Thứ 7, 27/04/2024, 03:58[GMT+7]

Bến sông dậy sóng

Thứ 2, 19/09/2016 | 08:55:42
1,946 lượt xem
A Sào xưa thuộc hương A Cảo nằm cạnh con sông Hóa (nay là làng A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ), dân gian thường gọi là sào huyệt Đông A (phiên âm chệch đi của chữ Trần). Tương truyền, Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy quân đội nhà Trần nhiều lần xuôi, ngược sông Hóa, sông Luộc vận chuyển quân lương đánh giặc. A Sào cũng là nơi thực hiện các cuộc rút lui chiến lược của quân đội nhà Trần để vượt Lục Đầu giang hiểm trở, kéo quân lên vùng Đông Bắc sang Bạch Đằng g

Đền A Sào được phục dựng mới.

Sử cũ chép, Phụng Kiền vương Trần Liễu (thân phụ của Trần Hưng Đạo) là con rể vua Lý Huệ Tông được phong thái ấp ở A Sào đã về đây mộ dân mở ấp. Đây là vùng đất trù mật, cư dân đông đúc lại nằm ở vị trí xung yếu nên A Sào được nhà Trần cho xây dựng đồn trú rồi cử Thượng vị hầu Trần Quốc Tuấn về đây canh giữ. Nơi đây địa hình khá thuận lợi cho quân đội nhà Trần huấn luyện binh lính bởi đây là nơi tiếp giáp của hai con sông: sông Hóa tiếp nối dòng chảy của sông Luộc. Sông Luộc lại bắt nguồn dòng chảy từ sông Hồng và ngược dòng sông Hồng là về kinh thành Thăng Long.

Rõ ràng, một đầu sông Luộc ngược về cửa Hải Thị gặp sông Hồng từ kinh đô Thăng Long đổ xuôi qua lộ Thiên Trường ra cửa biển Giao Hải (nay là cửa Ba Lạt) đổ ra biển. Một đầu sông đổ vào dòng sông Hóa theo hướng đông hòa chung dòng nước với sông Thái Bình cũng đổ ra biển. Vị trí yếu lược như vậy nên A Sào luôn là trọng điểm quân sự. Từ A Sào, nhìn về hướng mặt trời mọc, phía tả là các lộ Hồng (Hải Dương), lộ Khoái (Hưng Yên), lộ Hải Đông (Hải Phòng và Quảng Ninh ngày nay). Theo các thần phả, thần tích còn lưu khắc trên các bia ký ở đình, đền ở các xã như Quỳnh Thọ, An Hiệp, An Thái, An Khê… huyện Quỳnh Phụ và tư liệu điền dã, lời kể của các cụ già thì vùng đất giáp ranh với hai sông Luộc và sông Hóa đến thời cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) mới thực sự trở thành căn cứ quân sự, hậu cần trọng yếu của nhà Trần. Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn đã đóng đại bản doanh ở A Sào. Rồi các kho, đụn được lập nên bảo đảm nhu yếu phẩm cho quân đội nhà Trần chiến đấu lâu dài. Tương truyền, vũ khí, giáo mác được xếp đầy kho ở Am Qua (An Đồng), yên ngựa được xếp đầy kho ở cánh đồng Đống Yên giáp ranh giữa hai thôn Mễ Thương và A Sào. Sổ sách quân lương được xếp đầy kho ở làng Nam Lỗ (làng Sổ). Phòng tuyến quân sự được dựng lên, Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn nhiều lần về A Sào đốc thúc việc rèn luyện quân sĩ nên hiện nay trong các trò diễn xướng dân gian thông qua các lễ hội làng, hội vùng ở Quỳnh Phụ vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo như vật cầu, đua thuyền, đánh gậy…

Trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, A Sào luôn xứng là điểm tựa hậu phương vững chắc của quân đội nhà Trần. Năm 1285, quân Nguyên - Mông cậy đông quân, sức mạnh hòng ép triều đình nhà Trần vào vòng vây rồi bắt sống. Nhưng dưới sự chỉ huy tài tình của vua Trần và đặc biệt kế lui binh thần kỳ của Trần Hưng Đạo, kẻ thù sau một thời gian quần đảo không hiệu lực, quan quân mệt mỏi, hết lương thực, lúc này quân dân nhà Trần mở đợt phản công. Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương đem quân đánh thốc vào cứ điểm của quân giặc dọc sông Hồng làm chúng tan vỡ thành từng mảng, rồi tiến thẳng về kinh thành Thăng Long. Năm 1287 - 1288, quân và dân nhà Trần lại tiếp tục chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng lần thứ ba của đế quốc Nguyên - Mông, với tư thế chủ động cả triều đình lại lui quân về hậu phương. Quân giặc tức tối tàn phá làng mạc, tàn sát dân lành và đào bới tông miếu nhà Trần ở Long Hưng. Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương chỉ huy tướng sĩ từ A Sào vượt sông Hóa nhằm thẳng hướng Bạch Đằng giang đánh tan quân giặc.

Mấy trăm năm trôi qua, hình ảnh con voi phục quay đầu về sông Hóa như một biểu tượng của lòng trung thành và là niềm gợi nhớ về một thuở hào hùng của dân tộc vẫn còn đó. Dân gian truyền tụng câu chuyện huyền thoại kể mãi rằng, lần ấy, Trần Hưng Đạo cưỡi voi chiến đốc thúc binh tướng qua lộ Hồng, lộ Hải Đông để đến Bạch Đằng giang chặn đánh quân Nguyên - Mông. Ông chọn con đường đi ngắn nhất, bắt buộc phải qua A Sào lấy thêm quân lương, từ đây ông cho quân sĩ vượt sông Hóa hành quân xuyên thẳng ra lộ Hải Đông. Lúc bấy giờ, sông Hóa còn nhiều chỗ phình, đê điều chưa có nên bãi lầy trải rộng. Chọn một khúc sông nông nhất, lợi dụng lúc thủy triều xuống, ông huy động quân sĩ vượt sông Hóa mang theo quân lương. Voi chiến của chủ tướng to và nặng cũng tham gia vượt sông, nhân dân quanh vùng đem rơm rạ, gỗ tre lót xuống dòng sông để voi chiến của chủ tướng vượt sông đánh giặc. Không may, voi chiến sa lầy. Việc quân cơ đang lúc gấp rút, chủ tướng buộc phải từ biệt voi chiến lên ngựa. Chủ tướng nhìn voi, voi chiến nhìn chủ tướng, nước mắt chảy ròng ròng. Thời khắc tiễn biệt, Hưng đạo vương rút gươm chỉ xuống dòng sông mà thề rằng: "Nếu trận này không thắng, ta thề không trở lại bến sông này". Voi rống lên, ứa nước mắt tiễn biệt chủ tướng. Ba quân cảm kích trước tình nghĩa voi chiến và chủ tướng cùng thét lên tiếng thét vang dội bến sông: Sát Thát (giết giặc Nguyên - Mông).

Lời thề vang dội bến sông khiến mặt sông dậy sóng, lời thề vang đến tận trời cao xanh. Quả đúng như lời thề ấy, Trần Hưng Đạo đã cùng quân đội nhà Trần lập nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử. Trận ấy, quân đội nhà Trần đã quét sạch bóng quân thù ra khỏi bờ cõi. Chuyện kể lại rằng khi đoàn quân của Trần Hưng Đạo vượt sông đi xa, tiếng hô Sát Thát vọng lại nhỏ dần cũng là lúc thủy triều dâng lên, nước sông cứ lấn dần chỗ voi chiến sa lầy rồi không ai có thể nhìn thấy voi chiến của ông nữa. Nhân dân tiếc thương đã tạc tượng voi đá, lập đền thờ bên bờ sông và gọi nơi đây là bến Tượng (bến Voi). Sau đó một thời gian, lũ lụt liên miên, sông lở cuốn theo cả tượng voi đá lẫn đền thờ. Nhân dân A Sào lại tiếp tục tạc một con voi đá khác trên bờ sông Hóa.

Năm 1928, voi đá cũ đã bị hỏng nát đã được nhân dân A Sào lại đúc voi đá mới để thờ. Ngày 20 tháng 4 năm 1951, giặc Pháp mở chiến dịch Mê-đuy đánh phá ác liệt và cho cắm bốt ngay đền thờ voi phục. Voi đá cũng bị chúng đập phá, rồi chúng lấy voi đá làm ụ súng nên voi bị hư hại nặng. Đất nước thanh bình, nhân dân A Sào, An Thái lại tu bổ đền thờ, phục dựng lễ hội và bảo vệ các giá trị lịch sử, văn hóa một thời oai hùng của dân tộc mà A Sào từng là hậu phương vững chắc, nơi đồn trú và huấn luyện quân đội nhà Trần bách chiến, bách thắng.

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ

Vào những năm 1258 đến 1288, dân tộc Việt Nam ta đã trải qua ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông và đã chiến thắng oanh liệt khiến kẻ thù khiếp sợ. Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, nhà thiên tài quân sự, người chỉ huy trực tiếp quân đội nhà Trần trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (1285 - 1288), ông đã nhiều lần về A Sào đốc thúc luyện quân. A Sào vừa là phòng tuyến quân sự quan trọng vừa là hậu phương đáp ứng đầy đủ, trọn vẹn những yêu cầu của tiền tuyến. Lễ hội đền A Sào vừa được nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Trần Duy Cường, Ban quản lý đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ

Với những giá trị lịch sử, văn hóa còn lưu giữ tại khu di tích, khu di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch với diện tích 31,7ha. Sau thời gian thi công xây dựng, đến nay, khu Phủ Đệ, sân Đền A Sào đã hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 716 năm mất của Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Ông Đỗ Trọng Tuy, người dân làng A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ

Tôi đã từng trông coi đền A Sào nhiều năm, đền được phục dựng từ năm 2005, đến nay đã khá khang trang. Du khách thập phương về đây quanh năm dâng hương tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Quang Viện

  • Từ khóa