Thứ 7, 27/04/2024, 09:46[GMT+7]

Hưng Hà đẩy mạnh phát triển công nghiệp

Thứ 3, 15/08/2017 | 09:32:20
2,496 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết số 219-NQ/HU ngày 18/2/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hưng Hà về đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN), nghề và làng nghề giai đoạn 2014 - 2020, những năm qua các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong huyện đã khắc phục khó khăn vươn lên sản xuất, đưa lĩnh vực công nghiệp của huyện đạt kết quả cao, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tích cực.

Sản phẩm lưới nilon của xã Tân Lễ chủ yếu phục vụ che mưa, che nắng cho cây trồng, nuôi trồng thủy sản…

Ông Nguyễn Bá Phong, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hưng Hà cho biết: Những năm qua lĩnh vực CN - TTCN của huyện đã duy trì và phát triển tương đối toàn diện, giá trị sản xuất không ngừng tăng cao. Cụ thể, giá trị sản xuất năm 2014 đạt 4.324,9 tỷ đồng, tăng 6,69% so với năm 2013; năm 2015 đạt 4.887,1 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2014; năm 2016 đạt 5.205,5 tỷ đồng, tăng 10,74% so với năm 2015. Huyện đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích 157ha, tạo điều kiện về mặt bằng thu hút các doanh nghiệp đầu tư. 

Đến nay, toàn huyện có 274 doanh nghiệp, tăng 87 doanh nghiệp so với năm 2014, trong đó 99 doanh nghiệp dệt, may, 10 doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, 23 doanh nghiệp xây lắp, 15 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và 127 doanh nghiệp khác. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đạt doanh thu cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động như Công ty TNHH Dệt Toàn Thắng, Công ty TNHH Dệt may Hưng Thịnh, Công ty TNHH Thành Công, Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu Tuấn Lộc… 

Đặc biệt nhóm doanh nghiệp dệt, may hoạt động ổn định, đạt mức tăng trưởng khá, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thay thế thiết bị cũ, lạc hậu, năng suất thấp cho năng suất chất lượng cao. Cụ thể máy dệt khăn công nghiệp toàn huyện năm 2014 có 136 máy, đến năm 2015 có 358 máy và tới năm 2016 tăng lên 536 máy. Ở xã Thái Phương năm 2016 có 330 máy dệt khăn công nghiệp, 2.100 khung dệt thủ công, xã Kim Trung có 130 máy dệt khăn công nghiệp, 400 khung dệt thủ công, xã Minh Tân có 12 máy dệt khăn công nghiệp, 755 khung dệt thủ công, xã Độc Lập có 17 máy dệt khăn công nghiệp, 442 khung dệt thủ công… 

Ông Nguyễn Văn Bắc, chủ cơ sở sản xuất chiếu Chung Anh (xã Tân Lễ) tâm sự: Do địa phương có nghề truyền thống chiếu cói nên khi đầu tư doanh nghiệp rất thuận lợi về thị trường tiêu thụ sản phẩm và tay nghề người lao động. Tuy nhiên nếu không phát huy được giá trị của làng nghề thì các hộ sẽ mãi làm ăn manh mún, sản xuất trì trệ. Vì thế, sau khi học hỏi được kỹ thuật, năm 2012 tôi đã mạnh dạn thuê đất đầu tư hơn 20 tỷ đồng mua máy dệt chiếu và lưới nilon. Đến nay bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất trên 4.000 sản phẩm chiếu xuất đi các tỉnh, thành phố trong nước. 

Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu Tuấn Lộc (xã Thái Phương) cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là thị trường ngày càng ế ẩm, hàng tồn kho ở các nước còn nhiều song với sự cố gắng nỗ lực trong việc duy trì các mối hàng truyền thống, mở rộng bạn hàng mới do đó doanh nghiệp vẫn không ngừng đầu tư đẩy mạnh công suất lên ngày càng cao. Tính đến nay doanh nghiệp đã đầu tư trên 70 tỷ đồng vào 18 máy dệt kiếm và hàng trăm máy dệt bán công nghiệp trong dân, doanh thu mỗi năm đạt trên 100 tỷ đồng.

Dệt khăn được xác định là ngành sản xuất mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện.

Theo ông Nguyễn Bá Phong, Hưng Hà có nhiều làng nghề phát triển ổn định, trong đó nhiều nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển, đồng thời du nhập một số nghề mới có hướng phát triển tốt. Nhiều làng nghề truyền thống là thế mạnh của huyện đã thu hút nhiều lao động, giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng cao, tốc độ tăng trưởng khá. Điển hình như năm 2016 nghề dệt khăn đạt 616,495 tỷ đồng, chiếm 11,8%; nghề dệt chiếu đạt 562,740 tỷ đồng, chiếm 10,8%; nghề sản xuất đồ mộc đạt 237,942 tỷ đồng, chiếm 4,57% so với giá trị sản xuất công nghiệp chung toàn huyện. Trong đó một số xã, thị trấn đạt giá trị sản xuất từ nghề cao như: Tân Lễ đạt 399,864 tỷ đồng, Thái Phương đạt 215,487 tỷ đồng, thị trấn Hưng Nhân đạt 185,197 tỷ đồng, xã Duyên Hải đạt 98,211 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu tới năm 2020, giá trị sản xuất CN - TTCN đạt 9.707,2 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 13%/năm, trong đó trước mắt năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 5.787,3 tỷ đồng, huyện Hưng Hà sẽ tập trung thực hiện 5 giải pháp cơ bản trong đó tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của phát triển CN - TTCN, nghề và làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; từng bước hoàn thiện, nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện về mặt bằng, vốn và tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp và làng nghề phát triển.

Thu Thủy