Thứ 7, 27/04/2024, 03:01[GMT+7]

Công nghiệp về làng (Kỳ 3)

Thứ 5, 25/05/2017 | 09:03:16
1,266 lượt xem
Công nghiệp về làng đang là xu hướng tất yếu, đem lại hiệu quả cho người nông dân và xã hội song không ít nghề, làng nghề, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn kéo theo nhiều hệ lụy về tình trạng ô nhiễm môi trường khiến cả chính quyền và người dân sở tại phải nhức nhối về vấn đề xử lý nước thải, rác thải.

Nghề dệt khăn tạo việc làm cho nhiều lao động trung tuổi.

Kỳ 3: Hệ lụy và những khó khăn

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện tại, một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, trong đó nặng nhất là làng nghề xã Thái Phương (Hưng Hà), sản xuất bún, bánh ở Vũ Hội (Vũ Thư), chạm bạc ở Kiến Xương. Có thời kỳ tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề Thái Phương dừng hoạt động, ngắt điện, xử phạt để ngăn chặn tình trạng tẩy nhuộm xả nước thải ra môi trường song kết quả vẫn không được cải thiện. Đã có một số doanh nghiệp trong làng nghề tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải song không đạt chuẩn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng. 

Ông Nguyễn Bá Phong, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hưng Hà chia sẻ: Đến nay, hầu như các làng nghề trong huyện chưa có hệ thống xử lý nước thải, chất thải tập trung. Toàn huyện mới chỉ có duy nhất làng nghề làm bánh đa xã Canh Tân được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, còn lại hầu như bị ô nhiễm về tiếng ồn, bụi, nước thải do các hộ sản xuất xen lẫn trong khu dân cư. Sau khi cụm công nghiệp Phương La hình thành năm 2000, các doanh nghiệp thực hiện công đoạn tẩy nhuộm lớn nên phát sinh vấn đề nước thải chưa qua xử lý ra môi trường dẫn tới hiện tượng ô nhiễm ngày càng nặng. Chính điều này đã dẫn tới tình trạng nhân dân các thôn đắp đập ngăn sông, ngăn đường để không cho nước thải chảy về địa bàn mình. Cũng vì thế mà toàn bộ nước thải của các doanh nghiệp bị ứ đọng lại khoảng 400m trên đoạn sông Tân Việt dẫn tới tình trạng nước tưới cho gần 100ha đất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. 

Ông Trần Văn Bỉ ở thôn Phương La 4 có nhà cạnh sông Tân Việt bức xúc: Tôi có nhà cũng như không vì hàng chục năm nay phải đi nơi khác ngủ bởi ô nhiễm. Hiện nay như nhà hoang, chỉ khóa cửa để đó vì mùi hôi thối từ sông Tân Việt bốc lên, nhất là vào những ngày mưa to thì cả làng ai cũng phải bịt mũi. 

Ông Vũ Văn Nam ở thôn Xuân La cũng có chung nhận xét: Làng nghề quá bẩn, bị ô nhiễm nặng, ngay cả đến cây rau muống trồng ở ruộng cũng không dám ăn vì sợ đau bụng, lúa cấy có cây nhưng không có bông, có làm nhưng không có thu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống người dân. Nước thải của các doanh nghiệp xả thải ra môi trường với lượng quá lớn. Cứ mỗi khi các doanh nghiệp xả thải thì mùi Javen bốc lên nồng nặc, không ai chịu được, người dân đi qua phải bịt mũi hoặc đeo khẩu trang. 

Cũng theo ông Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hưng Hà, ngoài Phương La, ở xã Tân Lễ còn xuất hiện một số cơ sở sản xuất chiếu nilon gây ra mùi khó chịu do tái chế nhựa để sản xuất chiếu. Mặc dù khi lập dự án huyện chỉ phê duyệt để các cơ sở nhập hạt nhựa về sản xuất chiếu nilon nhưng do các doanh nghiệp muốn giảm chi phí nên đã thu mua phế liệu về tạo hạt gây ô nhiễm môi trường.

Nước sông Tân Việt đen ngòm khiến người dân phải đắp đập ngăn sông.

Ở xã Vũ Hội (Vũ Thư), tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề cũng khá trầm trọng. Mặc dù chỉ còn 4 hộ làm bún, một số hộ làm miến dong theo thời vụ nhưng hầu hết các hộ lại chưa có hệ thống xử lý nước thải nên vẫn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Nước thải ra trong chế biến bún, đặc biệt là nước thải từ công đoạn ngâm bột có chứa tinh bột và nhanh chóng phân hủy, lên men axít. Bên cạnh đó, nước thải chăn nuôi từ các gia đình phần lớn chưa qua xử lý mà xả thẳng vào hệ thống rãnh nước nên nước thải có hàm lượng COD, BOD, Coliforms cao, gây ra mùi hôi thối. 

Chủ cơ sở làm bún Mai Huy Đức ở thôn Bình An cho hay: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác môi trường nên từ năm 2005 tôi đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải dựa trên biện pháp sinh học. Hiện nay, bình quân mỗi tháng cơ sở phải bỏ ra khoảng 1,5 triệu đồng chi phí vào tiền nước, điện và hóa chất để vận hành hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà cơ sở sản xuất bún nào trong xã cũng làm được, vì thế ô nhiễm môi trường diễn ra là điều hiển nhiên.

Bãi chôn lấp rác thải rắn công nghiệp ở Tiền Hải.

Không chỉ ở trong các làng nghề mà ngay cả khu công nghiệp lớn của tỉnh như khu công nghiệp Tiền Hải cũng có thời kỳ khổ vì rác thải của các doanh nghiệp. 

Theo đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải, thực chất khu công nghiệp hình thành mới đầu là do sự tự phát của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều khó hiểu hơn là sau khi thành lập khu công nghiệp lại không quy hoạch bãi rác, không có hệ thống thoát nước mưa, khu xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp đã tự xử lý chất thải rắn bằng cách tái sử dụng vào việc san lấp mặt bằng bởi chất thải chủ yếu là gốm sứ, gạch men. Nhưng sau khi không còn nhu cầu ngay lập tức chất thải rắn được đổ ra ngay vệ đường phía trước các doanh nghiệp gây mất mỹ quan, phản cảm. Chỉ tới năm 2012 sau khi huyện giao cho Công ty TNHH Môi trường đô thị Tiền Hải quản lý, vận hành bãi chôn lấp rác thải rắn công nghiệp thì vấn đề xử lý rác thải ở đây mới được cải thiện. 

Ông Trần Quốc Quyền, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường đô thị Tiền Hải cho biết: Đến nay đã có 27 doanh nghiệp ký hợp đồng với Công ty về việc thu gom, xử lý rác thải với hàng trăm tấn rác thải/tháng. Bãi chôn lấp rác thải rắn được quy hoạch gần 4ha, chứa được khoảng 80.000 tấn, tuy nhiên đến nay đã đổ được khoảng 1/5. Do đó, ngay từ giờ cũng rất cần tính đến việc xử lý chất thải rắn công nghiệp khi bãi chôn lấp này đầy sau vài năm nữa. 


Ông Trần Bá Cao, Chủ tịch UBND xã Thái Phương (Hưng Hà)

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong làng nghề, địa phương đã được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên công suất của nhà máy lại quá nhỏ so với thực tế sản xuất của doanh nghiệp. Theo tính toán, khi đi vào hoạt động nhà máy chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu xử lý nước thải của làng nghề, do đó sẽ rất khó để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương nếu nhà máy không được nâng công suất. UBND xã cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp dừng hoạt động tẩy nhuộm nhưng biện pháp của địa phương không được khắc phục triệt để.

Ông Đinh Đức Cải, Giám đốc Công ty Dệt may xuất khẩu Nam Thành, xã Thái Phương (Hưng Hà)

Hiện có khoảng 60% mặt hàng phải thuê tẩy trắng, 100% mặt hàng nhuộm phải đi thuê với chi phí trên 200 triệu đồng/tháng. Các doanh nghiệp đi thuê tẩy nhuộm cũng phải chịu rất nhiều thiệt thòi, vừa mất công vận chuyển vừa chịu chi phí cao. Do đó, từ năm 2009, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên vẫn chưa đạt chuẩn để xả thải ra môi trường. Tôi mong các cấp chính quyền thúc đẩy xây dựng nhanh nhà máy xử lý nước thải tập trung để bảo vệ môi trường cho địa phương.

Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ cơ sở sản xuất chiếu xã Tân Lễ (Hưng Hà)

Hàng tháng tôi phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để nhập hạt nhựa ở tỉnh ngoài về sản xuất chiếu. Đó là một chi phí khá cao nên trước đây tôi đã đầu tư 300 triệu đồng mua máy tạo hạt về làm nhưng đã phải bán do vi phạm về môi trường. Tuy nhiên, theo tôi, cần có sự công bằng trong việc xử phạt các hộ sử dụng máy tạo hạt trong làng nghề, nếu chỉ xử phạt một mình tôi thì tình trạng ô nhiễm sẽ không thể giải quyết triệt để.

Bà Trần Thị Toàn, thôn Xuân La, xã Thái Phương (Hưng Hà)

Là người dân trên địa bàn xã tôi rất bức xúc trước hiện trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề. Hiện nay, mức độ ô nhiễm môi trường của thôn rất trầm trọng, từ nhiều năm nay nước trên sông đen ngòm không bơm được lên đồng ruộng để sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi mong các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã nhanh chóng vào cuộc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường để người dân được canh tác trên đồng ruộng của mình, giữ gìn môi trường trong lành cũng như bảo đảm đời sống dân sinh.


(còn nữa)

Thu Thủy