Thứ 6, 26/04/2024, 16:03[GMT+7]

Siết chặt quản lý kinh doanh bến bãi, tập kết vật liệu xây dựng

Thứ 2, 08/05/2017 | 10:52:49
2,781 lượt xem
Hiện nay, hoạt động kinh doanh, trung chuyển, tập kết vật liệu xây dựng tại các bến bãi trên các tuyến sông trên địa bàn tỉnh ngày càng sôi động. Tuy nhiên, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động bến bãi của nhiều chủ cơ sở còn hạn chế. Thực trạng trên không chỉ vi phạm Luật Đê điều và hành lang thoát lũ trên các sông gây mất an toàn công trình đê điều mà còn gây bức xúc trong nhân dân.

Bãi tập kết vật liệu xây dựng ven đê Trà Lý, đoạn qua địa phận xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng. Ảnh: Phạm Hưng

Thái Bình có 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 584,6km; trong đó có 356,3km đê trung ương, còn lại là đê bối, đê bao, đê vùng. Tổng số bến bãi trên các tuyến đê trung ương trong toàn tỉnh hiện nay là 312 bến bãi, trong đó 50% bến bãi không nằm trong quy hoạch; 13 bến bãi có giấy phép theo đúng quy định của Luật Đê điều (9 bãi không trong quy hoạch, 4 bãi trong quy hoạch), 49 bến bãi có phép hết hiệu lực hoặc không có giá trị pháp lý; 147 bến bãi có hợp đồng với chính quyền địa phương còn hiệu lực. 

Để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tại các bến sông trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1983/QĐ-UBND ngày 21/7/2016 về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bến bãi trung chuyển, kinh doanh cát và vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay, các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực hiện theo quy hoạch trên các bãi sông. 

Ngày 14/12/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 1983 và hoạt động của các bến bãi tại sông trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt được tình hình triển khai của cấp huyện, cấp xã; đề xuất, kiến nghị và yêu cầu các địa phương có biện pháp xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng, kịp thời xử lý hành vi vi phạm mới phát sinh; đồng thời tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đê điều đến các tổ chức, cá nhân, góp phần giảm thiểu mức độ gây mất an toàn công trình đê điều và hành lang thoát lũ trên địa bàn tỉnh. 

Tuy nhiên, tính đến ngày 10/1/2017, các huyện, thành phố mới vận động giải tỏa được 7 bến bãi; xử phạt được một số vi phạm như: huyện Hưng Hà xử lý 6 vụ với số tiền xử phạt 100 triệu đồng; huyện Thái Thụy xử lý 9 vụ với số tiền xử phạt 29 triệu đồng; huyện Đông Hưng xử lý 14 vụ với số tiền xử phạt 38 triệu đồng.

Những năm gần đây, các dự án lớn đã và đang được xây dựng trên địa bàn thành phố Thái Bình như đường vành đai phía Nam, cầu vượt sông Trà Lý, các khu chung cư, khu đô thị lớn… nên nhu cầu sử dụng vật liệu để san lấp mặt bằng và xây dựng công trình là rất lớn. Phần lớn vật liệu xây dựng cung cấp cho các công trình được vận chuyển bằng đường sông Trà Lý trung chuyển qua các bến bãi để đưa vào thành phố. Trên địa bàn thành phố hiện có 47 bến bãi, trong đó chỉ có 5 bến bãi trong quy hoạch, 42 bến bãi còn lại nằm ngoài quy hoạch. Theo kiểm tra, đa số các chủ bến bãi tự ý xây dựng một số công trình phục vụ cho hoạt động như nhà trông coi, kho để dụng cụ… Tuy nhiên, đến thời điểm đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra, mới chỉ có 2 bến bãi tập kết vật liệu thuộc phường Tiền Phong được giải tỏa.

Còn tại huyện Vũ Thư, trong tổng số 48 bến bãi tập kết vật liệu xây dựng thì có 31 bến bãi trong quy hoạch. Triển khai thực hiện Quyết định số 1983 của UBND tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau như: họp triển khai tới cấp xã, công khai quy hoạch bến bãi trên hệ thống truyền thanh và tới từng hộ kinh doanh bến bãi, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành… Đến nay, hầu hết các bến bãi đã tự giác hạ tải vật liệu xây dựng trên bãi, tuy nhiên, huyện chưa tổ chức cưỡng chế, giải tỏa đối với các chủ bến bãi không chấp hành quy hoạch. Kiểm tra thực tế đối với một số bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng không có trong quy hoạch tại các huyện, thành phố, hầu hết các chủ bến bãi đều đã được phổ biến về nội dung của Quyết định số 1983 tuy nhiên các bến bãi được kiểm tra đều chưa thực hiện tháo dỡ, giải tỏa theo đúng lộ trình, các hoạt động kinh doanh, tập kết vật liệu và công trình phụ trợ vẫn diễn ra.

Một trong những khó khăn trong việc thực hiện Quyết định số 1983 là phần lớn các bến bãi đã có từ lâu, các đơn vị, cá nhân đã đầu tư với kinh phí lớn, cuộc sống và thu nhập của các chủ bến bãi chủ yếu dựa vào kinh doanh vật liệu nên nếu phải giải tỏa bến bãi sẽ mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, chưa có quy hoạch vị trí bến bãi mới cho các hộ trong diện di dời, giải tỏa.

Trước thực trạng khai thác cát trái phép đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở nhiều địa phương, siết chặt việc quản lý các bến bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng là việc làm cần thiết, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành cùng các biện pháp xử lý triệt để những điểm vi phạm.

Lưu Ngần