu kỹ thuật mới, tăng cường đầu tư cho sản xuất.

 

Ði đôi với cuộc cách mạng triệt để về giống là việc vận động nông dân dồn điền, đổi thửa. Với bình quân 1,7 thửa/hộ đã tạo điều kiện thuận lợi nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, khắc phục tình trạng phân tán, manh mún về đất đai, thúc đẩy việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống lúa tập trung trên những thửa ruộng lớn, làm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Ðối với các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, Vũ Bình đã quy hoạch theo tiêu chí nông thôn mới, từng bước cứng hóa kênh mương cấp I theo từng giai đoạn, bảo đảm hệ thống mương máng luôn được thông thoáng phục vụ thuận lợi cho việc tưới tiêu.

 

Cũng theo đồng chí Bùi Văn Thịnh, việc khảo nghiệm nhiều giống lúa tại địa phương để tìm ra những giống lúa có năng suất, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu bộ giống của địa phương được HTX phối hợp với Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa vào khảo nghiệm giống QR18 và Tết Vàng do Công ty Bayer (Ðồng Nai) cung ứng với tổng diện tích 25ha. Qua khảo nghiệm, QR18 là giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, bông to, tỷ lệ hạt mẩy đồng đều.

 

Trong cùng điều kiện đồng ruộng, giống QR18 hạn chế với các loại sâu bệnh hại như bệnh đạo ôn, rầy nâu..., khả năng chịu rét khá hơn so với một số giống lúa khác, rất thích hợp trong cơ cấu vụ xuân. Nếu được chăm sóc đúng quy trình, năng suất lúa QR18 vụ xuân đạt 70 tạ/ha. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Phôi (thôn Mộ Ðạo 1) cho biết: Vụ xuân vừa qua, gia đình tôi được của HTX khuyến cáo đưa vào gieo sạ giống lúa QR18 do Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư cung ứng. 4 sào lúa cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, có triển vọng đáp ứng được nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa. Giống lúa QR18 rất hợp với vụ xuân và đồng ruộng nơi đây, vì vậy vụ xuân tới tôi sẽ tăng diện tích gieo cấy bằng giống lúa QR18. Ðược nông dân địa phương đánh giá cao, vụ xuân tới HTX tiếp tục khảo nghiệm để khẳng định tính thích nghi của giống lúa này sau đó mới đưa ra diện rộng để bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa của địa phương. Ðối với giống lúa Tết Vàng được khảo nghiệm lần đầu trong vụ mùa, hiện lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh hữu hiệu, chưa có dấu hiệu của sâu bệnh gây hại trên diện tích khảo nghiệm.

 

Việc các giống lúa mới được đưa vào thâm canh tại Vũ Bình cho năng suất cao đã khẳng định người nông dân đã biết chọn lọc và thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng. Ðiều đáng ghi nhận và thành công lớn nhất của các mô hình khuyến nông của HTX Dịch vụ nông nghiệp Vũ Bình là đã giúp bà con nông dân tiếp cận, chia sẻ với nhau về kỹ thuật mới trong trồng trọt nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi phương thức canh tác manh mún, hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Mạnh Thắng

 

  • Từ khóa