Thứ 3, 30/04/2024, 15:37[GMT+7]

Thi đua phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

Thứ 3, 19/08/2014 | 08:41:47
2,117 lượt xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 5 lần về thăm Thái Bình. Người đã để lại những tình cảm thân thương đối với mỗi cán bộ và nhân dân trong tỉnh cùng những lời di huấn thiêng liêng trong suốt chiều dài lịch sử. Thực hiện lời căn dặn của Bác, gần 70 năm trôi qua kể từ ngày Bác về thăm Thái Bình lần đầu tiên, Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng

Mô hình trồng dưa lưới của Công ty cổ phần Vinotek (xã Hồng An, Hưng Hà).

Những ngày thu tháng Tám, Ðảng bộ và nhân dân Hồng An (Hưng Hà) lại càng thêm tự hào bởi là địa phương duy nhất trong tỉnh vinh dự được hai lần đón Bác Hồ về thăm vào ngày 10/1/1946 và ngày 28/4/1946. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, thời gian qua, Hồng An đã nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2010), được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2007), là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha với giá trị sản xuất bình quân đạt 56,8 triệu đồng/ha/năm (năm 2006), nhiều năm liền là địa phương dẫn đầu về phong trào sản xuất cây vụ đông, phong trào phát triển trang trại, gia trại…

Ông Trần Tiến Phúc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hồng An cho biết: Với tổng diện tích đất canh tác 385ha, chiếm 74,76% tổng diện tích đất nông nghiệp, thời gian qua, Hồng An đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời đưa các loại cây, con cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất như chuối tây Ðài Loan, chuối tiêu hồng, nhãn Hương Chi, nhãn muộn Hà Tây, thanh long ruột đỏ, hòe, bò lai sin… Trong sản xuất lúa, Hồng An đã thực hiện chuyển đổi 100% diện tích sang cấy giống ngắn ngày cho năng suất và chất lượng cao, bình quân đạt trên 13 tấn/ha/năm. Tận dụng 140ha đất bãi ven sông Luộc, Hồng An phát triển mô hình trồng chuối với quy mô lớn mang lại hiệu quả cao cùng nhiều mô hình khác như trồng dưa lưới, rau, củ, quả… Ðến nay, nhiều hộ đã có thu nhập tới hàng trăm triệu đồng/ha.

Ðối với chăn nuôi, Hồng An cũng là địa phương phát triển khá mạnh cả về số lượng và chất lượng. Toàn xã có 170 trang trại, gia trại được nuôi theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp, bình quân hàng năm duy trì khoảng 1.300 con bò, 5.000 con lợn, 65.000 con gia cầm; ngoài ra còn có 62ha diện tích nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Rời Hồng An, chúng tôi đến thăm Nam Cường (Tiền Hải). Từ một xã vùng kinh tế mới hoang sơ nay đã vươn lên trở thành xã nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Sang phấn khởi cho biết: Ngày Bác Hồ về thăm, Nam Cường còn nghèo nàn, lạc hậu, bờ lau, bãi lác hoang sơ. Toàn xã chỉ có hơn 200ha đất nông nghiệp, trong đó có 90ha đất lúa, còn lại là đất chua mặn. Ghi sâu lời dạy của Bác, Ðảng bộ và nhân dân Nam Cường đã quyết tâm chiến thắng thiên tai, đói nghèo, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Ði một vòng quanh xã, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Nam Cường đó là một vùng đất đã thực sự “thay da, đổi thịt”. Thật khó tìm thấy dấu vết về một vùng đất chua mặn ngày xưa bởi 100% nhà dân đã được xây dựng kiên cố, đường làng, ngõ xóm cũng được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới, từ trụ sở làm việc của xã đến trường học, trạm y tế đều được xây dựng khang trang. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 23 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 2,9%. Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Ðức Cường đang được đề nghị cấp Bằng di tích lịch sử quốc gia, hàng năm đón hàng trăm lượt tập thể và cá nhân mọi miền đất nước về thăm viếng. Nét nổi bật nhất của Nam Cường trong những năm qua đó là quy hoạch được 105ha vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ và 20ha vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đem lại thu nhập trung bình 30 tỷ đồng/năm.

Không chỉ duy trì diện tích, hàng năm Nam Cường còn tích cực vận động nhân dân đưa các đối tượng nuôi mang lại hiệu quả cao vào sản xuất như ngao giống, cá vược, cá song, cá trắm đen, tôm thẻ, tôm sú… Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mặc dù không phải là xã điểm nhưng Nam Cường đã khắc phục nhiều khó khăn, tập trung huy động mọi nguồn lực hoàn thành các tiêu chí. Chỉ sau 3 năm triển khai thực hiện, tháng 12/2013, Nam Cường đã vinh dự được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới với tổng kinh phí thực hiện 13,253 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 7,608 tỷ đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 369 triệu đồng, ngân sách xã 1,17 tỷ đồng, nguồn lực nhân dân và xã hội hóa 4,106 tỷ đồng cùng 5.000 ngày công lao động.

Ra sức thi đua phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, không chỉ Hồng An, Nam Cường, tất cả các địa phương trong toàn tỉnh đều đang góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 2,5%/năm, chiếm 21,5% tổng giá trị sản xuất; phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt theo lời Bác đã căn dặn.

Minh Hương

  • Từ khóa